Những điều cần biết về ối vỡ non

1. Ối vỡ non là gì?
– Khi nước ối của sản phụ bị vỡ được gọi là “vỡ màng ối”. Ối vỡ non là trình trạng nước ối bị vỡ trước khi sản phụ chuyển dạ. Vỡ ối trước khi chuyển dạ hay ối vỡ non được gọi là “PROM – Prelabor rupture of membranes”.
– Ối vỡ non có thể xảy ra ở bất cứ tuổi thai nào.
– Sinh non xảy ra ở khoảng 10% tổng số ca sinh. PROM gây nguy cơ chuyển dạ sinh non (sinh trước tuổi thai 37 tuần), tại Hoa Kỳ khoảng 2-3% trường hợp sinh non là do ối vỡ non. Trong khi đó PROM đủ tháng xảy ra ở khoảng 8% trường hợp mang thai.
– Ối vỡ non cũng có thể dẫn đến các vấn đề cho người mẹ, thường gặp là nhiễm trùng ối.

2. Nguyên nhân gây ối vỡ non?
Rất khó để xác định nguyên nhân cụ thể gây ra ối vỡ non. Nhưng có một số yếu tố nguy cơ gây ra ối vỡ non bao gồm:
– Có tiền sử ối vỡ non trước đó
– Có tiền sử sinh non
– Có nhiễm trùng ở âm đạo hoặc tử cung
– Bị chảy máu từ âm đạo
– Hút thuốc lá

3. Các dấu hiệu của ối vỡ non?
– Khi nước ối bị vỡ, bạn có thể cảm thấy giống như một dòng nước chảy ra đột ngột hoặc chảy chậm từ âm đạo.
– Chất lỏng thường trong suốt hoặc có màu vàng nhạt và đôi khi trông giống như nước tiểu.

4. Có phương pháp nào giúp kiểm tra ối vỡ non không?
– Bác sỹ sẽ sử dụng mỏ vịt để kiểm tra cổ tử cung và đánh giá liệu nước ối có rò rỉ từ cổ tử cung hay không.
– Các phương pháp kiểm tra bao gồm test valsalva, test thử giấy quỳ tím, nếu có nước ối giấy quỳ sẽ chuyển từ màu vàng sang màu xanh. Bác sỹ sẽ lấy mẫu nước ối để xét nghiệm tìm vi khuẩn trong nước ối và làm xét nghiệm kháng sinh đồ nếu cần.
– Siêu âm được thực hiện để kiểm tra lại lượng nước ối của thai nhi và theo dõi đánh giá lượng nước ối trong suốt thời gian điều trị.

5. Phương pháp điều trị ối vỡ non như thế nào?
– Hầu như tất cả mọi trường hợp ối vỡ non cần được nhập viện điều trị. Việc điều trị nhằm giúp kéo dài tuổi thai nếu thai còn non tháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng ối và nhiễm trùng sơ sinh, sử dụng các thuốc trưởng thành phổi và trưởng thành tế bào não cho thai nhi nếu cần thiết.
Nếu đủ chỉ định bác sỹ sẽ khởi phát chuyển dạ để giúp sản phụ có một cuộc sinh an toàn, chỉ định đó bao gồm:
+ Tuổi thai từ 34 tuần trở lên
+ Nếu tuổi thai dưới 34 tuần, nhưng có vấn đề với thai kỳ hoặc sức khỏe của thai nhi.
Trong trường hợp cần kéo dài tuổi thai (chưa có chỉ định sinh), các bác sỹ sẽ chỉ định các thuốc có lợi cho thai nhi, bao gồm:
+ Thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi, giúp hạn chế nguy cơ suy hô hấp, xẹp phổi sau sinh, giúp thai nhi có hệ hô hấp tốt hơn sau khi chào đời.
+ Thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng

6. Liệu thai kỳ có ối vỡ non sẽ ổn chứ?
– Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như em bé của bạn được sinh ra sớm như thế nào (tuổi thai bao nhiêu tuần), phổi của em bé phát triển như thế nào và liệu em bé có bị nhiễm trùng hay không.
– Những em bé được sinh ra quá sớm có khả năng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.

7. Quản lý ối vỡ theo tuổi thai với các sản phụ có xét nghiệm tiền sản bình thường
7.1. Đủ tháng (tuổi thai từ 37 tuần trở lên)
– Dự phòng nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) theo chỉ định
– Điều trị nhiễm trùng ối nếu có
– Tiếp tục theo dõi chuyển dạ (sinh thường hoặc mổ lấy thai khi có chỉ định)

7.2. Sinh non muộn (tuổi thai từ 34 –36 tuần)
– Tiếp tục theo dõi hoặc chỉ định sinh thường/sinh mổ khi có chỉ định
– Điều trị trưởng thành phổi bằng corticosteroid, nếu steroid chưa được sử dụng trước đó, thời gian dự kiến sinh trong vòng 1- 7 ngày tiếp theo và không có bằng chứng về viêm màng ối
– Sàng lọc và điều trị dự phòng nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) theo chỉ định
– Điều trị nhiễm trùng trong ối nếu có (và tiếp tục theo dõi chuyển dạ.

7.3. Sinh non (24–33 tuần tuổi thai)
– Điều trị với mong muốn kéo dài tuổi thai thêm
– Kháng sinh được khuyến cáo để kéo dài thời gian theo dõi nếu không có chống chỉ định
– Corticosteroid đơn liều
– Nếu có nhiễm trùng ối: điều trị ổn định nhiễm trùng ối và chấm dứt thai kỳ
– Nên lấy tăm bông âm đạo-trực tràng để nuôi cấy GBS tại thời điểm xuất hiện ban đầu và điều trị dự phòng GBS theo chỉ định.
– Bảo vệ tế bào não thai nhi bằng Magie sulfat với tuổi thai < 32 tuần thai (nếu không có chống chỉ định)

7.4. Dưới 23–24 tuần tuổi thai
– Tiếp tục theo dõi hoặc khởi phát chuyển dạ khi có chỉ định
– Kháng sinh có thể được cân nhắc ngay từ tuần thứ 20 của thai kỳ
– Dự phòng GBS không được khuyến cáo
– Corticosteroid không được khuyến cáo
– Thuốc giảm gò tử cung không được khuyến cáo
– Magie sulfat để bảo vệ thần kinh không được khuyến cáo

8. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ có ối vỡ sớm
8.1. Thực phẩm nên ăn
– Cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu:
+ Chất bột đường (carbohydrate): gạo, bánh mì, ngô, khoai…
+ Chất đạm (protein): thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, hạt…
+ Chất béo (lipid): dầu hạt cải, dầu oliu, dầu mè…
+ Các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất: đa dạng các loại rau củ và hoa quả
– Thực phẩm giàu canxi: sữa, sữa chua, phô mai, đậu phụ, cải xoăn và rau bina
– Thực phẩm giàu sắt: lòng đỏ trứng gà, thịt đỏ, hàu, các loại hạt, rau lá xanh đậm, bí đỏ…
– Thực phẩm giàu vitamin C: ớt chuông, ổi, kiwi, cam, dâu tây, đu đủ, bông cải xanh…
– Thực phẩm giàu vitamin E: mầm lúa mì, hạnh nhân, lạc, dầu thực vật, rau bina, bông cải xanh…
– Thực phẩm có chứa nhiều kẽm kích thích hình thành collagen và tổng hợp protein như đậu, các loại hạt, phô mai…
– Nước: 2 – 2.5 lít nước/ngày

8.2. Thực phẩm nên tránh
– Gia vị mạnh như ớt, tiêu
– Các món chiên xào, dầu mỡ
– Các sản phẩm chứa chất kích thích như cà phê, thuốc lá, bia rượu, nước tăng lực, nước ngọt,…

Tài liệu tham khảo
1. Martin JA, Hamilton BE, Osterman MJ. Births in theUnited States, 2017. NCHS Data Brief No. 318. Hyattsville (MD): National Center for Health Statistics; 2018A.Available at: https://www.cdc.gov/nchs/data/databriefs/db318.pdf. Retrieved April 16, 2019. (Level III)
2. Martin JA, Hamilton BE, Osterman MJ, Driscoll AK,Drake P. Births: final data for 2017. Natl Vital Stat Rep 2018B;67(8):1–49. (Level II-3)
3. Matthews TJ, MacDorman MF, Thoma ME. Infant mortality statistics from the 2013 period linked birth/infant death data set. Natl Vital Stat Rep 2015;64:1–30. (LevelII-3)
4. Mercer BM. Preterm premature rupture of the membranes: current approaches to evaluation and management. Obstet Gynecol Clin North Am 2005;32:411–28.
(Level III)
5. Martin JA, Hamilton BE, Sutton PD, Ventura SJ, Menacker F, Munson ML. Births: final data for 2003. Natl Vital Stat Rep 2005;54(2):1–116. (Level II-3)
6. Middleton P, Shepherd E, Flenady V, McBain RD, Crowther CA. Planned early birth versus expectant management (waiting) for prelabour rupture of membranes at term (37 weeks or more). Cochrane Database of Systematic Review 2017, Issue 1. Art. No.: CD005302. (Systematic Review and Meta-Analysis).
7. Calcium; National Institute of Health; US Department of Health and Human Services
8. Iron; National Institutes of Health; US Department of Health and Human Services

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...