Những lưu ý về gãy xương hàm dưới

1. Gãy xương hàm dưới là gì
– Gãy xương hàm dưới là một tình trạng y khoa trong đó có sự gián đoạn về cấu trúc bình thường của xương hàm dưới.
– Xương bị gãy có thể là do một lực tác dụng mạnh hay một tổn thương không đáng kể kết hợp với các bệnh làm yếu cấu trúc xương như loãng xương, ung thư xương, hay bệnh tạo xương bất toàn, trong các trường hợp này thuộc về gãy xương bệnh lý.

2. Triệu chứng của gãy xương hàm dưới
Tùy vào vị trí gãy, mức độ gãy mà có thể xuất hiện các triệu chứng:
– Trên khuôn mặt: biến dạng mặt hoặc sưng nề, lệch một bên hàm, bầm tím, tụ máu, rách da vùng gãy kèm theo sờ ấn đau nhức.
– Trong miệng: bầm tím nướu, môi, đáy sàn miệng; di động bất thường 2 răng tương ứng vị trí gãy.
– Há miệng khó, đau nhức, không thể ăn nhai được.
– Cắn răng 2 hàm lại có cảm giác không ăn khớp.

3. Biến chứng của gãy xương hàm dưới
– Những di chứng lâu dài do không điều trị, điều trị không đúng cách sẽ không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh mà còn tác động sâu sắc tới cửa ngõ của hệ tiêu hóa.
– Điều trị đúng và đủ sẽ giúp giảm mức độ hoặc loại bỏ những biến chứng:
+ Sưng, đau.
+ Chảy máu kéo dài, chậm lành thương, nhiễm trùng.
+ Sai khớp cắn, cai lệch.
+ Tổn thương thần kinh.
+ Khớp giả, cứng khớp, há miệng hạn chế.

4. Các phương pháp điều trị
4.1. Điều trị bảo tồn

– Dùng nẹp kim loại và chỉ kẽm để buộc cố định xương gãy qua trung gian hàm răng mà không cần phải phẫu thuật.
– Ưu điểm của phương pháp điều trị:
+ Không cần phải phẫu thuật.
+ Chi phí điều trị thấp.
+ Phù hợp với bệnh nhân lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ.
– Nhược điểm của phương pháp:
+ Thời gian điều trị kéo dài, tỷ lệ thất bại cao.
+ Phải có răng đã mọc đủ cứng chắc để buộc cung và chỉ kẽm.
+ Khó khăn trong vệ sinh răng miệng và ăn nhai, dễ dẫn đến các bệnh lý viêm nướu, sâu răng sau đợt điều trị.

4.2. Phẫu thuật

Phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít

– Qua đường mổ vùng dưới hàm hoặc trong miệng, bác sỹ nắn chỉnh đưa các đầu xương gãy về đúng vị trí giải phẫu và khớp cắn, kết hợp xương bằng nẹp vít.
– Phương tiện nẹp vít cố định bằng titan nên không cần phải tháo phương tiện trong trường hợp bệnh nhân cần thiết phải tháo phương tiện do có dị cảm, thời gian tối thiểu có thể tháo phương tiện kết hợp xương là 6 tháng.
– Ưu điểm của phương pháp:
+ Cố định vững chắc đường gãy giúp lành thương sớm, đạt kết quả lành thương tốt nhất với tỉ lệ biến chứng thấp.
+ Vận động há ngậm, ăn nhai, nói sớm, tránh bị dính khớp thái dương hàm.
+ Dễ vệ sinh răng miệng, dễ ăn nhai nói nuốt sau mổ.
+ Tạo sự thoải mái cho bệnh nhân sau điều trị.
– Nhược điểm của phương pháp
+ Chi phí điều trị cao, cần có phẫu thuật viên kinh nghiệm.
+ Một số trường hợp bệnh nhân bị dị cảm nẹp vít, phải lấy ra (tỉ lệ thấp).

5. Thời gian điều trị
5.1. Điều trị bảo tồn
– Sau cố định hàm bệnh nhân có thể điều trị tại nhà hoặc tại bệnh viện tùy vào mức độ của bệnh. Trung bình nếu phải nhập viện, điều trị mất khoảng 3-5 ngày.
– Thời gian thực hiện thủ thuật buộc cố định liên hàm từ 15-30 phút. Thời gian duy trì tuỳ thuộc vào vùng gãy:
+ Vùng cằm: 6 đến 8 tuần.
+ Vùng cành ngang: 3 – 6 tuần.
+ Vùng lồi cầu: Vận động sớm sau 8 – 14 ngày.

5.2. Phẫu thuật kết hợp xương hàm dưới
– Bệnh nhân cần được nhập viện điều trị nội trú, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp phim x-quang, lên lịch mổ.
– Sau mổ, bệnh nhân cần lưu trú lại bệnh viện ít nhất khoảng 3-5 ngày, để theo dõi và dùng thuốc.
– Thời gian phẫu thuật tùy vào mức độ của bệnh. Dự kiến: Từ 30 phút – 4 giờ.

6. Những triệu chứng cần tái khám
6.1. Đối với điều trị bảo tồn
Sau cố định hàm bệnh nhân cần tái khám khi có các vấn đề sau đây:
-Tái khám theo yêu cầu của bác sỹ để kiểm tra tình trạng cung cố định hàm, tình trạng khớp cắn,..
– Hoặc tái khám ngay nếu có các biểu hiện sau đây:
+ Chảy máu, chảy mủ, sưng nề lớn, sốt cao liên tục không giảm.
+ Đau nhức nhiều, sau khi sặc thức ăn.

6.2. Đối với phẫu thuật cố định xương hàm dưới
Cần tái khám khi có những vấn đề sau đây:
– Tái khám sau 5 ngày sau khi hết toa thuốc ra viện.
– Hoặc tái khám ngay khi có dấu hiệu bất thường vùng mổ:
+ Chảy máu, chảy mủ, sưng nề lớn, sốt cao liên tục không giảm.
+ Đau nhức nhiều, hàm răng cắn lệch, không ăn nhai được.
+ Di động bất thường của hàm dưới trong quá trình ăn nhai.
+ Không há được miệng.

Với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, Đơn vị Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã và đang chăm sóc sức khỏe răng miệng cho rất nhiều người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Nha khoa Family:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...