Những điều cần biết về bệnh u dạ dày và phẫu thuật cắt u dạ dày

1. Ung thư dạ dày là gì?
− Ung thư dạ dày là một bệnh lý ác tính của tổn thương dạ dày, đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư ống tiêu hoá.
− Nguyên nhân chưa rõ ràng, tiến triển nhanh và chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.
− Phương pháp điều trị triệt để và tốt nhất là phẫu thuật cắt u dạ dày.

2. Bệnh ung thư dạ dày do nguyên nhân nào?
Nguyên nhân ung thư dạ dày thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, các yếu tố môi trường, yếu tố nội sinh và yếu tố di truyền.
− Các tổn thương tiền ung thư: Viêm dạ dày mãn tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm teo mãn tính niêm mạc dạ dày, tiếp theo là các biến đổi dị sản của tế bào, rồi các biến đổi loạn sản từ mức độ nhẹ, vừa đến nặng. Loạn sản kéo dài cuối cùng dẫn đến ung thư dạ dày.
− Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori): Được coi là một nguyên nhân gây ung thư dạ dày. HP làm viêm teo đét niêm mạc dạ dày mãn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư.
− Thói quen sinh hoạt: Ăn các loại thức ăn có chứa Nitrat như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói… làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
− Béo phì: Người béo phì dễ bị mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường.
− Di truyền: Ung thư dạ dày liên quan tới một số hội chứng di truyền, có nguy cơ mắc bệnh khi người thân có mắc bệnh này.

3. Các đối tượng có nguy cơ nào cần tầm soát ung thư dạ dày?
− Tuổi cao (> 50 tuổi).
− Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa…
− Người bị viêm loét dạ dày – tá tràng mãn tính, nhiễm HP.
− Người có thói quen ăn uống nhiều đồ muối, đồ nướng, thực phẩm bảo quản kém chất lượng.
− Người thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu bia.
− Người có các triệu chứng nghi ngờ ung thư dạ dày: Đau bụng, ợ hơi, ợ chua kéo dài…

4. Triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày là gì?
4.1. Triệu chứng cơ năng (bệnh nhân cảm thấy được)
− Đầy bụng, khó tiêu.
− Ăn không ngon miệng, sụt cân, suy nhược, thiếu máu.
− Buồn nôn, sau ăn là nôn, nôn ít đến tăng dần thường xuyên.
− Đau thượng vị không theo chu kì, không theo quy luật.

4.2. Triệu chứng thực thể (bác sỹ thăm khám được)
− Sờ thấy khối u thượng vị, thường ở giai đoạn muộn.
− Dấu hiệu Bouveret (+): Dấu hẹp môn vị.
− Dấu hiệu ngoài đường tiêu hoá: Gan lớn, sốt kéo dài, hạch thượng đòn trái…

4.3. Xét nghiệm cận lâm sàng
− Nội soi dạ dày: Xác định vị trí khối u, đánh giá về mặt đại thể, tình trạng hẹp môn vị.
− Giải phẫu bệnh lý: Đánh giá chính xác bản chất khối u, tiên lượng điều trị.
− CT scan bụng: Đánh giá khả năng phẫu thuật trước mổ, tiên lượng điều.

5. Biến chứng nào xảy ra nếu không điều trị?
− Chảy máu tiêu hoá.
− Hẹp môn vị.
− Thủng dạ dày ngay tại vị trí khối u.
− Di căn.
− Tử vong.

6. Cách phòng tránh ung thư dạ dày như thế nào?
− Duy trì cân nặng lý tưởng và chăm tập thể dục.
− Hạn chế bia, rượu và các chất kích thích.
− Sử dụng những thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ ăn giàu chất xơ.
− Chế độ ăn giàu chất xơ và đầy đủ dinh dưỡng khác, hạn chế chất béo sẽ tốt cho sức khỏe của bạn.
− Điều trị các bệnh lý viêm dạ dày ngay khi phát hiện bệnh.
− Khám tầm soát và xử lý triệt để các khối polyp, u lành trong dạ dày.
− Tầm soát ung thư định kỳ nếu tiền sử gia đình có người mắc ung thư đường tiêu hoá…

7. Ung thư dạ dày điều trị như thế nào?
Ung thư dạ dày không được điều trị chắc chắn gây tử vong, chỉ có khoảng 2% người mắc bệnh sống hơn 5 năm. Phương pháp điều trị phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn bệnh và các tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Ung thư dạ dày được điều trị bằng các phương pháp sau:

7.1. Phẫu thuật điều trị triệt để
Đây là phương pháp điều trị đầu tiên và chủ yếu đối với các ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm. Tuỳ vào vị trí, kích thước khối u mà chọn lựa phẫu thuật cắt bán phần dạ dày, phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày, hoặc phẫu thuật cắt dạ dày mở rộng. Sau khi ổn định bệnh nhân có thể ăn uống trở lại. Bệnh nhân có thể ra viện sau phẫu thuật 10 – 14 ngày.

7.2. Điều trị tạm thời
− Đối với các trường hợp ung thư dạ dày quá giai đoạn can thiệp phẫu thuật.
− Bồi phụ nước điện giải, nâng cao thể trạng.
− Giải quyết tình trạng hẹp môn vị, tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân.
− Phẫu thuật: Nối dạ dày ruột, mở thông hỗng tràng nuôi dưỡng… kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

8. Thời gian thực hiện phẫu thuật bao lâu?
− Phẫu thuật được thực hiện trong ngày khi công tác chuẩn bị cho bệnh nhân trước mổ đầy đủ và toàn bộ xét nghiệm trước mổ của bệnh nhân trong giới hạn bình thường.
− Thời gian thực hiện phẫu thuật diễn ra khoảng 3 – 4 giờ, sau đó bệnh nhân phải nằm hồi sức sau mổ không quá 4 giờ.
− Sau phẫu thuật bệnh nhân cần nằm điều trị thêm 10 ngày, nếu bệnh ổn định sẽ được ra viện và cấp toa thuốc về uống.

9. Những điều gì cần biết trước khi phẫu thuật?
9.1. Cung cấp thông tin cho nhân viên y tế
− Cung cấp thẻ BHYT/ BHCC nếu có để đảm bảo quyền lợi trong quá trình điều trị.
− Cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống.
− Cung cấp tiền sử bệnh đang mắc phải như: Tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp (ho, đau họng, chảy mũi).
− Cung cấp thông tin thuốc đang sử dụng: Thuốc chống đông, thuốc chống dị ứng, hen suyễn…
− Nếu bệnh nhân là nữ cần cung cấp thông tin về vấn đề kinh nguyệt hoặc nếu nghi ngờ mang thai.

9.2. Những điều bệnh nhân cần thực hiện trước mổ để đảm bảo an toàn cho cuộc mổ
− Trong thời gian điều trị, nếu muốn sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng ngoài y lệnh cần phải xin ý kiến của bác sỹ.
− Phải làm đầy đủ các xét nghiệm trước mổ như: Công thức máu, chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận, HIV, viêm gan B, chụp phim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim.
− Phải nhịn ăn uống hoàn toàn trước mổ (kể cả uống nước, sữa, café, kẹo cao su) ít nhất 6 giờ để tránh biến chứng trào ngược thức ăn gây sặc, ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình mổ. Nếu đã lỡ ăn uống thì phải báo lại nhân viên y tế.
− Cởi bỏ tư trang cá nhân, răng giả, kính áp tròng, lông mi giả (nếu có) giao cho người nhà giữ hoặc nếu không có người nhà có thể ký gửi tại phòng hành chính khoa.
− Cắt ngắn và tẩy sạch sơn móng tay chân (nếu có), búi tóc gọn gàng đối với nữ, cạo râu sạch sẽ đối với nam.
− Đi tắm bằng dung dịch vô trùng trước mổ.
− Đi tiểu trước khi chuyển mổ.
− Không xóa ký hiệu đánh dấu vị trí vết mổ.

9.3. Những vấn đề nhân viên y tế sẽ thực hiện cho bệnh nhân trước mổ
− Bệnh nhân hoặc người nhà trên 18 tuổi (gồm ba/ mẹ/ vợ/ chồng) cần phải ký cam kết trước mổ.
− Truyền dịch nuôi dưỡng giúp bệnh nhân đỡ đói và khát trong thời gian nhịn ăn chờ mổ.
− Tiêm kháng sinh dự phòng nhiễm trùng vết mổ.
− Uống thuốc Fortran để làm sạch đại trực tràng.
− Được nhân viên y tế vận chuyển xuống phòng mổ bằng xe lăn.

10. Những điều gì cần lưu ý trong thời gian nằm viện điều trị sau mổ?
10.1. Những biểu hiện bình thường diễn ra sau mổ
● Các biểu hiện trong những ngày đầu sau mổ:
− Đau hoặc căng tức vùng vết mổ khi gồng bụng hoặc khi căng cơ, tình trạng đau này sẽ giảm dần.
− Những ngày đầu sau mổ, vết mổ sẽ có ít dịch và máu thấm băng, sau đó giảm dần và khô.
− Cảm giác chướng bụng, sau đó tình trạng chướng bụng sẽ giảm dần.
− Đau đầu chóng mặt, buồn nôn do tác dụng của thuốc mê. Tình trạng này sẽ hết khi hết tác dụng của thuốc mê
● Những biểu hiện có thể xảy ra sau này:
− Bị sút cân trong một vài tháng đầu, có thể do tác dụng phụ của thuốc làm người bệnh chán ăn hoặc do chế độ ăn uống kém hoặc hấp thu không đầy đủ.
− Hội chứng Dumplin: Hội chứng này thường xảy ra một thời gian ngắn sau khi ăn, khi thức ăn đi quá nhanh vào ruột. Các triệu chứng thường gặp là đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, có thể kèm theo hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi…
− Sự kém hấp thu mỡ do thời gian lưu thức ăn trong ruột nhanh làm giảm thời gian tiếp xúc với các men tiêu hóa. Đồng thời việc dạ dày mất đi sẽ làm mất chức năng co bóp, nghiền nhỏ thức ăn ở dạ dày, các thức ăn xuống hỗng tràng phần lớn có kích thước lớn, do đó sẽ khó khăn cho men tụy trong tiêu hóa thức ăn. Sự giảm hấp thu mỡ sẽ kéo theo giảm hấp thu các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K, gây ra các tình trạng bệnh như bong da, khô mắt, rối loạn xương, rối loạn tạo máu…
− Bệnh nhân thường bị đầy hơi, khó chịu, no lâu, nôn ra thức ăn không tiêu.
− Không dung nạp lactose do thiếu hụt enzyme lactase. Bệnh nhân hay bị đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy sau khi ăn các thực phẩm giàu lactose như sữa mẹ, sữa bò, các sản phẩm khác từ sữa, một số món tráng miệng…
− Thiếu máu.
− Loãng xương, gãy xương.

10.2. Các biến chứng cần theo dõi và báo nhân viên y tế
− Đau vết mổ quá sức chịu đựng.
− Vết thương có dịch hoặc máu tươi ướt đẫm toàn bộ băng.
− Cảm giác mệt, choáng.
− Biểu hiện sưng, đau tại vị trí vết mổ, kèm theo sốt.
− Túi dẫn lưu vết mổ và sonde dạ dày ra dịch bất thường hoặc chảy máu đỏ tươi.
− Sonde tiểu bị tụt ra ngoài hoặc bị nghẹt (nếu sau mổ có đặt).
− Sonde dạ dày bị tuột ra ngoài.

10.3. Chế độ ăn
− Sau mổ bệnh nhân sẽ nhịn ăn uống hoàn toàn và được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch cho đến khi có lưu thông đường tiêu hóa (xì hơi) và bác sỹ có chỉ định cho ăn uống.
− Sẽ được uống nước đường, ăn cháo nhẹ từ 4 đến 5 ngày sau hậu phẫu hoặc khi có y lệnh bác sỹ.
− Nguyên tắc chung trong ăn uống nên ăn chậm, nhai kỹ để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận tiện và dễ dàng hơn. Thức ăn cần đủ chất chế biến mềm, lỏng. Cần chia nhỏ bữa ăn ra thành 6 – 8 bữa/ ngày là hợp lý.
− Không uống nước trong khi ăn, nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn khoảng 30 – 60 phút.
− Chế độ ăn tránh các chất kích thích như: Tiêu, đồ cay, ớt, rượu, bia; không hút thuốc lá vì làm chậm lành vết mổ và hạn chế công dụng của thuốc điều trị.

10.4. Chế độ vận động
− Ngày đầu sau mổ: Nằm nghỉ, vận động xoay trở nhẹ nhàng tại giường.
− Ngày thứ 2 sau mổ:
+ Tập ngồi dậy, vận động nhẹ nhàng tại giường.
+ Đi lại nhẹ nhàng trong phòng bệnh hoặc có thể đi lại sớm hơn khi hai chân hết tê hoàn toàn.
+ Tránh vận động mạnh.

10.5. Chế độ sinh hoạt
− Mặc quần áo bệnh viện và thay hằng ngày để đảm bảo vệ sinh tránh nhiễm trùng vết mổ.
− Cần vệ sinh thân thể bằng khăn ấm, không nên tắm vì sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu nước dính vào vết thương.
− Đi cầu tránh rặn nhiều dễ dẫn tới tăng nguy cơ chảy máu vết mổ.
− Khi đi lại hoặc nằm túi dẫn lưu vết mổ phải để thấp hơn vị trí chân ống dẫn lưu khoảng 30cm.
− Không tự ý rút ống dẫn lưu và ống thông dạ dày.
− Không để gập ống dẫn lưu và ống thông dạ dày.

10.6. Chăm sóc vết thương
− Vết thương sẽ được thay băng, thay túi dẫn lưu 1 lần/ ngày hoặc nhiều hơn nếu dịch thấm băng lượng nhiều.
− Ống dẫn lưu vết mổ sẽ được rút khi có y lệnh của bác sỹ.
− Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau 7 – 10 ngày kể từ ngày mổ.

11. Những điều gì cần biết sau khi ra viện?
− Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện. Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: Ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.
− Cách chăm sóc vết mổ:
+ Nên thay băng ngày 1 lần tại bệnh viện, có thể đăng ký dịch vụ thay băng tại nhà của Bệnh viện Gia Đình để được điều dưỡng và bác sỹ theo dõi tình trạng vết thương hoặc thay băng tại cơ sở y tế địa phương.
+ Phải giữ vết mổ sạch và khô, nếu bị ướt phải thay băng ngay.
+ Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau 7 – 10 ngày kể từ ngày phẫu thuật.
− Chế độ dinh dưỡng:
+ Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, thay vì ăn ba bữa trong ngày, có thể tăng lên thành 6 – 8 bữa.
+ Ngồi thẳng trong khi ăn, ăn chậm và nhai thật kỹ.
+ Hạn chế uống nước trong khi ăn, nên uống nước 30 – 60 phút sau hoặc trước bữa ăn.
+ Chế độ ăn bổ sung các thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, ngũ cốc, phô mai, sữa chua.
+ Tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như bột gạo, bột mì, các loại đậu, trái cây tươi.
+ Ăn kèm các thực phẩm giàu vitamin tan trong dầu (thịt, cá, trứng, sữa…) với chất béo thực vật (dầu olive, dầu nành) để tăng khả năng hấp thu các vitamin tan trong dầu.
+ Nếu có tình trạng khó chịu, đầy hơi, nôn thức ăn không tiêu, nên cho bệnh nhân ăn thực phẩm mềm, lỏng vừa.
+ Bổ sung acid folic bằng thuốc hoặc qua các thực phẩm chứa nhiều acid folic như súp lơ, rau cần, rau diếp, cam, chuối, ngũ cốc, đậu bắp, gạo, trứng…
+ Bổ sung sắt, canxi và vitamin D qua thực phẩm và thuốc.
+ Tránh các thực phẩm có lượng đường cao như nước ngọt, nước trái cây, bánh kẹo, mật ong… nếu sau khi ăn các thực phẩm này hay bị tình trạng nôn ói.
+ Không ăn thực phẩm lên men, đồ ăn cay nóng, đồ uống có gas, chất kích thích như dưa muối, cà muối, ớt, tiêu, sa tế, bia rượu, thuốc lá vì có thể gây kích thích các vết loét, vết mổ. Không ăn thức ăn quá khô, cứng vì những thực phẩm này làm bệnh trở nên nặng hơn.
+ Không nên ăn các món quay, nướng, thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói…
− Chế độ sinh hoạt và tập luyện:
+ Cần lau người bằng nước ấm, có thể tắm rửa sau khi vết mổ liền tốt và đã cắt chỉ. Sau mỗi lần tắm phải thay băng vết mổ ngay.
+ Tránh lao động nặng trong vòng 1 tháng sau mổ.
+ Đi lại nhẹ nhàng, không mang vác đồ nặng, làm việc quá sức.
+ Tránh làm việc căng thẳng và stress gây ảnh hưởng sức khỏe.
+ Tránh táo bón, tránh rặn nhiều khi đi cầu.
+ Tăng cường tập luyện thể dục nhẹ nhàng phù hợp với thể lực.
− Tái khám sau khi uống hết thuốc ra viện hoặc phải khám ngay khi có các triệu chứng bất thường như:
+ Vết mổ đau nhiều, sưng đỏ, có dịch mủ chảy ra.
+ Biểu hiện sốt, đau bụng nhiều…
+ Ăn không tiêu, thường xuyên nôn.
− Tái khám định kỳ 3 – 6 tháng 1 lần để kiểm tra tình trạng bệnh.

Với sự tận tâm, kinh nghiệm, phong cách làm việc chuyên nghiệp của bác sỹ và phương tiện máy móc hiện đại, Bệnh viện Đa khoa GIA ĐÌNH có thể giúp bạn chấm dứt những lo lắng.
Hãy liên hệ tổng đài hotline 19002250 để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa GIA ĐÌNH.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...