Những điều cần biết về bệnh tồn tại chồi rốn trẻ sơ sinh

1. Bệnh chồi rốn ở trẻ sơ sinh là gì?
Bệnh chồi rốn – hay còn gọi là u hạt rốn, thường được tạo thành trong những tuần đầu tiên của cuộc sống, từ mô quá phát ở dưới chân rốn sau khi dây rốn đã rụng. Sự hình thành u hạt rốn dễ dàng hơn khi có viêm ở chân rốn và cũng làm chậm rụng rốn hơn bình thường. Chồi rốn có kích thước nhỏ thì như hạt gạo, lớn hơn thì như hạt ngô hoặc hạt đậu, có thể kèm tình trạng chảy dịch kéo dài làm ướt rốn.
Bệnh này không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu mẹ không có các biện pháp xử lý chồi rốn ở trẻ sơ sinh kịp thời sẽ dẫn tới nhiễm trùng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Nhiều bậc cha mẹ thường sai lầm khi tự mua thuốc điều trị cho bé ở nhà, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Quá trình rụng rốn ở trẻ sơ sinh thường kéo dài 10-14 ngày

2. Dấu hiệu nhận biết khi trẻ tồn tại chồi rốn?
– Rốn có u hạt to.
– Chảy dịch rốn, trẻ khó chịu, quấy khóc.
– Rốn hôi, chảy nước màu vàng, sưng đỏ, có mủ, trẻ có thể bị sốt.
– Rốn rụng muộn hơn 3 tuần.
3. Những biến chứng nếu trẻ không được điều trị?
– Chảy máu rốn
– Nhiễm trùng rốn.
– Nhiễm trùng toàn thân.
4. Có những phương pháp nào điều trị chồi rốn?
Chồi rốn được điều trị theo phương pháp khác nhau tùy vào kích thước to – nhỏ, ngắn – dài. Đặc biệt trước khi điều trị phải loại trừ và phân biệt các nguyên nhân gây ra các bệnh lý về rốn như dị dạng tồn tại ống rốn niệu, dị dạng ống rốn ruột, thoát vị rốn…
– Phương pháp chấm bạc Nitrate
Đây là phương pháp xử lý chồi rốn ở trẻ sơ sinh phổ biến nhất hiện nay. Sử dụng 1 cây tăm bông nhỏ, thấm dung dịch bạc nitrate (AgNO3 75%) chấm lên nụ hạt (chồi rốn) 1 – 2 lần/ tuần trong vài tuần. Phương pháp này nhẹ nhàng nhưng thời gian thực hiện nhiều lần và kéo dài, chất bạc Nitrate có thể làm bỏng da xung quanh nếu không thận trọng, có thể tạo sẹo rốn xấu sau khi lành.

Phương pháp chấm bạc Nitrate

– Phương pháp buộc cuống chồi rốn
Phương pháp buộc cuống chồi rốn khá phổ biến. Việc này được thực hiện tại phòng khám mà không gây khó chịu gì cho bé. Việc thắt cuống nụ hạt khiến nụ hạt không được nuôi dưỡng sẽ teo đi và rụng. Trước khi buộc, nên khám rốn 1 cách cẩn thận để loại trừ các nguyên nhân gây khối bất thường khác ở rốn ví dụ polyp rốn. Tuy nhiên, quá trình này thường có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng rốn, gây khó chịu và khó khăn trong quá trình chăm sóc rốn.

– Phương pháp đốt điện hiện đang áp dụng tại Bệnh viện Gia Đình

+ Thường được áp dụng khi các phương pháp trên thất bại. Phương pháp này có thể lựa chọn cho các chồi rốn kích thước to, có cuống.

Phương pháp đốt điện

+ Ưu điểm: Thường thực hiện nhanh chóng, có thể chỉ cần đốt 1 lần, thời gian đốt trong 5 phút, không chảy máu, ra viện trong ngày, rút ngắn thời gian điều trị, hiệu quả cao và việc chăm sóc rốn dễ dàng sau đốt điện. Phương pháp này cũng có thể gây bỏng da vùng rốn nếu chạm vào vùng da xung quanh nên cần phải thận trọng trong quá trình đốt điện.

5. Cách chăm sóc trẻ sau đốt chồi rốn như thế nào?
5.1. Các nguyên tắc cần tuân thủ khi chăm sóc và xử lý chồi rốn ở trẻ sơ sinh
– Rửa sạch tay trước và sau khi chăm sóc hoặc xử lý chồi rốn ở trẻ sơ sinh.
– Tã của bé phải nằm ở dưới rốn cho đến khi rốn lành. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm bẩn từ phân và nước tiểu.
– Không nên mặc quần áo ép chặt vùng rốn.
– Không đặt bé ngâm vào thau nước tắm cho đến khi rốn đã lành.
– Không rắc bột chống hăm hoặc các loại bột khác lên rốn rỉ nước.
– Theo dõi các dấu hiệu diễn tiến nặng của nhiễm trùng như chân rốn và vùng quanh rốn sưng phồng, chảy mủ, có mùi hôi,…

Các nguyên tắc cần tuân thủ khi chăm sóc và xử lý chồi rốn

5.2. Vệ sinh rốn đúng cách ở trẻ sơ sinh
• Bước 1: Chuẩn bị gạc mỏng vô trùng, băng rốn sạch, bông vô trùng.
• Bước 2: Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, sau đó dùng cồn (70 độ) sát trùng trước khi băng rốn cho bé.
• Bước 2: Dùng tay trái nâng nhẹ đầu cuống rốn lên để lộ phần chân rốn.
• Bước 3: Lấy tăm bông tẩm dung dịch povidin 5% bôi xung quanh chân rốn, sau đó bôi từ chân rốn lên cuống rốn, từ trong chân rốn ra ngoài vùng xung quanh.
• Bước 4: Chờ khi rốn bé khô, lấy gạc vô trùng quấn xung quanh chân rốn và băng lại bằng vòng băng thun vô trùng.
6. Khi nào trẻ cần tái khám?
– Trẻ sốt, trẻ bỏ bú.
– Trẻ khóc hoặc có vẻ đau khi chạm vào rốn hoặc vùng quanh rốn.
– Rỉ máu, chảy máu vùng rốn.
– Rốn hôi, vùng quanh rốn sưng phồng, chảy mủ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...