Những điều cần biết về bệnh thoát vị bẹn

1. Bệnh thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là hiện tượng các bộ phận (ruột, mạc nối…) trong ổ bụng chui qua ống bẹn hay qua điểm yếu tự nhiên của thành bụng vùng trên nếp bẹn ra dưới da hay xuống bìu. Thoát vị bẹn là bệnh lý khá phổ biến, hàng năm có hơn 700.000 trường hợp được phẫu thuật ở Mỹ và 200.000 trường hợp ở Đức.

2. Nguyên nhân gây ra thoát vị bẹn?
– Thoát vị vùng bẹn có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải.
– Cơ thành bụng bị yếu cũng là một trong những tác nhân chính gây thoát vị.
– Mô liên kết bị tổn hại do áp lực bên trong ổ bụng, hút thuốc lá, tuổi già.
– Bụng chướng căng hoặc tình trạng gia tăng mạn tính áp lực trong ổ bụng do dịch trong ổ bụng (gặp ở những bệnh nhân bị viêm gan, xơ gan) làm ống phúc tinh mạc đã bít nay dãn ra, từ đó làm cho thoát vị xuất hiện.
– Thường gặp ở nam giới do cấu tạo vùng bẹn nam có dây thừng tinh chạy qua nên thành bụng tại vị trí này khá yếu.

3. Triệu chứng của thoát vị bẹn?
– Đau tức vùng bẹn bìu hoặc có khối phồng vùng bẹn bìu.
– Khối phồng nằm trên nếp lằn bẹn.
– Sờ vào khối phồng không đau nếu chưa có biến chứng nghẹt, sờ cảm giác lọc xọc nếu thành phần khối thoát vị là quai ruột và cảm giác chắc nếu đó là mạc nối.
– Siêu âm: là xét nghiệm đơn giản và cần thiết để chẩn đoán cũng như tiên lượng quá trình điều trị.

Thoát vị bẹn

4. Những biến chứng gì xảy ra khi thoát vị bẹn không được phẫu thuật?
Thoát vị bẹn nếu không được phẫu thuật sẽ có thể dẫn tới thoát vị bẹn nghẹt và đưa tới những biến chứng nguy hiểm sau:
– Tắc ruột.
– Hoại tử ruột, mạc nối lớn.
– Nhiễm trùng huyết, tử vong.

5. Mục đích của phẫu thuật thoát vị bẹn là gì?
– Đóng kín lỗ thoát vị (cột cắt túi thoát vị + khâu lỗ thoát vị), đặt một tấm lưới nhân tạo tại vị trí thoát vị để làm vững thành bụng.

6. Phẫu thuật thoát vị bẹn được thực hiện như thế nào?
Có hai phương pháp phẫu thuật:
– Phẫu thuật nội soi:
+ Bệnh nhân sẽ được gây tê tủy sống. Sau đó bác sỹ rạch da 3 lỗ nhỏ kích thước khoảng 0.5-1cm vị trí trên 1 đường thẳng (1 lỗ nằm ngay dưới rốn và 2 lỗ bên dưới) và đưa dụng cụ nội soi vào ổ bụng để giải quyết khối thoát vị.
+ Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm giúp bệnh nhân ít đau và nhanh chóng hồi phục sau phẫu thuật, nguy cơ nhiễm trùng thấp, vết mổ nhỏ, thẩm mỹ, thời gian nằm viện ngắn.
– Mổ mở:
+ Áp dụng cho những trường hợp khối thoát vị lớn hoặc tái phát, biến chứng nghẹt khi đó mổ mở sẽ kiểm soát túi thoát vị tốt hơn.
+ Nhược điểm: vết mổ dài, ít thẩm mỹ, đau vết mổ nhiều hơn, nguy cơ nhiễm trùng vết mổ cao hơn mổ nội soi do vết mổ lớn hơn và nằm ở vị trí thấp.

7. Những biến chứng sau mổ thoát vị bẹn là gì?
Phẫu thuật thoát vị bẹn là loại phẫu thuật khá phổ biến và hầu như rất ít rủi ro. Tuy nhiên, thực tế vẫn có khoảng 10% trường hợp thoát vị trở lại tại một số điểm sau khi phẫu thuật. Khoảng 2-4% thoát vị trở lại trong vòng ba năm. Các biến chứng tiềm ẩn khác có thể xảy ra sau mổ thoát vị bẹn:
– Biến chứng sớm:
+ Chảy máu sau phẫu thuật.
+ Tụ huyết và dịch ở bìu ảnh hưởng tới việc cung cấp máu đến tinh hoàn.
+ Sưng đau và bầm tím tinh hoàn (ở nam giới).
+ Đau và tê ở vùng bẹn do một dây thần kinh bị hư hỏng hoặc bị mắc kẹt trong khi phẫu thuật.
+ Đau và tê ở vùng bẹn là biến chứng sớm sau phẫu thuật thoát vị bẹn.
+ Thiệt hại cho các ống dẫn tinh – ống mang tinh trùng đến tinh hoàn.
+ Nhiễm khuẩn vết mổ.
+ Nghẹt tinh hoàn do nghẹt thừng tinh.
Các biến chứng sau mổ thoát vị bẹn có nguy cơ cao hơn với những trường hợp người bệnh ngoài 50 tuổi hoặc đang mắc các bệnh khác kèm theo như bệnh tim mạch hoặc bệnh lý về hô hấp.
– Biến chứng muộn:
+ Thoát vị tái phát.
+ Đau kéo dài.
+ Teo tinh hoàn và giảm khả năng sinh dục.
+ Giảm cảm giác phía dưới sẹo mổ do kích thích hay tổn thương thần kinh cảm giác vùng.

8. Thời gian thực hiện phẫu thuật thoát vị bẹn là bao lâu?
– Phẫu thuật được thực hiện ngay trong ngày bệnh nhân nhập viện sau khi đã có đầy đủ xét nghiệm tiền phẫu. Thời gian chờ mổ tối đa không quá 24h kể từ khi nhập viện (nếu tình trạng bệnh ổn định).
– Thời gian thực hiện phẫu thuật diễn ra khoảng 1-2 giờ, sau đó bệnh nhân phải nằm hồi sức sau mổ không quá 4 giờ.
– Sau phẫu thuật bệnh nhân cần nằm điều trị thêm 3-5 ngày.

9. Những điều gì cần biết trước khi phẫu thuật?
9.1. Cung cấp thông tin cho nhân viên y tế
– Cung cấp thẻ BHYT/BHCC nếu có để đảm bảo quyền lợi trong quá trình điều trị.
– Cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống.
– Cung cấp tiền sử bệnh đang mắc phải như: Tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp (ho, đau họng, chảy mũi).
– Cung cấp thông tin thuốc đang sử dụng: Thuốc chống đông, thuốc chống dị ứng, hen suyễn…
– Nếu bệnh nhân là nữ cần cung cấp thông tin về vấn đề kinh nguyệt, nghi ngờ mang thai

9.2. Những điều bệnh nhân cần thực hiện trước mổ để đảm bảo an toàn cho cuộc mổ
– Có người nhà chăm sóc trong quá trình nằm viện.
– Trong thời gian điều trị, nếu muốn sử dụng các lọai thuốc, thực phẩm chức năng ngoài y lệnh cần phải xin ý kiến của bác sỹ.
– Phải làm đầy đủ các xét nghiệm trước mổ như: Công thức máu, chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận, HIV, viêm gan B, chụp phim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim.
– Phải nhịn ăn uống hoàn toàn trước mổ (kể cả uống nước, sữa, café, kẹo cao su) ít nhất 6h, để tránh biến chứng trào ngược thức ăn gây sặc, ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình mổ. Nếu đã lỡ ăn uống thì phải báo lại nhân viên y tế.
– Cởi bỏ tư trang cá nhân, răng giả, kính áp tròng, lông mi giả (nếu có) giao cho người nhà giữ hoặc nếu không có người nhà có thể ký gửi tại phòng hành chính khoa.
– Cắt ngắn và tẩy sạch sơn móng tay chân (nếu có), búi tóc gọn gàng đối với nữ, cạo râu sạch sẽ đối với nam.
– Cạo sạch lông bộ phận sinh dục và tắm trước toàn thân trước mổ và mặc quần áo bệnh nhân, đội mũ phẫu thuật trùm kín tóc.
– Đi tiểu trước khi chuyển mổ.
– Không xóa ký hiệu đánh dấu vị trí vết mổ.

9.3. Những vấn đề nhân viên y tế sẽ làm cho bệnh nhân trước mổ
– Bệnh nhân hoặc người nhà >18 tổi (gồm ba/mẹ/vợ/chồng) cần phải ký cam kết trước mổ.
– Truyền dịch nuôi dưỡng giúp bệnh nhân đỡ đói và khát trong thời gian nhịn ăn chờ mổ.
– Tiêm kháng sinh dự phòng nhiễm trùng vết mổ.
– Được nhân viên y tế vận chuyển xuống phòng mổ bằng xe lăn.

10. Những điều gì cần lưu ý trong thời gian nằm viện điều trị sau mổ?
10.1. Những biểu hiện bình thường diễn ra sau mổ
– Đau vết mổ hoặc căng tức vùng vết mổ khi gồng bụng hoặc khi căng cơ, tình trạng đau sẽ giảm dần ở những ngày tiếp theo.
– Ngày đầu tiên vết mổ sẽ có ít dịch và máu thấm băng sau đó giảm dần và khô.
– Cảm giác chóng măt nhẹ, buồn nôn, tê hai chân do tác dụng của thuốc tê. Tình trạng này sẽ hết sau khi thuốc tê hết tác dụng.

10.2. Các biến chứng cần theo dõi và báo nhân viên y tế
– Đau nhiều vết mổ quá sức chịu đựng.
– Vết thương có máu tươi ướt thẫm toàn bộ băng.
– Biểu hiện sưng, đau tại vị trí vết mổ, kèm theo sốt.
– Táo bón, khó đi cầu.
– Bí tiểu.

10.3. Chế độ ăn
– Sau mổ 6h khi hết cảm giác buồn nôn và tê hai chân có thể ăn cháo uống sữa với số lượng ít và chia làm nhiều lần trong ngày.
– Ngày thứ 2 ăn uống bình thường tăng cường dinh dưỡng. Chế độ ăn nhuận trường chống táo bón tránh thoát vị bẹn tái phát như: uống nhiều nước 2-3 lít/ ngày, bổ sung thêm rau xanh, chuối, đu đủ…
– Chế độ ăn tránh các chất kích thích như: tiêu, cay, ớt, rượu, bia, không hút thuốc lá vì làm chậm lành vết mổ và hạn chế công dụng của thuốc điều trị.

10.4. Chế độ vận động
– Chế độ vận động trong ngày đầu sau mổ: Nằm nghỉ, vận động xoay trở nhẹ nhàng tại giường.
– Ngày thứ 2 sau mổ cần đi lại nhẹ nhàng trong phòng bệnh hoặc sớm hơn khi hết chóng mặt, buồn nôn, hai chân hết tê hoàn toàn .
– Thoát vị bẹn tái phát lại sau mổ chiếm tỉ lệ rất thấp và thường gặp phải nếu như sau mổ lao động nặng, chạy nhảy lò cò, tình trạng táo bón kéo dài.

10.5. Chế độ sinh hoạt
– Mặc quần áo bệnh viện và cần thay hằng ngày để đảm bảo vệ sinh cho vết mổ.
– Cần vệ sinh thân thể bằng khăn ấm, không nên tắm vì sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương nếu nước dính vào vết thương.
– Đi cầu tránh rặn nhiều vì sẽ tăng áp lực ổ bụng gây nguy cơ thoát vị bẹn tái phát sau mổ.

10.6. Chăm sóc vết thương
– Mổ mở: Vết thương sẽ được thay băng 1 lần/ ngày hoặc nhiều hơn nếu có thấm nhiều dịch hoặc vết thương bị ướt.
– Mổ nội soi: thay băng 2 ngày/lần.
– Vết thương sẽ được cắt chỉ sau 7 ngày kể từ ngày phẫu thuật (nếu là chỉ không tiêu).

11. Những điều gì cần biết sau khi ra viện?
– Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện. Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: Ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.
– Cách chăm sóc vết mổ:
+ Nên thay băng ngày 1 lần tại BV hoặc có thể đăng ký dịch vụ thay băng tại nhà của BV Gia Đình để được ĐD và BS theo dõi tình trạng vết thương. Hoặc rửa vết thương tại cơ sở y tế địa phương nếu nhà ở xa bệnh viện.
+ Lưu ý phải giữ vết mổ sạch và khô, nếu bị ướt phải thay băng ngay.
+ Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau 01 tuần kể từ ngày phẫu thuật (nếu là chỉ không tiêu).
– Chế độ dinh dưỡng:
+ Ăn uống bình thường tăng cường dinh dưỡng, uống nhiều nước 2-3 lít/ ngày.
+ Chế độ ăn cần bổ sung thêm nhiều rau, củ, quả ( rau mồng tơi, rau đay, rau lang, khoai lang, chuối, đu đủ…) để tránh tình trạng táo bón.
+ Trách các chất kích thích như tiêu, ớt, bia, rượu, thuốc lá (vì các thực phẩm này làm chậm lành vết thương và giảm công dụng của thuốc điều trị).
– Chế độ sinh hoạt và tập luyện:
Tránh lao động nặng trong vòng 3- 6 tháng sau mổ. Đặc biệt cần lưu ý để hạn chế nguy cơ thoát vị bẹn tái phát lại cần thực hiện những điều sau đây:
+ Đi lại nhẹ nhàng, không chạy nhảy lò cò, không mang vác đồ nặng
+ Không nên đi xe đạp hoặc xe máy trên đường gập ghềnh nhiều ổ gà.
+ Tránh táo bón, tránh rặn nhiều khi đi cầu.
+ Loại bỏ các yếu tố nguy cơ: Táo bón, u xơ tiền liệt tuyến. Nếu có bệnh nhân cần phải điều trị ngay.
– Trong thời gian vết thương chưa cắt chỉ và lành hẳn cần vệ sinh thân thể bằng nước ấm. Sau khi vết thương đã cắt chỉ và lành hẳn có thể tắm bình thường.
– Tái khám sau 1 tuần hoặc Tái khám ngay khi có các triệu chứng bất thường như: đau vết mổ nhiều, vết mổ sưng, đỏ, có dịch mủ chảy ra,… chỗ thoát vị bẹn cũ bị phồng trở lại.

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...