Những điều cần biết về bệnh viêm họng cấp

1. Viêm họng là bệnh gì?
– Họng bao gồm cổ họng và thanh quản. Trong họng chứa nhiều mạch máu, các cơ hầu, hạch amidale và dây thanh âm.
– Viêm họng là tình trạng viêm tại tổ chức niêm mạc và dưới niêm mạc ở họng. Bệnh gặp phải ở cả người lớn và trẻ em, trong đó chủ yếu là trẻ em do sức đề kháng kém hơn, bệnh thường xuất hiện vào mùa thu – đông khi thời tiết thay đổi.

2. Nguyên nhân bệnh viêm họng cấp?
Viêm họng có thể là do nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng. Nhưng hầu hết các trường hợp là do nhiễm trùng (virus, vi khuẩn), trong đó đa phần là do các virus gây ra

2.1. Viêm họng do virus
– Adenovirus: Là tác nhân phổ biến nhất trong nhóm virus gây viêm họng. Thường gây sưng hạch cổ, họng đau nhưng không đỏ.
– Các virus cúm: Các triệu chứng thường gặp như sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân.
– Epstein- Barr virus: Có thể thấy sưng hạch, viêm amydale mủ.
– Herpes simplex virus: Có thể có các vết loét miệng.
– Virus sởi.
– Các loại virus khác: Corona virus, virus hợp bào đường hô hấp,…

2.2. Viêm họng do vi khuẩn
– Liên cầu khuẩn (streptococcus): Liên cầu nhóm A là nhóm vi khuẩn thường gặp nhất, chúng thường gây viêm amydale mủ, sốt cao, hạch sưng to. Có thể có các biến chứng như: thấp tim, gây ra các bệnh về van tim do thấp về sau này.
– Bạch hầu (Corynebacterium diphtheria): Gặp ở trẻ em, là nhóm vi khuẩn phổ biến nhất trong quá khứ, gây viêm họng rất nguy hiểm vì có thể tạo ra các giả mạc trằng làm tắc nghẽn đường thở gây suy hô hấp của trẻ. Trong một thời gian dài bệnh bạch hầu đã bị đẩy lùi nhưng gần đây có xu hướng tăng lên khi trẻ không được tiêm phòng vaccine đầy đủ.
– Các nhóm vi khuẩn ít gặp khác: Chlammydia, lậu cầu, …

2.3. Viêm họng do các nguyên nhân không nhiễm trùng
– Các tác nhân hóa học (hút thuốc, rượu bia,…), ô nhiễm không khí, khói bụi, dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản.

3. Các triệu chứng của viêm họng cấp?
Ngoài các triệu chứng riêng của từng nguyên nhân gây ra đã đề cập ở trên, viêm họng cấp có nhiều triệu chứng thường gặp sau:
– Đau họng và khô rát họng.
– Triệu chứng cúm: Hắt hơi sổ mũi, ho, đau đầu, đau cơ toàn thân, chán ăn.
– Nổi hạch phát ban, buồn nôn, nuốt khó.

4. Viêm họng cấp có lây không?
Thực tế, viêm họng cấp do virus, vi khuẩn có thể lây từ người này sang người khác. Người bệnh ho hắt hơi sẽ bắn ra các hạt sương nhỏ chứa tác nhân gây bệnh vào không khí. Người tiếp xúc có thể bị nhiễm theo các cách sau:
– Hít phải các giọt này.
– Tiếp xúc với dịch tiết từ đường hô hấp người bệnh rồi chạm lên mặt, mũi của mình.
– Lây nhiễm qua đồ ăn thức uống của người bệnh nếu dùng chung.

5. Điều trị viêm mũi họng cấp như thế nào?
5.1. Điều trị viêm họng do virus
Viêm họng do virus chủ yếu điều trị triệu chứng: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, không cần dùng kháng sinh. Các thuốc có thể dùng:
– Thuốc giảm đau hạ sốt, paracetamol, ibuprofen.
– Thuốc sát khuẩn họng tại chỗ: Tyrothricin( viên ngậm), các viên ngậm thảo dược.

5.2. Điều trị viêm họng do vi khuẩn
– Ngoài các thuốc điều trị triệu chứng, cần điều trị thêm các thuốc kháng sinh như cephalosporin thế hệ 1,2 (cephalexim, cefuroxime,…) nhóm penicillin, nhóm betalactam (ampicillin, amoxcilin,…).
– Viêm họng ở người lớn thường chỉ gây khó chịu, ít khi gây nguy hiểm. Tuy nhiên viêm họng ở trẻ em có thể gây những vấn đề phức tạp thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là trong những trường hợp viêm họng do vi khuẩn bạch hầu.
– Cần phải đưa trẻ em đến ngay cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu sau:
+ Suy hô hấp biểu hiện: Khó thở, tím tái, thở gấp, co kéo các cơ hô hấp.
+ Sốt cao kéo dài.
+ Ho ra máu.
– Cũng cần phải chú ý đến cách sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt, tránh dùng quá liều dễ gây ngộ độc cho trẻ.
– Tiêm phòng vaccine đầy đủ sẽ tránh được các bệnh nguy hiểm.

Tiêm phòng vaccine đầy đủ, trẻ sẽ tránh được những bệnh nguy hiểm

6. Cách phòng ngừa bệnh viêm mũi họng cấp?

Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là phần hầu họng vào mùa đông giúp phòng viêm họng cấp

– Rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.
– Tránh tiếp xúc quá gần người đang bị các bệnh viêm đường hô hấp trên, khi tiếp xúc cần mang khẩu trang y tế để dự phòng lây nhiễm.
– Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.
– Bỏ thuốc lá và rượu bia, tránh ăn thức ăn muối, sống, lên men.
– Nâng cao mức sống để tăng sức đề kháng cơ thể, tạo môi trường trong sạch.
– Phòng hộ lao động tốt, chống bụi, chống nóng, vệ sinh răng miệng tốt.
– Điều trị tích cực các bệnh mũi xoang, viêm họng, viêm amydale, viêm VA, bệnh mạn tính.
– Đối với trẻ nhỏ cần giữ ấm vùng hầu họng khi thời tiết trở lạnh, không để trẻ dầm mưa, chơi ngoài nắng, rửa tay thường xuyên với xà phòng, vệ sinh ăn uống, tạo môi trường sống sạch sẽ và thoáng mát cho trẻ.
– Tiêm phòng cảm cúm cho trẻ để tạo miễn dịch chủ động bảo vệ khỏi sự tấn công của virus, vi khuẩn gây bệnh.

Là một trong những chuyên khoa trọng yếu của bệnh viện Gia Đình, Khoa Ngoại thực hiện điều trị ngoại khoa cho mọi lứa tuổi, tập chung chẩn đoán, xử lý, phẫu thuật,… tất cả những tổn thương và bệnh lý ảnh hưởng tới cơ thể.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Family:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...