Những điều cần biết về điều trị bỏng

1. Bỏng là gì?
Bỏng là tai nạn thường gặp trong đời sống sinh hoạt và lao động, có thể gặp cả ở người lớn và trẻ em, có xu hướng ngày càng tăng. Bỏng là thương tổn bề mặt cơ thể nông hay sâu, gây hư hại hay biến đổi cấu trúc da hoặc các thành phần của nó. Tổn thương của bỏng không chỉ khu trú tại chỗ mà còn có thể gây ra rối loạn toàn thân.

2. Nguyên nhân gây bỏng?
– Bỏng do nhiệt: Nhiệt khô, nhiệt ướt, lạnh.
– Bỏng do hóa chất: Acid, base, muối kim loại nặng. Bỏng do điện: Sét đánh, điện giật.
– Bỏng do tia xạ: Tia hồng ngoại, tử ngoại, tia X, tia laser, tia gamma, hạt cơ bản beta…

3. Những triệu chứng xảy ra khi bị bỏng?
– Khi tác nhân gây bỏng tiếp xúc với bề mặt da, nhiệt độ cao sẽ phá huỷ tổ chức ở mô da, đồng thời làm đông tắc mạch máu dẫn đến hoại tử da.
– Sự phóng thích các hoá chất trung gian và thay đổi tính thấm thành mạch sẽ dẫn đến sự thoát huyết tương gây phù nề hoặc bóng nước tại vị trí bỏng.
– Khi diện tích bỏng rộng, lượng huyết tương mất đi nhiều làm giảm thể tích tuần hoàn có thể dẫn đến tình trạng sốc bỏng.
– Sự suy giảm cung lượng tim và cô đặc máu kèm với sự thoái biến myoglobin (bỏng sâu) có thể gây nên tình trạng suy thận cấp trước thận và tại thận.
– Rối loạn huyết động học cũng làm giảm tưới máu não, biểu hiện bởi rối loạn tri giác, ban đầu là kích thích vật vã, sau là lơ mơ và hôn mê.
– Tình trạng sốc nếu không được dự đoán, nhận biết và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến suy đa cơ quan và cuối cùng là tử vong.
– Bệnh nhân bỏng nặng và sâu còn có tình trạng suy giảm miễn dịch và nhiễm khuẩn.

4. Nhận biết bỏng bằng cách nào?
– Cách tính diện tích bỏng bằng lòng bàn tay (theo Faust): Mỗi lòng bàn tay của bệnh nhân được tính bằng 1% diện tích da bị bỏng (các ngón tay khép, duỗi thẳng, diện tích tính từ lằn cổ tay đến đầu các ngón tay).
– Bỏng được chia làm 4 độ, độ càng tăng thì tổn thương do bỏng càng nhiều:
+ Độ 1: Bỏng bề mặt. Trường hợp này chỉ lớp ngoài cùng da bị tổn thương làm cho chỗ da bị bỏng đỏ, rát, 2 – 3 ngày thì tự khỏi và không để lại sẹo. Hay gặp: bỏng nắng, bỏng nước sôi chỗ không có quần áo.
+ Độ 2: Bỏng một phần da. Trường hợp này thì sẽ xuất hiện các bóng nước, nếu vết bỏng được giữ không bị nhiễm trùng thì có thể lành mà không để lại sẹo. Khỏi sau 10 – 14 ngày. Hay gặp: bỏng nước sôi chỗ có quần áo…
+ Độ 3: Bỏng toàn bộ các lớp da. Toàn bộ các lớp da đều bị tổn thương bao gồm cả lỗ chân lông và tuyến mồ hôi. Khi bị bỏng toàn bộ các lớp của da thì vết bỏng rất dễ bị nhiễm trùng, thời gian lành lâu và sẽ để lại sẹo. Thường gặp bỏng do xăng, acid, bỏng điện…
+ Bỏng độ 4: Tác nhân gây bỏng phá huỷ hết da, bỏng ăn tới tận cơ, xương, cả một vùng của chi bị cháy đen. Thường gặp do điện cao thế, sét đánh, cháy nhà…

5. Nguyên tắc cấp cứu bỏng tại hiện trường tai nạn?
– Đánh giá hiện trường an toàn. Loại bỏ nguyên nhân gây bỏng. Đưa nạn nhân vào nơi an toàn.
– Đánh giá nhanh, đầy đủ thương tổn. Gọi hỗ trợ, gọi cấp cứu.
– Nếu có ngưng tuần hoàn hô hấp phải tiến hành hồi sức tim phổi cơ bản (CPR) trước.
– Sơ cứu nhanh bằng các phương tiện sẵn có.

6. Quy trình sơ cứu nạn nhân bị bỏng?
– Loại bỏ các vật dụng có thể gây chít hẹp như nhẫn, vòng, thắt lưng, giày, ủng. Nếu quần áo không còn tác nhân gây bỏng, không cần thiết phải cởi.
– Loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có tác nhân. Cắt bỏ toàn bộ phần áo quần che phủ vết bỏng. Chú ý không cởi bỏ quần áo để tránh gây lột da vùng bỏng. Cũng không cởi áo qua đầu vì có thể làm nạn nhân bị bỏng ở mặt, không làm vỡ các bóng nước.
– Không áp dụng các cách phản khoa học như bôi nước mắm, vắt nước củ ráy hoặc củ chuối lên vết bỏng. Điều này chỉ khiến cho vết bỏng dễ bị nhiễm trùng hơn và việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn.
– Không bôi kem đánh răng lên vùng bị bỏng. Kem đánh răng không làm dịu vết bỏng như mọi người nghĩ, nó chứa chất kiềm nhẹ, khi bôi lên vùng da bị bỏng còn làm cho nạn nhân cảm thấy đau đớn hơn.
– Làm mát vùng bỏng bằng nước mát 16-20 độ C chảy liên tục trong 15-45 phút, có thể ngâm đến khi hết đau. Tốt nhất xả vị trí bị bỏng dưới vòi nước mát sớm nhất có thể trong vòng 30-60 phút sau khi bị bỏng.


– Che phủ vùng bị bỏng bằng băng gạc khô, vô trùng hoặc quần áo sạch và chuyển ngay tới bệnh viện.
– Chống đau bằng các thuốc giảm đau thông thường như: Paracetamol, Ibubrufen…
– Cho uống đủ nước hoặc thiết lập đường truyền nếu có thể.
– Lưu ý rằng đối với nạn nhân bị bỏng do điện giật, có trường hợp bị ngưng thở, tim ngừng đập, ngay lập tức phải sơ cứu nạn nhân tại chỗ, đặt nạn nhân nằm xuống nền đất cứng, hô hấp nhân tạo cho đến khi nạn nhân thở lại và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế.

7. Điều trị bỏng như thế nào?


7.1 Vết bỏng nhẹ:
– Điều trị ngoại trú.
– Chăm sóc vết thương bỏng.
– Kháng sinh, kháng viêm chống phù nề, giảm đau. Ngừa uốn ván.
7.2 Bỏng trung bình, bỏng nặng:
– Bỏng mức độ vừa và nặng có nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng, thời gian điều trị kéo dài, có thể phải can thiệp phẫu thuật như cắt lọc tổ chức hoại tử, cấy ghép da…có nguy cơ nhiễm trùng cao nên cần được điều trị, chăm sóc và theo dõi sát tại bệnh viện.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...