Những điều cần biết về gãy mỏm khuỷu và những lưu ý trong chăm sóc khi bó bột khớp khủyu

1.Tổng quan
1.1. Vị trí của khuỷu tay
Theo định nghĩa của y học, khuỷu tay chính là bộ phận nằm giữa hai cấu trúc lớn và mạnh mẽ đó chính là phần cánh tay và cẳng tay.

1.2. Cấu tạo của khuỷu tay
Xét về mặt cấu tạo, tại khớp khuỷu tay có 3 vùng xương nhô ra, đây là những nơi để các gân bám vào. Mặt bên ngoài khuỷu tay có mỏm trên lồi cầu ngoài- vị trí bám của các cơ duỗi cổ tay và các ngón tay. Bên trong khuỷu thì có mỏm trên lồi cầu trong là nơi có các cơ thực hiện thao tác gập cổ tay và các ngón tay bám vào. Xung quanh khớp vùng khuỷu tay còn có dây chằng và bao khớp.
+ Bao khớp khuỷu tay: Bao khớp có nhiệm vụ bao bọc và bảo vệ cả 3 mặt khớp. Ở phía trên, bao khớp bám vào đầu dưới xương cánh tay tại vị trí cao hơn bờ chu vi của ròng rọc và chỏm con. Ở phía dưới, nó bám vào cổ xương quay và khuyết ròng rọc cũng như khuyết quay xương trụ. Chính vì vậy mà toàn bộ chỏm xương quay nằm trong bao khớp.
+ Các dây chằng khuỷu tay: Là những giải sợi màu trắng, bền được tạo thành bởi các thớ sợi chạy song song giữa hai điểm vào. Tại khuỷu tay có các dây chằng như dây chằng bên trụ ở trong, dây chằng bên quay ở ngoài, dây chằng vòng quay bao quanh chỏm xương và dây chằng vuông làm nhiệm vụ giữ cho khớp khuỷu tay ở đúng vị trí.

1.3. Chức năng của khuỷu tay
Trong các hoạt động hàng ngày, khuỷu tay giữ chức năng giúp chúng ta có thể dễ dàng thực hiện các cử động gập duỗi và sấp ngửa cẳng tay một cách dễ dàng.

1.4. Gãy mỏm khuỷu là gì?
Là gãy đầu trên xương trụ cùng với mỏm vẹt. Thường do một chấn thương mạnh ngã đập khuỷu.
Do là chỗ bám cơ tam đầu nên thường di lệch, gãy nội khớp nên ảnh hưởng tới vận động gấp duỗi khuỷu.

2. Triệu chứng thường gặp
Sau chấn thương có các biểu hiện:
– Đau nhiều vùng khuỷu tay, khuỷu tay sưng nề, bầm tím.
– Biến dạng khuỷu tay hoặc khu vực gần khuỷu tay.
– Mất vận động khớp khuỷu tùy mức độ:
+ Khó di chuyển khuỷu tay một cách bình thường.
+ Khó uốn và duỗi.
+ Khó xoay bản tay vào trong và xoay ra ngoài.
– Xquang: xác định được đặc điểm ổ gãy.

3. Biến chứng có thể xảy ra nếu không điều trị
– Hạn chế vận động khớp khuỷu.
– Sưng đau nhiều ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như các hoạt động hằng ngày.
– Xương can lệch.
– Trường hợp gãy hở có thể gây nhiễm trùng, viêm xương, hoại tử,…

4. Điều trị bảo tồn
Điều trị bảo tồn là điều trị nội khoa kết hợp nắn và bó bột. được áp dụng trong trường hợp:
– Gãy không di lệch, di lệch ít hơn 2mm.
– Bác sỹ sẽ có chỉ định nắn và bó bột cánh cẳng bàn tay trong 4 tuần.

5. Nguy cơ sau bó bột gồm
– Biến chứng do bột chèn ép sẽ có biểu hiện sưng đau, tê, tím đầu chi cần phải tháo bột.
– Biến chứng do lỏng bột do chi giảm sưng nề, làm mất tác dụng cần thay bột.
– Dị ứng với bột: Biểu hiện bỏng da, ngứa, viêm da,…
– Biến chứng do vật lạ rơi vào trong bột biểu hiện ngứa, khó chịu.
– Biến chứng do rối loạn dinh dưỡng nguyên nhân do bất động lâu ngày thiếu tập luyện, biểu hiện Teo cơ, cứng khớp, loãng xương, tăng kali máu, bệnh nhân thấy đau khi vận động sau tháo bỏ bột, chức năng chi bị giảm.
– Hư bột do di chuyển, va chạm nhiều, làm mất tác dụng cần thay bột.

6. Thời gian điều trị bảo tồn và cách chăm sóc sau bó bột
– Bệnh nhân điều trị bảo tồn ngoại trú.
– Bệnh nhân phải mang bột cố định cánh cẳng bàn tay trong vòng 4-6 tuần.
– Trong thời gian mang bột bệnh nhân cần tuân thủ những điều sau:
+ Không để ướt bột, hạn chế vận động.
+ Treo tay cao theo hướng dẫn.
+ Theo dõi các đầu chi nếu sưng đau nhiều hoặc chặt bột phải tái khám ngay.
+ Không dùng que đưa vào trong bột để gãi sẽ gây xây xát da dễ dẫn đến nhiễm trùng vết thương hoặc làm đùn bông gây chèn ép mạch máu.
+ Không cọ xát bột với vật cứng sẽ gây hỏng bột.
+ Tập vận động theo hướng dẫn của kỹ thuật viên.
Uống thuốc theo đơn, tái khám sau 05 ngày hoặc tái khám ngay khi bột bị hư hỏng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...