Những điều cần biết về xuất huyết tiêu hóa

 

1. Xuất huyết tiêu hóa là gì?
Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng chảy máu ở ống tiêu hóa từ thực quản đến hậu môn. Là kết quả của sự hủy hoại thành mạch do:
+ Viêm cấp gây chảy máu.
+ Sự phát triển sói mòn của ổ loét. Giãn vỡ các mạch máu.

2. Phân loại xuất huyết tiêu hóa?
– Xuất huyết tiêu hóa cao: Xuất huyết từ thực quản đến đoạn 4 tá tràng (góc Treitr).
– Xuất huyết tiêu hóa thấp: Xuất huyết từ đoạn 4 tá tràng (góc Treitr) đến hậu môn.
– Xuất huyết tiêu hóa cao thường gặp và nguy hiểm hơn, nếu không xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

3. Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa?
3.1 Xuất huyết tiêu hóa cao
– Xuất huyết từ thực quản: Vỡ tĩnh mạch trướng thực quản; K thực quản; Polyp thực quản; Hội chứng Wallory Weiss; Viêm loét thực quản.
– Xuất huyết từ dạ dày – tá tràng: Viêm loét dạ dày – tá tràng; K dạ dày; Vỡ tĩnh mạch trướng dạ dày; Polyp dạ dày – tá tràng.
– Xuất huyết nguyên nhân từ mật – tụy.
– Các bệnh lý gây rối loạn đông máu: Leucemie; Suy tủy; Suy gan nặng; Xuất huyết giảm tiểu cầu; Sốt xuất huyết.
– Đang duy trì thuốc kháng đông.

3.2 Xuất huyết tiêu hóa thấp
– Xuất huyết từ ruột non: Viêm ruột xuất huyết hoại tử; Thương hàn; Lồng ruột; Loét túi thừa Meckel…
– Xuất huyết từ đại tràng: K đại tràng; Bệnh Crohn đại trực tràng; Polyp đại tràng; Bệnh lỵ…
– Xuất huyết từ trực tràng hậu môn: Viêm loét trực tràng hậu môn; K trực tràng; Polyp trực tràng; Trĩ hậu môn.

4. Các triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa?
– Các biểu hiện của mất máu: mạch nhanh, hoa mắt, chóng mặt, da xanh… tuỳ mức độ thiếu máu. Da niêm mạc nhợt nhạt, chân tay lạnh, vã mồ hôi. Mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ.
– Triệu chứng tiêu hóa tùy thuộc vào vị trí xuất huyết:
+ Đau: Đau thượng vị, đau quanh rốn, đau dọc khung đại tràng, đau hậu môm.
– Người bệnh có thể nôn ra máu: Máu đỏ tươi, máu đỏ xẫm lẫn máu cục, máu lẫn thức ăn và dịch dạ dày…Chú ý phân biệt với ho ra máu, ăn các chất có màu đỏ.
– Đại tiện ra máu: đi ngoài phân có màu đen, cầu máu tươi thành tia, cầu phân nhày máu mũi…Chú ý tính chất mùi của phân ( mùi hôi tanh kèm theo).
– Thăm trực tràng, hậu môn có máu theo găng.
– Triệu chứng của các bệnh nền kèm theo nếu có: Xơ gan, suy tủy, bạch cầu cấp, bệnh tim, bệnh phổi…

5. Các xét nghiệm cận lâm sàng khi bị xuất huyết tiêu hóa?
– Công thức máu: HC giảm, Hb tố giảm, Hematocrit giảm.
– Nội soi thực quản dạ dày, trực tràng, đại tràng: Tìm vị trí xuất huyết. Chụp XQ: Thực quản, dạ dày – tá tràng, khung đại tràng, bụng đứng. Xét nghiệm phân, cấy phân.
– Xét nghiệm chức năng đông máu. Làm các xét nghiệm bệnh nền nếu có.

6. Những tiêu chuẩn đánh giá ban đầu của các mức độ xuất huyết?

7. Các nguyên tắc xử trí xuất huyết tiêu hóa là gì?
– Hồi sức tình trạng mất máu.
– Cầm máu càng nhanh càng tốt.
– Xử trí nguyên nhân để tránh xuất huyết tái phát.

8. Điều trị xuất huyết tiêu hóa?
8.1 Xuất huyết tiêu hóa mức độ nhẹ
– Nghỉ ngơi tại giường, người bệnh cần nhịn ăn lúc có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa.
– Theo dõi lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết. Tìm nguyên nhân và tiêu điểm xuất huyết.
– Nhập khoa Nội điều trị thường quy.
8.2 Xuất huyết mức độ vừa và nặng:
– Nằm đầu bằng nghiêng trái, thông thoáng đường thở, oxy liệu pháp, NKQ khi có chỉ định.
– Đặt thông dạ dày, thông tiểu.
– Đặt 2 đường truyền tĩnh mạch đủ lớn, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm. Hồi sức huyết áp chống sốc: Mục tiêu đạt huyết áp tâm thu ≥ 90 mmHg. Dịch truyền thường dùng: NaCl 0,9%, Ringer Lactat, Gelofusine.
– Chỉ định truyền máu khi có xuất huyết tiêu hóa nặng.
– Khi có rối loạn đông máu truyền huyết tương tươi đông lạnh, khối tiểu cầu.
– Nội soi tiêu hóa có vai trò quan trọng trong chẩn đoán tiêu điểm chảy máu và điều trị can thiệp cầm máu theo từng nguyên nhân, nên tiến hành sớm khi tình trạng bệnh nhân ổ định.
– Điều trị các bệnh lý nền kèm theo.

9. Cách phòng ngừa bệnh xuất huyết tiêu hóa?
– Hạn chế và tốt nhất là ngừng sử dụng các loại chất kích thích và các loại đồ uống có cồn như rượu, bia, cà phê, nước chè, thuốc lá. Các đồ chiên, xào nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, đồ chế biến sẵn hay đồ ăn quá nóng hay quá lạnh cũng nên hạn chế sử dụng vì nó có ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.
– Thay đổi khẩu phần ăn và bổ sung thêm nhiều chất xơ, rau, củ, quả và trái cây tươi vào bữa ăn hàng ngày. Những thực phẩm này cung cấp các chất giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa và ngăn ngừa các loại bệnh lý ống tiêu hóa. Ngoài ra, uống đủ nước hàng ngày cũng giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
– Ăn uống đúng cách như ăn đúng giờ, ăn đủ bữa, nhai kỹ, chia thành nhiều bữa trong ngày cũng là những cách giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Các món ăn hàng ngày phải được chế biến để dễ tiêu hóa và cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất.
– Rèn luyện cho bản thân có một lối sống điều độ như ngủ đúng giờ và đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, không có stress. Ngoài ra, tập luyện thể thao cũng được khuyến khích để giải tỏa stress và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
– Nếu có các bệnh lý cần sử dụng thuốc, cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng và lạm dụng các loại thuốc đặc biệt là kháng viêm, kháng sinh. Đây là những tác nhân có thể dẫn đến các bệnh đường tiêu hóa.

Chế độ sống khoa học giúp bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa bệnh hiệu quả

Trên đây là những thông tin cơ bản cần biết về xuất huyết đường tiêu hóa. Xuất huyết tiêu hóa là một dạng cấp cứu có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, phòng bệnh hơn chữa bệnh và mỗi người đều có thể tự mình điều chỉnh lối sống của bản thân để tránh khỏi các bệnh tật về đường tiêu hóa.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...