Những điều cần biết về bệnh ung thư đại tràng và phương pháp điều trị ung thư đại tràng

1. Bệnh ung thư đại tràng là gì?
– Ung thư là bệnh lý xảy ra khi các tế bào phát triển và phân chia bất thường, và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa không kiểm soát được.
– Ung thư đại tràng là tên gọi dùng để chỉ ung thư xảy ra ở đại tràng.
– Là bệnh lý hay gặp ở Việt Nam, đứng thứ hai sau ung thư dạ dày trong ung thư đường tiêu hoá.

Ung thư đại tràng là bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng con người

2. Nguyên nhân nào gây ung thư đại tràng là gì?
U đại tràng là bệnh lý phổ biến hiện nay, kéo theo tỷ lệ tử vong cao. Vậy nguyên nhân nào gây ra bệnh u đại tràng. Dưới đây là một số yếu tố phổ biến.
– Chế độ ăn uống: Chế độ ăn có nhiều dầu mỡ, thức ăn lên men, đồ muối (cà muối, dưa muối…), xông khói, đồ nướng, thực phẩm gây đột biến gen… là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u đại tràng.
– Mắc bệnh về đại trực tràng.
– Một số bệnh như viêm loét đại tràng mãn tính có 20 – 25% khả năng phát triển thành khối u (bệnh viêm mô hạt mãn tính của ống tiêu hóa), các u lành tính (những khối polyp kích thước lớn) có nguy cơ phát triển thành u đại trực tràng ác tính rất cao.
– Di truyền.
– Nếu trong gia đình có thành viên từng bị u trực tràng thì khả năng mắc của những người còn lại trong gia đình sẽ cao hơn, đặc biệt là trường hợp gia đình có tiền sử polyp tuyến.
– Hút thuốc lá: Thuốc lá chứa 7000 chất hóa học, trong đó có 69 chất hình thành tế bào ung bướu. Không chỉ gây ung thư phổi và các bệnh lý tim mạch, hút thuốc lá còn là yếu tố gây u trực tràng.
– Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân kể trên, nhưng các chuyên gia cho biết, nguyên nhân cốt lõi vẫn là rối loạn quá trình tế bào theo chương trình. Nguyên nhân gây rối loạn quá trình tế bào thường do chúng ta tiếp xúc với các tác nhân như hóa chất, thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường.

3. Triệu chứng thường gặp của ung thư đại tràng là gì?
– Đau bụng: Là triệu chứng xuất hiện sớm nhất, cơn đau không theo một quy luật nào hoặc tương tư như trong bệnh cảnh tắc ruột.
– Máu trong phân: Phân lẫn máu có thể đỏ tươi hay máu cục, kèm theo ít chất nhầy, gây thiếu máu mạn tính.
– Rối loạn tiêu hoá: Xen kẽ những đợt táo bón và tiêu chảy.
– Triệu chứng toàn thân: Sụt cân, thiếu máu, sốt do sản phẩm thoái hoá của tổ chức ung thư được hấp thu qua thành ruột.
– Sờ : Khối u nổi ra lên thành bụng, thường ở giai đoạn muộn.
– Xét nghiệm:
+ Nội soi đại tràng: Thấy rõ hình ảnh khối u, sinh thiết làm giải phẫu bệnh.
+ CT scan bụng: Tiên lượng giai đoạn khối u và khả năng phẫu thuật.

4. Biến chứng gì xảy ra nếu không điều trị?
– Tắc ruột: Thường ở giai đoạn muộn, do khối u cản trở sự lưu thông đường tiêu hoá.
– Thủng ruột: Thủng ngay vị trí khối u phát triển, thường gặp ở giai đoạn rất muộn do khối u phát triển xâm lấn qua thành ruột.
– Áp xe quanh khối u: Ít gặp, biểu hiện bởi hội chứng nhiễm trùng và đau bụng ngay tại vị trí khối u.
– Rò đại tràng: Ở giai đoạn muộn, khối u xâm lấn vỡ, rò vào tạng lân cận như ruột non, bàng quang, tử cung…
– Di căn: Khối u ở giai đoạn muộn, chủ yếu di căn theo đường bạch huyết, di căn vào các tạng trong cơ thể.

5. Phương pháp điều trị bệnh u đại tràng là gì?
5.1. Nội khoa chuẩn bị cho khâu phẫu thuật u đại trực tràng
– Hồi sức toàn thân tốt trước mổ: Bồi phụ nước, điện giải, truyền máu, đạm (nếu cần), điều trị các bệnh lý kèm theo.
– Chuẩn bị đại tràng sạch: Thụt tháo, sử dụng gói Fortrans làm sạch lòng ruột.

5.2. Ngoại khoa
– Nguyên tắc: Cắt rộng rãi phần đại tràng chứa khối u, kèm mạc treo đại tràng, hạch vùng hoặc các tạng xâm lấn.
– Tuỳ theo vị trí khối u mà có thể lựa chọn phẫu thuật:
+ Phẫu thuật cắt nửa đại tràng phải.
+ Phẫu thuật cắt nửa đại tràng trái.
+ Phẫu thuật cắt đại tràng ngang.
+ Phẫu thuật cắt đại tràng sigma.
– Tuỳ theo giai đoạn của khối u mà có thể lựa chọn phẫu thuật:
+ Phẫu thuật triệt để: Thường giai đoạn sớm, khối u chỉ khu trú tại đại tràng.
+ Phẫu thuật mở rộng: Cắt đoạn đại tràng chứa u và các tạng lân cận do khối u xâm lấn.
+ Phẫu thuật tạm thời: Thường ở giai đoạn muộn, quá khả năng cắt triệt để, có thể nối tắt để tái lập lưu thông tiêu hoá hoặc làm hậu môn nhân tạo.

Cắt đoạn đại tràng chứa u

Mổ nội soi và mổ mở áp dụng trong phẫu thuật u đại tràng

6. Những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị là gì?
– Những nguy cơ trong gây mê thường gặp trên hệ hô hấp và tuần hoàn như: suy hô hấp, rối loạn tim mạch… sẽ xử trí được bằng cấp cứu trên từng trường hợp cụ thể.
– Những nguy cơ do phẫu thuật:
+ Tổn thương các cấu trúc, cơ quan lân cận.
+ Chảy máu.
+ Nhiễm trùng.
+ Xì miệng nối.
+ Áp xe (ổ tụ mủ) trong ổ bụng.
+ Nhiễm trùng màng bụng (viêm phúc mạc).
+ Thoát vị tại vết mổ cũ.
+ Hẹp miệng nối.
+ Tắc ruột do tạo mô sẹo

7. Thời gian thực hiện phẫu thuật là bao lâu?
Phẫu thuật được thực hiện trong ngày khi công tác chuẩn bị bệnh nhân trước mổ đã đầy đủ và toàn bộ xét nghiệm trước mổ của bệnh nhân trong giới hạn bình thường.
– Thời gian thực hiện phẫu thuật diễn ra khoảng 3 – 4 giờ, sau đó bệnh nhân phải nằm hồi sức sau mổ không quá 6 giờ.
– Sau phẫu thuật bệnh nhân cần nằm điều trị thêm 10 ngày nếu bệnh ổn định sẽ được ra viện và cấp toa thuốc về uống.

8. Những điều gì bệnh nhân cần biết trước khi phẫu thuật?
8.1. Bệnh nhân cần cung cấp thông tin cho nhân viên y tế
– Cung cấp thẻ BHYT/BHCC nếu có để đảm bảo quyền lợi trong quá trình điều trị.
– Cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống.
– Cung cấp tiền sử bệnh đang mắc phải như: Tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp (ho, đau họng, chảy mũi).
– Cung cấp thông tin thuốc đang sử dụng: Thuốc chống đông, thuốc chống dị ứng, hen suyễn…
– Nếu bệnh nhân là nữ cần cung cấp thông tin về vấn đề kinh nguyệt, nghi ngờ mang thai.

8.2. Những điều bệnh nhân cần thực hiện trước mổ để đảm bảo an toàn cho cuộc mổ
– Trong thời gian điều trị, nếu muốn sử dụng các loại thuốc và thực phẩm chức năng ngoài chỉ định cần phải xin ý kiến của bác sỹ.
– Phải làm đầy đủ các xét nghiệm trước mổ như: Công thức máu, chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận, HIV, viêm gan B, chụp phim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim.
– Phải nhịn ăn uống hoàn toàn trước mổ (kể cả uống nước, sữa, café, kẹo cao su) ít nhất 6 giờ để tránh biến chứng trào ngược thức ăn gây sặc, ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình mổ. Nếu đã lỡ ăn uống thì phải báo lại nhân viên y tế.
– Cởi bỏ tư trang cá nhân, răng giả, kính áp tròng, lông mi giả (nếu có) giao cho người nhà giữ hoặc nếu không có người nhà có thể ký gửi tại phòng hành chính khoa.
– Cắt ngắn và tẩy sạch sơn móng tay chân (nếu có), búi tóc gọn gàng đối với nữ, cạo râu sạch sẽ đối với nam.
– Đi tắm bằng dung dịch sát khuẩn trước mổ.
– Đi tiểu trước khi chuyển mổ.
– Không xóa ký hiệu đánh dấu vị trí vết mổ.

8.3. Những vấn đề nhân viên y tế sẽ thực hiện cho bệnh nhân trước mổ
– Bệnh nhân hoặc người đại diện trên 18 tuổi (đối với người bệnh hôn mê hoặc < 18 tuổi) cần phải ký cam kết trước mổ.
– Truyền dịch nuôi dưỡng giúp bệnh nhân đỡ đói và khát trong thời gian nhịn ăn chờ mổ.
– Tiêm kháng sinh dự phòng nhiễm trùng vết mổ.
– Trước mổ bệnh nhân sẽ được uống thuốc Fortran để làm sạch đại tràng trước thời gian mổ là 8 giờ.
– Được nhân viên y tế vận chuyển xuống phòng mổ bằng xe lăn.

9. Những điều gì bệnh nhân cần lưu ý trong thời gian nằm viện điều trị sau mổ?
9.1. Những biểu hiện bình thường diễn ra sau mổ
– Đau vết mổ hoặc căng tức vùng vết mổ khi gồng bụng hoặc khi căng cơ, tình trạng đau sẽ giảm dần.
– Những ngày đầu sau mổ vết mổ sẽ có ít dịch và máu thấm băng sau đó giảm dần và khô.
– Cảm giác chướng bụng, sau đó tình trạng chướng bụng sẽ giảm dần.

9.2. Các biến chứng cần theo dõi và báo nhân viên y tế
– Đau vết mổ quá sức chịu đựng.
– Vết thương có máu tươi ướt đẫm toàn bộ băng.
– Túi dẫn lưu có máu đỏ tươi ra nhiều.
– Biểu hiện sưng, đau tại vị trí vết mổ, kèm theo sốt.
– Tụt ống dẫn lưu và ống thông thiểu.
– Chướng bụng nhiều, đau bụng, chóng mặt nhiều, buồn nôn và nôn.

9.3. Chế độ ăn
– Sau mổ bệnh nhân cần nhịn ăn uống hoàn toàn 4 – 5 ngày đầu sau mổ và sẽ được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch cho đến khi có chỉ định được phép ăn uống của bác sỹ.
– Khi có chỉ định được ăn uống trở lại, ban đầu bệnh nhân sẽ uống nước đường ấm, ăn cháo trắng loãng, những ngày sau đó có thể ăn cháo thịt đặc hơn (nếu bệnh nhân không đau bụng).
– Nguyên tắc chung trong ăn uống nên ăn chậm, nhai kỹ để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận tiện và dễ dàng hơn. Cần chia nhỏ bữa ăn ra thành 6 – 8 bữa/ngày, thức ăn đầy đủ chất, đảm bảo nấu chín, hạn chế dầu mỡ, đồ ngọt.
– Hạn chế một số loại rau làm tăng sinh khí trong bụng như súp lơ xanh, bắp cải, cải xoăn.
– Chế độ ăn tránh các chất kích thích như: Tiêu, đồ cay, ớt, rượu, bia; không hút thuốc lá vì làm chậm lành vết mổ và hạn chế công dụng của thuốc điều trị.

9.4. Chế độ vận động
– Ngày đầu sau mổ: Nằm nghỉ, vận động xoay trở nhẹ nhàng tại giường.
– Ngày thứ 2 sau mổ:
+ Đứng dậy và đi lại nhẹ nhàng trong phòng bệnh càng sớm càng tốt để kích thích nhu động ruột và làm máu lưu thông dễ dàng, phòng chống được liệt ruột dính ruột sau mổ.
+ Tránh vận động mạnh, gắng sức.

9.5. Chế độ sinh hoạt
– Mặc quần áo bệnh viện và thay hằng ngày để đảm bảo vệ sinh tránh nhiễm trùng vết mổ.
– Cần vệ sinh thân thể bằng khăn ấm, không nên tắm vì sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương nếu nước dính vào vết thương.
– Khi đi lại hoặc nằm túi dẫn lưu vết mổ và thông tiểu phải để thấp hơn vị trí chân ống dẫn lưu tối thiểu khoảng 30cm.
– Không tự ý rút ống dẫn lưu vết mổ và ống thông tiểu (nếu có).
– Không để gập ống dẫn lưu vết mổ và ống thông tiểu.

9.6. Chăm sóc vết thương
– Vết thương sẽ được thay băng, thay túi dẫn lưu 1 lần/ngày hoặc nhiều hơn nếu dịch thắm băng lượng nhiều.
– Ống dẫn lưu vết mổ và thông tiểu sẽ được rút khi có y lệnh của bác sỹ.
– Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau 7 – 10 ngày kể từ ngày mổ.

10. Những điều gì cần biết sau khi ra viện?
– Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện. Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.
– Cách chăm sóc vết mổ:
+ Nên thay băng ngày 1 lần tại bệnh viện, có thể đăng ký dịch vụ thay băng tại nhà của Bệnh viện Gia Đình để được điều dưỡng và bác sỹ theo dõi tình trạng vết thương hoặc thay băng tại cơ sở y tế địa phương.
+ Phải giữ vết mổ sạch và khô, nếu bị ướt phải thay băng ngay.
+ Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau 7 – 10 ngày kể từ ngày phẫu thuật.
– Chế độ dinh dưỡng:
+ Nên ăn thức ăn nhiều đạm chứa nhiều acid amin có trong thịt nạc, trứng, sữa, cá. Các thức ăn chứa nhiều đạm giúp cho bệnh nhân nhanh hồi phục sau mổ.
+ Nên ăn các loại thực phẩm phong phú nhưng cần phải được chế biến càng đơn giản càng tốt, chủ yếu là ăn món luộc, hấp; ăn các thức mềm, lỏng, dễ tiêu và nên chia nhỏ 6 – 8 bữa ăn trong ngày. Thức ăn nên được nấu kỹ, mềm, khi ăn cần ăn chậm nhai kỹ, tránh ăn quá no hoặc quá đói, sau khi ăn cần nghỉ ngơi, không nên lao động nặng.
+ Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, cần chuyển từ mỡ động vật sang sử dụng các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu phộng, dầu mè.
+ Cung cấp vitamin và khoáng chất cùng các nguyên tố vi lượng bằng cách thường xuyên ăn các loại rau xanh, hoa quả tươi có màu sắc sặc sỡ, đậm màu như bông cải xanh, tỏi, ớt chuông, cà chua, trà xanh, bưởi, cam, chanh, chuối…
+ Không ăn thực phẩm lên men, đồ ăn cay nóng, đồ uống có gas, chất kích thích như dưa muối, cà muối, ớt, tiêu, sa tế, bia rượu, thuốc lá vì có thể gây kích thích vào các vết loét, vết mổ. Không ăn thức ăn quá khô, cứng vì những thực phẩm này làm bệnh trở nên nặng hơn.
+ Không nên ăn các món quay, nướng, thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói…
– Chế độ sinh hoạt và tập luyện:
+ Cần lau người bằng nước ấm, có thể tắm rửa sau khi vết mổ liền tốt và đã cắt chỉ. Sau mỗi lần tắm phải thay băng vết mổ ngay.
+ Tránh lao động nặng trong vòng 1 tháng sau mổ.
+ Đi lại nhẹ nhàng, không chạy nhảy lò cò, không mang vác đồ nặng.
+ Tránh táo bón.
+ Tăng cường tập luyện thể dục nhẹ nhàng phù hợp với thể lực.
– Tái khám sau khi hết thuốc ra viện hoặc phải khám ngay khi có các triệu chứng bất thường như:
+ Vết mổ đau nhiều, sưng đỏ, có dịch mủ chảy ra.
+ Có biểu hiện sốt, đau bụng nhiều.
+ Đi cầu ra máu.

Với sự tận tâm, kinh nghiệm, phong cách làm việc chuyên nghiệp của bác sỹ và phương tiện máy móc hiện đại, Bệnh viện Đa khoa GIA ĐÌNH có thể giúp bạn chấm dứt những lo lắng.
Hãy liên hệ tổng đài hotline 19002250 để được tư vấn miễn phí, đặt lịch khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa GIA ĐÌNH.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...