Những điều cần biết về tiêu chảy nhiễm trùng

1. Bệnh tiêu chảy nhiễm trùng là gì?
Tiêu chảy nhiễm trùng là bệnh cảnh tiêu chảy do tác nhân không xâm lấn (virus và vi trùng không xâm lấn) hoặc tác nhân xâm lấn (vi trùng xâm lấn hoặc lỵ amip) gây nên.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới: tiêu chảy là tiêu phân lỏng không thành khuôn nhiều hơn hoặc bằng 3 lần trong vòng 24 giờ.

– Phân loại tiêu chảy:
+ Tiêu chảy cấp: tiêu chảy trong vòng 2 tuần, thường do tác nhân vi sinh vật (chủ yếu và virus và vi trùng)
+ Tiêu chảy kéo dài: tiêu chảy hơn 2 tuần, thường do vi trùng khó điều trị hoặc do ký sinh trùng.
+ Tiêu chảy mạn tính: tiêu chảy quá 4 tuần (thường có nhiều đợt trong năm).

2. Nguyên nhân và đường lây truyền bệnh?
– Nguyên nhân gây bệnh: Nhiễm virus: chiếm nhiều nhất, nhiễm vi khuẩn, nhiễm ký sinh trùng và nấm.
– Đường lây truyền bệnh: Bệnh lây từ người bệnh hoặc người lành mang trùng sang người khỏe mạnh thông qua đường tiêu hóa (qua thức ăn, nước uống, bàn tay bị vấy bẩn,..hoặc qua trung gian là ruồi).
– Tất cả các đối tượng đều có khả năng mắc bệnh. Tuy nhiên các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao gồm: suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, tập quán ăn uống thiếu vệ sinh

3. Triệu chứng của tiêu chảy nhiễm trùng gồm những gì?
– Nôn và buồn nôn.
– Đau bụng
– Tiêu chảy nhiều lần.
– Có thể sốt hoặc không
– Đau đầu, chóng mặt.
– Đi cầu nhiều lần trong ngày, tính chất phân:
+ Phân lỏng vàng có nhiều nước; không nhầy, không máu (do virus/ vi khuẩn không xâm lấn).
+ Phân nhầy, máu (do vi khuẩn xâm lấn).
– Tình trạng mất nước:
+ Mới mất nước: không có triệu chứng hoặc dấu hiệu gì.
+ Mất nước trung bình: khát, bứt rứt hoặc kích động, giảm đàn hồi da, mắt trũng.
+ Mất nước nặng: các triệu chứng nặng thêm, ý thức suy giảm, không có nước tiểu, da xanh, tay chân lạnh ẩm, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp thấp hoặc không đo được.

4. Biến chứng có thể gặp trong tiêu chảy nhiễm trùng?
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách bệnh có thể gây ra các biến chứng:
– Sốc giảm thể tích.
– Rối loạn điện giải: hạ kali, tăng natri máu.
– Suy thận cấp, hoại tử ống thận.
– Xuất huyết tiêu hóa.
– Rối loạn hấp thu, suy dinh dưỡng.
– Nhiễm khuẩn huyết.

5. Điều trị tiêu chảy nhiễm trùng như thế nào?
– Bù nước – điện giải tùy thuộc vào mức độ mất nước:
+ Tiêu chảy cấp mất nước nặng: bù dịch qua đường truyền theo phác đồ
+ Tiêu chảy cấp có mất nước : uống Oresol, truyền dịch khi ói nhiều hoặc không đảm bảo uống đủ.
+ Tiêu chảy mất nước nhẹ: uống Oresol và nước chín theo nhu cầu.
– Điều trị kháng sinh: phần lớn không cần dùng kháng sinh khi tiêu chảy do virus/vi khuẩn không xâm lấn gây nên. Dùng kháng sinh khi tiêu chảy do virus/vi khuẩn xâm lấn gây nên và các trường hợp nghi dịch tả.
– Các điều trị khác: bổ sung men vi sinh, kẽm, không dùng các thuốc cầm tiêu chảy.

Bù điện giải rất quan trọng khi điều trị tiêu chảy

6. Phòng ngừa và chăm sóc khi mắc bệnh?
6.1. Phòng ngừa bệnh
– Đối với cộng đồng:
+ Cung cấp nước sạch để mọi người đều được dùng nước sạch trong sinh hoạt và ăn uống.
+ Vệ sinh môi trường, quản lý chất thải một cách hiệu quả. Có nhà cầu đúng quy cách để không còn tình trạng phóng uế ra môi trường, ngừa lây lan nhiễm trùng qua nước.
– Đối với cá nhân:
+ Ăn chín uống sôi.
+ Đậy thức ăn tránh ruồi nhặng.
+ Rửa tay với nước và xà phòng.
+ Tiêm vắc xin phòng ngừa: Rotavirus (chỉ dùng cho trẻ em), vắc xin tả (cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên).

6.2. Chăm sóc khi mắc bệnh
– Không nhịn ăn, ăn chia nhiều bữa nhỏ, ăn từ lỏng chuyển sang đặc, uống càng nhiều nước càng tốt (có thể uống thêm nước gạo rang, nước khoáng, nước trái cây), tăng cường protein từ các loại thịt, tăng cường vitamin các loại, bổ sung thức ăn nhiều probiotic và kali như: sữa chua, chuối, …
– Tránh ăn chất xơ không hòa tan (rau cần tây, giá đỗ,…), thức ăn chưa nấu chín, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas hoặc chất kích thích.
– Vận động nhẹ nhàng, tránh vận động nặng ngay sau khi ăn.
– Giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường.
– Theo dõi tình trạng đau bụng, nôn, tình trạng đi cầu và các dấu hiệu bất thường (mất nước, sốc,…)

Để xem và tải ấn phẩm chất lượng cao, nhấn vào nút “Tải Xuống” phía dưới:

Với đầy đủ các chuyên khoa về hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, tim mạch, thần kinh,… cùng đội ngũ bác sỹ giàu kinh nghiệm, Khoa Nội đã và đang đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao cho tất cả người bệnh.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Khoa Nội Family qua:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...