Những điều cần lưu ý khi cắt thắng môi, má lưỡi

1. Cắt thắng môi, má, lưỡi là gì?
– Cắt thắng môi, má, lưỡi là một thủ thuật điều trị các bất thường về vị trí bám của các cấu trúc thắng. Trả lại vị trí vốn có của nó nhằm đạt được sự vận động chức năng bình thường và thẩm mỹ hài hòa của khuôn mặt.

Trẻ bị dính thắng môi

2. Những trường hợp chỉ định cắt thắng môi, má, lưỡi?
– Dính thắng lưỡi (thắng lưỡi bám cao).
– Thắng môi trên bám thấp.
– Thắng môi, má cản trở phục hình.

3. Những trường hợp chống chỉ định cắt thắng môi, má, lưỡi?
– Bệnh nhân còn quá nhỏ hoặc thể trạng quá suy kiệt.
– Bệnh nhân hoặc người nhà chưa thật sự quan tâm hoặc hiểu hết tầm quan trọng của vấn đề cần điều trị.
– Bệnh nhân đang mắc bệnh cấp tính hoặc mãn tính mà chưa được điều trị ổn định: Bệnh về máu, tim mạch, tiểu đường,…
– Bệnh nhân đang có bệnh mãn tính: Tiểu đường, bệnh lý tim mạch,… chưa được điều trị ổn định.

4. Tại sao cần điều trị cắt thắng môi, má, lưỡi?
– Dính thắng lưỡi sẽ dẫn đến những hạn chế cử động của đầu lưỡi. Ảnh hưởng tới chức năng nuốt, chức năng bú, làm cho trẻ sơ sinh khó bú và gây đau núm vú của mẹ. Đôi khi làm trẻ chậm lên cân, kéo dài dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
– Đến độ tuổi tập nói, tật dính thắng lưỡi ảnh hưởng đến khả năng phát âm của trẻ.
– Dính thắng lưỡi còn làm lệch lạc răng và gây ảnh hưởng xấu tới mô nha chu của các răng cửa hàm dưới.
– Thắng môi bám thấp, đặc biệt là thắng môi bám thấp độ 3, 4 sẽ không chỉ ảnh hưởng tới môi và xương hàm. Nó còn tác động tới mô nha chu vùng răng cửa trên dẫn đến tiêu xương, tụt nướu, túi nha chu, răng mọc lệch lạc, khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng, gây khe thưa răng cửa và mất thẩm mỹ hài hòa khuôn mặt.

5. Thời gian và thời điểm cắt thắng môi, má, lưỡi?
5.1. Dính thắng lưỡi
– Trường hợp trẻ bị dính thắng lưỡi độ 3, độ 4 và ảnh hưởng đến việc bú thì sẽ được chỉ định cắt sớm lúc 3 tháng tuổi.
– Trường hợp dính thắng lưỡi gây ra ảnh hưởng cho việc phát âm, thông thường sẽ chỉ định điều trị ở độ tuổi lớn hơn.

5.2. Thắng môi trên bám thấp
– Thường thực hiện điều trị khi trẻ từ 7-8 tuổi trở lên, sau khi các răng nanh vĩnh viễn đã mọc lên và khoảng hở giữa 2 răng cửa trước được đóng.
– Nếu khe thưa giữa 2 răng cửa không thể đóng một cách tự nhiên, có thể tiến hành cắt thắng môi cho trẻ trước, sau đó kết hợp chỉnh nha.

5.3. Thắng môi, má, bám thấp ở người lớn làm cản trở phục hình
– Mất răng lâu ngày, tiêu xương hàm gây thắng môi, má, lưỡi bám thấp.
– Cắt thắng để định lại vị trí thắng, tạo thuận lợi và ổn định cho phục hình.

6. Phương pháp thực hiện như thế nào?
– Là thủ thuật đơn giản, không đau, nhanh chóng, tầm 15-20 phút.
– Trẻ được gây tê tại chỗ, thực hiện tại phòng khám.
– Đối với trẻ quấy khóc, khó hợp tác, trẻ sẽ được gây mê và thực hiện tại phòng mổ.

7. Những điều gì cần biết trước khi cắt thắng môi, má, lưỡi?
Một số nguy cơ có thể gặp:
– Chảy máu nhiều.
– Nhiễm trùng tại vị trí cắt thắng.
– Phù nề sàn miệng, môi trên.
– Tái phát: Thắng lưỡi hoặc thắng môi bị dính trở lại.
– Một số trường hợp sau thủ thuật cắt phanh lưỡi, bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt phát âm.

8. Những điều cần biết sau khi cắt thắng môi, má, lưỡi?
– Có thể đau nhẹ, sốt nhẹ trong những ngày đầu sau phẫu thuật.
– Vị trí cắt thắng lưỡi thường có vệt màu trắng, đây là phần mô được xử lý để cầm máu cho vết thương.
– Nên uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng và không cho trẻ ăn đồ cay, nóng.

Sử dụng thức ăn lỏng, mềm, nguội sau phẫu thuật

– Vệ sinh răng miệng hằng ngày.
– Tập vận động lưỡi thường xuyên để lưỡi di động tốt và tránh bị sẹo.
– Không nên cầm hoặc ngậm vật cứng để tránh tình trạng chảy máu, hạn chế sờ vào vị trí cắt để tránh nhiễm trùng.
– Uống thuốc theo đơn của bác sỹ.
– Tái khám cắt chỉ sau 10 – 14 ngày (nếu có khâu vết thương).
– Khi có những dấu hiệu sau cần đưa trẻ tái khám hoặc liên lạc ngay với bác sỹ:
+ Chảy máu kéo dài, khó cầm.
+ Trẻ cắn vào lưỡi gây ra vết loét, bung chỉ.
+ Trẻ nôn ói, mệt mỏi, dị ứng sau khi uống thuốc.
+ Trẻ có biểu hiện sốt cao kéo dài, nhiễm trùng tại vị trí cắt thắng.
+ Bung hết chỉ khâu trong những ngày đầu gây chảy máu.

Với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, Đơn vị Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã và đang chăm sóc sức khỏe răng miệng cho rất nhiều người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Nha khoa Family:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...