Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng

1. Bệnh tay chân miệng là gì?
– Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột thuộc nhóm Coxsackieviruses và Enterovirus 71 (EV71) gây ra.
– Biểu hiện chính là sang thương da niêm dưới dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như: miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
– Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi.
– Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao vào tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
– Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Biểu hiện chính là sang thương da niêm dưới dạng bóng nước ở các vị trí như: miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối

2. Những triệu chứng thường gặp là gì?
– Loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
– Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
– Sốt nhẹ.
– Nôn.
– Nếu trẻ sốt cao hoặc nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.

3. Những biến chứng nào có thể gặp?
– Biến chứng thần kinh: Viêm não-màng não, viêm não tuỷ,…
Ở mức độ nhẹ: Giật mình, ngủ gà ngủ gật. Ở mức độ nặng: Run chi, đi đứng loạng choạng, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, liệt dây thần kinh, rồi loạn tri giác, tăng trương lực cơ.
– Biến chứng tim mạch: Viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, truỵ mạch,…
Triệu chứng: Mạch nhanh chậm bất thường, lúc đầu huyết áp tăng, sau mạch và huyết áp không đo được, nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
– Biến chứng hô hấp: Phù phổi cấp với thở nhanh, kiểu thở bất thường.
Trường hợp nặng: Có thể sốc, thở nấc, tím tái, ngưng thở rồi dẫn tới tử vong.

4. Điều trị tay chân miệng bằng phương pháp gì?
– Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
– Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi diễn tiến, xác định dấu hiệu chuyển độ để ngăn ngừa biến chứng.
– Hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol, có thể phối hợp với Ibuprofen, không dùng aspirin.
– Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, nâng cao thể trạng.
– Vệ sinh răng miệng.
– Nghỉ ngơi, tránh kích thích.
– Thời gian điều trị: Từ 7 – 10 ngày tính từ ngày sốt đầu tiên.

  • Tuỳ theo mức độ nặng của bệnh mà có phương pháp điều trị phù hợp:
    – Độ 1: Có thể điều trị ngoại trú.
    + Tái khám mỗi 1 – 2 ngày trong 8 – 10 ngày đầu của bệnh.
    + Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
    – Từ độ 2a trở lên: Điều trị nội trú tại bệnh viện.

5. Phòng bệnh tay chân miệng như thế nào?
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu nên phòng bệnh chủ yếu là áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá.
– Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước tiểu, nước bọt).
– Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.
– Cách ly trẻ bệnh trong tuần đầu tiên.

6. Những dấu hiệu nào cần phải đi khám ngay?

– Sốt cao ≥ 39 độ C, khó hạ.
– Thở nhanh, khó thở.
– Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều.
– Đi đứng loạng choạng.
– Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
– Co giật, hôn mê.

Khoa Nhi – Bệnh viện ĐK Gia Đình thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em từ sơ sinh đến lứa tuổi thiếu niên. Đội ngũ y bác sỹ tận tâm, giàu kinh nghiệm, hiểu rõ tâm lý và những nỗi sợ của các bé. Với sự hỗ trợ của trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, phòng bệnh tiện nghi, thoáng mát cùng không gian thân thiện, gần gũi, giúp các bé cảm thấy thoải mái, quên đi nỗi sợ và vững tâm lý khi điều trị tại đây. Family sẽ là gia đình và là người bạn thân của bé!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...