Những điều cần lưu ý về ngừng tuần hoàn hô hấp

1. Ngừng tuần hoàn cơ bản là gì?
Ngừng tim là tình trạng tim không còn hoạt động tạo ra co bóp có ý nghĩa khiến ngưng trệ dòng máu, dẫn tới thiếu máu hoàn toàn nuôi các cơ quan.
Cấp cứu ngưng tuần hoàn cơ bản là nền tảng để cứu sống nạn nhân sau khi bị ngưng tim. Hành động này được thực hiện bởi người phát hiện đầu tiên bằng những động tác đơn giản nhất, không sử dụng hay chờ đợi các phương tiện khác ngoài đôi bàn tay và có thể giúp giữ được tính mạng cho nạn nhân ngưng tim.

2. Cần làm gì khi gặp một nạn nhân bất tỉnh tại hiện trường?
– Đảm bảo an toàn:
+ Chắc chắn rằng xung quanh hoàn toàn không có nguy hiểm.
+ Di chuyển nạn nhân tới vùng an toàn trước khi thực hiện cấp cứu.
+ Đặt nạn nhân nằm ngang trên mặt phẳng cứng. Sau đó tháo lỏng cà vạt, thắt lưng nếu có,…
– Nhận diện tình trạng ngưng tim:
+ Nhìn: Nạn nhân có thể bất tỉnh, ngưng thở hoặc thở ngáp.
+ Kiểm tra sự đáp ứng của nạn nhân: Vỗ mạnh và gọi lớn.
– Gọi hỗ trợ: Gọi hỗ trợ của những người xung quanh và 115.
– Đánh giá hô hấp và mạch:
+ Bước tiếp theo là đánh giá xem bệnh nhân có nhịp thở bình thường và mạch không. Bước này sẽ giúp bạn xác định được những việc cần làm tiếp theo.
+ Nên lưu ý để giảm tối đa thời gian trì hoãn khi bắt đầu cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp, bạn có thể đánh giá mạch và nhịp thở cùng một lúc. Việc này không nên thực hiện kéo dài quá 10 giây.
Nhịp thở: Để kiểm tra nhịp thở hãy để ý tới việc di động của lồng ngực trong vòng 10 giây. Nếu nạn nhân còn thở bình thường, hãy theo dõi nạn nhân cho đến khi xe cấp cứu tới. Trong trường hợp chỉ thở ngáp hoặc không thở thì đây không phải là nhịp thở bình thường và là dấu hiệu của ngừng tim.
Mạch: Để đánh giá mạch ở người lớn, ấn vào động mạch cảnh bằng 3 ngón tay. Nếu không thấy mạch trong 10 giây, hãy tiến hành cấp cứu ngay, bắt đầu bằng việc ép ngực. Còn nếu không rõ có mạch hay không, hãy xem là không có mạch.
– Hành động tiếp theo:
+ Nếu mạch và nhịp thở bình thường, nên tiếp tục theo dõi, chờ người hỗ trợ.
+ Nếu nhịp thở bất thường nhưng vẫn có mạch thì tiến hành cấp cứu hô hấp.
+ Trong trường hợp không có mạch và nhịp thở hoặc thở ngáp thì nên tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp.

3. Quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp?

– Dành cho người đã được đào tạo:
– Qùy xuống 1 bên nạn nhân, đảm bảo 2 đầu gối song song với thân mình nạn nhân.
– Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu nạn nhân nằm úp, hãy cẩn thận xoay nạn nhân lại. Nếu nghi ngờ nạn nhân có chấn thương cột sống cổ, hãy đảm bảo đầu – cổ – thân mình của nạn nhân luôn nằm trên 1 đường thẳng.

 

– Cách đặt tay:
+ Đặt cườm bàn tay lên xương ức (chính giữa ngực) vị trí ½ dưới.
+ Đặt cườm bàn tay còn lại lên phía trên.
Nhấn ngực 30 lần với tần số 100 – 120 lần/phút. Lực nhấn là lực truyền từ vai dồn xuống 2 cổ tay. Độ sâu tối thiểu phải đạt được là 5cm và tối đa 6cm cho mỗi lần nhấn. Phải đảm bảo rằng sau mỗi lần nhấn, lồng ngực được nở ra hoàn toàn. Hạn chế tối đa việc gián đoạn khi nhấn ngực.

Nhấn ngực 30 lần với tần số 100 – 120 lần/phút. Lực nhấn là lực truyền từ vai dồn xuống 2 cổ tay. Độ sâu tối thiểu phải đạt được là 5cm và tối đa 6cm cho mỗi lần nhấn. Đảm bảo rằng sau mỗi lần nhấn, lồng ngực được nở ra hoàn toàn. Hạn chế tối đa việc gián đoạn khi nhấn ngực.

Ngửa đầu và nâng cằm nạn nhân để đảm bảo đường thở thông thoáng. Dùng tay kẹp mũi nạn nhân lại. Hít một hơi bình thường, thổi vào miệng bệnh nhân. Thổi hết 1 giây đồng thời quan sát sự di động của lồng ngực.Thổi ngạt 2 lần sau đó chuyển sang ép ngực.
Sau mỗi 2 phút cấp cứu có thể dừng lại để kiểm tra mạch. Thời gian kiểm tra mạch không quá 10 giây. Nếu không thấy mạch, tiếp tục cấp cứu.

4. Bạn cần làm gì nếu chưa được đào tạo về cấp cứu?
Nếu chưa từng được đào tạo về cấp cứu, bạn có thể chỉ ép ngực mà không cần thổi ngạt cho tới khi có người trợ giúp tới.
– Kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh hay không.
+ Nhẹ nhàng vỗ vào vai, gọi lớn nạn nhân.
+ Nếu nạn nhân không đáp ứng với kích thích đó thì chuyển sang bước 2.


– Khai thông đường thở: Dùng một tay nhẹ nhàng ngửa đầu nạn nhân lên. Tay còn lại nâng hàm.


– Kiểm tra xem nạn nhân còn thở không.
+ Nhìn sự di động của lồng ngực, nghe tiếng thở, cảm nhận hơi thở của nạn nhân trong vòng 10 giây. Nếu không có nhịp thở nào hoặc nạn nhân thở ngáp, hãy chuyển qua bước tiếp theo.

– Quỳ xuống bên cạnh và ngang ngực nạn nhân. Đặt một tay lên chính giữa ngực. Đặt tay còn lại chồng lên.


– Tiến hành ép ngực:
+ Đảm bảo rằng vai – khuỷu tay – bàn tay của bạn nằm trên một đường thẳng.
+ Ấn trực tiếp lên xương ức. Đảm bảo độ sâu 5 – 6 cm.
+ Sau mỗi lần nhấn, hãy để lồng ngực nạn nhân được nở ra hoàn toàn.
+ Nhấn ngực với tần số 100 – 120 lần/phút cho tới khi có người trợ giúp tới hoặc khi nạn nhân có đáp ứng như ho, chớp mắt.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...