Những điều cần biết về phẫu thuật dẫn lưu màng phổi – Điều trị tràn dịch – khí màng phổi

1. Bệnh tràn khí màng phổi là gì?
Tràn khí màng phổi là có khí trong khoang màng phổi. Bình thường khoang màng phổi có áp lực từ -2cm H20 đến -6cm H20, áp suất này là yếu tố giúp phổi nở ra trong quá trình hô hấp và giúp cho sự trao đổi khí. Khi có không khí tồn tại bất thường trong khoang màng phổi, áp lực này mất đi, từ đó ảnh hưởng đến sự thông khí của phổi, gây rối loạn thông khí kiểu hạn chế.

2. Nguyên nhân gì gây ra tràn khí màng phổi?
– Tràn khí màng phổi có một số nguyên nhân như chấn thương, thủ thuật… trong đó có những nguyên nhân của tràn khí màng phổi tự phát như:
• Trẻ tuổi, khoảng từ 20 đến 40 tuổi.
• Người có thể trạng cao, gầy.
• Người có tiền sử hút thuốc lá.
• Bị vỡ bóng khí xung quanh tiểu thùy của phổi.

– Đối với tràn khí màng phổi thứ phát, có những nguyên nhân như:
• Người lớn tuổi, từ 40 đến 75 tuổi.
• Bệnh lý viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.
• Lao phổi.
• Hen phế quản.
• Ung thư phổi nguyên phát hoặc ung thư phổi di căn.
• Xơ phổi.
• Nang kén khí.
• Vỡ khí.
• Xơ phổi kẽ lan tỏa.
• Bệnh bụi phổi.

3. Triệu chứng thường gặp khi bị tràn khí màng phổi?
– Đau ngực: Đột ngột, dữ dội như dao đâm ở vùng ngực bên có tràn khí. Vị trí đau có thể ở vùng dưới vai hoặc ở mỏm xương bả vai, đôi lúc điểm đau không rõ. Mức độ đau dữ dội khi khởi phát và có xu hướng giảm dần.
– Khó thở: Nhịp thở nhanh nông, xuất hiện đột ngột, đi liền với đau.
– Ho: Ho khan, ho thành từng cơn ngắn, xuất hiện khi bệnh nhân cử động, làm cơn đau và khó thở tăng lên.
– Toàn thân có thể da tím tái, toát mồ hôi, tụt huyết áp, rối loạn ý thức.
– Nhìn: Lồng ngực bên tràn khí phồng hơn, ít di động hơn.
– X quang phổi: Hình ảnh tăng sáng, mất nhu mô phổi…

4. Tràn khí màng phổi nếu không được theo dõi và xử trí sẽ tiến triển như thế nào?
– Tràn khí màng phổi ít: Khí tự hấp thu vài ngày.
– Tràn khí màng phổi nhiều, tràn khí màng phổi áp lực gây suy hô hấp, đe dọa tính mạng nếu không xử trí kịp thời.
– Tràn khí màng phổi thứ phát sau lao, viêm phổi có thể tiến triển gây mủ màng phổi.

5. Tràn khí màng phổi được điều trị như thế nào?
5.1. Nguyên tắc
+ Vô trùng → đại phẫu.
+ Kín.
+ Một chiều.
+ Hút liên tục áp lực thấp từ (-) 20 đến (-) 30 cm H2O.

5.2. Dẫn lưu khoang màng phổi
Là đặt 1 ống dẫn lưu vào khoang màng phổi với mục tiêu:
– Dẫn lưu sạch máu – dịch và khí trong khoang màng phổi.
– Ghúp phổi nở
– Trả lại khoang màng phổi áp lực âm.

5.3. Chống chỉ định
– Không có chống chỉ định tuyệt đối.
– Chống chỉ định tương đối:
+ Bệnh rối loạn đông máu.
+ Kén khí phổi.
+ Nghi ngờ phổi dính vào thành ngực.
+ Tràn dịch, tràn mủ khu trú.
+ Nhiễm trùng da vị trí chọc dẫn lưu.

6. Thời gian thực hiện phẫu thuật dẫn lưu màng phổi
– Thời gian thực hiện phẫu thuật dẫn lưu màng phổi mất khoảng 30 – 45 phút.
– Sau khi phẫu thuật bệnh nhân cần nằm viện điều trị và theo dõi tình trạng phổi khoảng 3 – 5 ngày.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...