Những điều cần biết về bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi

1. Thoái hóa hoàng điểm do tuổi là gì?
– Võng mạc là màng thần kinh lót ở trong nhất của nhãn cầu, bám dính hắc mạc từ phía trước là vùng Oraserrata đến phía sau quanh bờ gai đầu dây thần kinh thị. Khi soi đáy mắt thấy được đầu dây thần kinh thị giác nằm lệch về phía mũi, hình tròn hay bầu dục có đường kính 1 – 1,5 mm. Ở trung tâm cực sau võng mạc, cách gai thị 4 mm về phía thái dương, hơi lệch xuống dưới gọi là vùng hoàng điểm.
– Hoàng điểm hay còn gọi là điểm vàng là vùng võng mạc trung tâm hình bầu dục có đường kính ngang là 2mm, đường kính dọc 1,5mm. Ở giữa vùng hoàng điểm hơi lõm xuống gọi là hố trung tâm hoàng điểm có đường kính khoảng 0,3mm, chiều dày võng mạc ở đó là 0,10mm. Ở trung tâm của hố chỉ có tế bào hình chóp, đến vùng bờ của hoàng điểm cả tế bào chóp và tế bào gậy, cho phép mắt nhìn sự vật một cách rõ nét.
– Khi xảy ra những rối loạn trao đổi chất ở hoàng điểm, tạo ra các mạch máu bất
thường và làm rối loạn về cấu trúc của hoàng điểm sẽ gây ra bệnh lý thoái hóa hoàng điểm.

2. Thoái hóa hoàng điểm do tuổi (AMD: Age-related Macular Degeneration)
– Là bệnh thoái hóa hoàng điểm liên quan đến quá trình lão hóa, là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa sau tuổi 50. Người mắc bệnh thoái hóa điểm vàng thường gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày có đòi hỏi thị lực trung tâm, chẳng hạn như đọc sách hoặc lái xe.
– Thoái hóa Hoàng điểm do tuổi có thể diễn tiến chậm theo thời gian. Trong vài trường hợp, bệnh diễn tiến chậm đến nỗi người bệnh không nhận thấy sự thay đổi về thị lực. Trong những trường hợp khác, thay đổi diễn ra nhanh hơn và dẫn đến những thay đổi lớn về thị lực, chẳng hạn như mất thị lực ở cả hai mắt.

3. Những nguyên nhân nào gây ra bệnh thoái hóa hoàng điểm là gì?
– Nguyên nhân chính xác của thoái hóa hoàng điểm chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, các yếu tố được xác định là nguy cơ của bệnh AMD bao gồm các yếu tố nguy cơ không thay đổi được như tuổi cao, chủng tộc, di truyền, cùng các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, trong đó nổi bật nhất là hút thuốc lá.
+ Do lão hóa: thường gặp những người trên 50 tuổi.
+ Người thường hay hút thuốc.
+ Người béo phì: Tỷ số vòng eo/mông cao làm tăng nguy cơ AMD. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra môi tương quan giữa béo phì và sự phát triển của bệnh thái hóa hoàng điểm từ giai đoạn sớm, giữa và chuyển sang giai đoạn nặng.
+ Chủng tộc: Những người có màu da sáng dễ mắc bệnh thái hóa hoàng điểm hơn những người có màu da tối.
+ Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có một người mắc bệnh thoái hóa hoàng điểm thì những người thân trong gia đình cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Yếu tố di truyền các gen CFH Y402, ARMS2/HtrA1 có liên quan đến nguy cơ cao AMD
+ Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.

4. Triệu chứng của bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi là gì?
– Ám điểm: nhìn có chấm đen hoặc vùng tối trước mắt.
– Nhìn méo: nhìn hình ảnh biến dạng, vật thu nhỏ, méo mó, như nhìn một đường thẳng lại trông như đường gợn sóng.
– Nhìn mờ: không có khả năng phân biệt giữa các đối tượng trong tầm nhìn. Do suy thoái tế bào biểu mô sắc tố vào tế bào thần kinh cảm thụ. Có thể nhìn mờ nhanh đột ngột do xuất huyết.
– Mù màu như nhìn các màu sắc sặc sỡ trở nên mờ nhạt hoặc mất hẳn màu.
– Có chớp sáng, nhạy cảm với ánh sáng, ánh sáng chói gây đau
– Khó thích nghi với môi trường thiếu ánh sáng.
– Khám đáy mắt có các dấu hiệu như Drusen, xuất huyết, xuất tiết cứng, dịch dưới võng mạc, phù hoàng điểm, xơ dưới võng mạc, biến đổi biểu mô sắc tố, bong biểu mô sắc tố, tân mạch vùng hoàng điểm
4.1 Thoái hóa hoàng điểm do tuổi có 2 thể: thể khô và thể ướt:
4.1.1 Thoái hóa hoàng điểm thể khô:
– Là dạng hay gặp nhất của thoái hóa hoàng điểm do tuổi già, với tần suất lên tới 90 %.
– Dấu hiệu sớm của bệnh AMD thể khô là sự xuất hiện của drusen, là những mảng kết tụ màu vàng nằm dưới võng mạc Drusen không gây mất thị lực, nhưng sự gia tăng kích thước hoặc số lượng drusen có thể là dấu hiệu nhận biết AMD thể khô hoặc thể ướt trở nên nghiêm trọng. AMD thể khô có ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt, gồm:
+ Thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể khô giai đoạn sớm (early dry AMD) – ở giai đoạn này, người bệnh có một vài drusen kích thước trung bình hoặc nhỏ, chưa xuất hiện dấu hiệu đặc biệt hay giảm thị lực.
+ Thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể khô giai đoạn giữa (intermediate dry AMD)-ở giai đoạn này, người bệnh có nhiều drusen kích thước trung bình và một hoặc nhiều drusen lớn, thị lực trung tâm xuất hiện một vết mờ. Người bệnh cũng có thể cần nhiều ánh sáng hơn khi đọc sách hoặc làm các công việc khác.
+ Thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể khô giai đoạn nặng (advanced dry AMD)-ngoài drusen, các tế bào nhạy sáng (light-sensitive cells) và các mô liên kết (associated tissue) ở vũng trung tâm của võng mạc bị phá vỡ, khiến thị lực trung tâm bị mờ. Theo thời gian, vết mờ có thể lớn hơn và tối hơn, chiếm nhiều thị lực trung tâm hơn.
4.1.2 Thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể ướt:
+ Tại hoàng điểm có nhiều mạch máu bất thường phát triển làm phá vỡ cấu trúc bình thường của hoàng điểm, gây bong biểu mô sắc tố, xuất huyết võng mạc rồi gây ra một cấu trúc sẹo xơ mạch vùng hoàng điểm gây tổn thị lực nghiêm trọng.
+ Người mắc bệnh AMD thể ướt có thể mất thị lực trung tâm rất nhanh. Một triệu chứng sớm của AMD thể ướt là khi nhìn đường thẳng, chẳng hạn như cạnh cửa hay rèm cửa sổ, mắt sẽ thấy những đường lượn sóng.

5. Làm thế nào để phát hiện bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi?
– Hỏi bệnh sử: bệnh nhân từ 50 tuổi có nhìn mờ, nhìn méo và có ám điểm
– Kiểm tra thị lực: bài kiểm tra sử dụng bảng đo thị lực để kiểm tra khả năng nhìn của mắt ở các khoảng cách khác nhau.
– Soi đáy mắt kiểm tra võng mạc, hoàng điểm và đầu dây thần kinh thị giác nhằm tìm kiếm các dấu hiệu của AMD cũng như các vấn đề về mắt khác. Như xuất huyết võng mạc, xuất tiết, drusen, sẹo xơ…
– Dùng lưới Amsler (Amsler grid): với kiểm tra này, bác sĩ sẽ yêu cầu
người bệnh nhìn vào một tờ giấy vẽ ô caro như một bàn cờ. Bệnh nhân sẽ che một mắt và nhìn chằm chằm vào một chấm đen ở giữa lưới. Bệnh nhân có thể mắc bệnh AMD nếu nhìn thấy các đường thẳng trong lưới Amsler bị lượn sóng hoặc một số đường bị thiếu.
– Chụp OCT đáy mắt: có hình ảnh tụ dịch dưới võng mạc, biến đổi hay bong biểu mô sắc tố, phù hoàng điểm
– Chụp mạch huỳnh quang: có dò huỳnh quang thì sớm và tăng huỳnh quang thì muộn

6. Biến chứng của bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi là gì?
– Tổn thương võng mạc trung tâm
– Giảm thị lực, mù lòa.

7. Điều trị thoái hóa hoàng điểm như thế nào?
– Chẩn đoán và điều trị sớm thoái hóa hoàng điểm do tuổi nhất là thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể ướt có thể ngăn chặn quá trình mất thị lực, giúp bệnh nhân duy trì chất lượng cuộc sống và sống không phụ thuộc. Các liệu pháp
điều trị bao gồm thuốc kháng VEGF tiêm nội nhãn, PDT, và phẫu thuật laser quang đông. Việc điều trị cần tuân thủ đúng phác đồ và đủ liều lượng.
– Cần chú trọng tư vấn đầy đủ đề bệnh nhân tuân thủ việc tái khám và điều trị nhằm đạt được kết quả tối ưu.
– Mục tiêu điều trị quan trọng nhất là ngăn chặn và loại trừ sự phát triển tân mạch hắc mạc và các tổn thương mạch kèm theo để đạt được thị lực tốt nhất có thể cho bệnh nhân, đồng thời giảm gánh nặng của việc điều trị.
– Hiện tại không có cách điều trị thoái hóa hoàng điểm do tuổi, nhưng có các phương pháp điều trị có thể ngăn ngừa vấn đề mất thị lực nghiêm trọng hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh.
7.1 AMD Thể khô: hiện tại không có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn AMD thể khô. Bác sĩ có thể đề nghị thuốc bổ sung kẽm, beta carotene và Vitamin C, E với liều cao nhằm giúp AMD thể khô không trở nên tệ hơn. Các nhà khoa học cũng đang tìm kiếm các phương pháp có thể kiềm hãm tiến trình mất thị lực do AMD thể khô.
7.2 AMD Thể ướt: 
– Tiêm nội nhãn thuốc kháng VEGF là thuốc chống các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu, tăng sinh tân mạch là lựa chọn điều trị đầu tay. Các thuốc
kháng VEGF như aflibercept 2mg, ranibizumab 0,5 mg, bevacizumab 1,25mg. Trong pha khởi đầu điều trị (pha nạp – loading dose), thực hiện 3 mũi tiêm nội nhãn được, cách nhau mỗi 4 tuần. Trong pha điều trị duy trì tiếp theo, việc tiêm nội nhãn được khuyến cáo thực hiện cá thể hóa theo mỗi bệnh nhân: liều cố định (mỗi 4 tuần với thuốc ranibizumab và bevacizumab; mỗi 8 tuần với thuốc aflibercept), điều trị tùy biến, giãn cách.
– Theo dõi và điều trị sau đó phụ thuộc vào các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá của bác sĩ điều trị. Nên cá thể hoá điều trị để đạt được hiệu quả tối đa đồng thời giảm gánh nặng điều trị.
– Các phương pháp điều trị AMD thể tân mạch khác như PDT + verteporfin , Liệu pháp laser quang đông võng mạc.
pháp Không có phương điều trị nào đảo ngược những tác động của AMD thể ướt, nhưng có phương pháp điều trị nhằm ngăn bệnh phát triển nghiêm trọng.

8. Bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể ướt nếu không điều trị hay trì hoãn việc điều trị sẽ như thế nào?
– Thoái hóa hoàng điểm do tuổi có tân sinh mạch máu (thể ướt) là một thể trong giai đoạn muộn của thoái hóa hoàng điểm tuổi già. Bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể ướt có thể diễn tiến nhanh chóng gây mất thị lực trung tâm. Nếu không điều trị, hơn 50% bệnh nhân sẽ bị mù lòa trong vòng 3 năm.
– Xuất huyết dưới võng mạc: hiếm gặp nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến tổn thương tế bào cảm thụ trong vòng 24h và thoái hóa các lớp ngoài của võng mạc trong vòng 3 ngày. Hậu quả về mặt lâm sàng thường gặp là gây giảm thị lực trầm trọng
Vậy nên, bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi thể ướt cần điều trị sớm không nên trì hoãn

9. Những điều cần biết trước khi điều trị là gì?
– Là bệnh lão hóa của cơ thể chỉ có thể điều trị làm giảm tiến triển của bệnh chứ không thể chữa khỏi.
– Là bệnh nội khoa kéo dài nên bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lí và kinh tế để điều trị lâu dài.
– Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ.

10. Những điều cần biết trong khi điều trị là gì?
– Dùng thuốc nghiêm túc theo đơn của bác sĩ.
– Thực hiện tái khám đúng hẹn.
– Tăng cường dinh dưỡng cho võng mạc
+ Bổ sung các chất chống oxy hóa, vitamin, chất khoáng và các chất dinh dưỡng khác. Lutein là một chất chống oxy hóa quan trọng và tập trung với hàm lượng cao trong một hoàng điểm khỏe mạnh.
+Trái cây và rau tươi là nguồn cung cấp lutein rất tốt, đặc biệt là các loại rau lá xanh sẫm như rau dền, rau cải
+Bổ sung các axit béo Omega 3 tinh chất. Omega 3 có nhiều trong cá, các loại quả có hạt và hạt.

11. Những điều cần biết sau khi điều trị là gì?
– Khám mắt theo chỉ định của Bs để kiểm tra xem các mạch máu có bị rò rỉ hay không.
– Kiểm tra thị lực tại nhà với lưới Amsler. Nếu bệnh nhân nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào cần tái khám ngay hoặc liên hệ với Bs.
– Giảm các nguy cơ dẫn đến bệnh:
+ Không hút thuốc.
+ Tập thể dục thường xuyên.
+ Duy trì huyết áp và mức cholesterol máu ổn định trong giới hạn bình thường.
+ Duy trì chế độ ăn như trong thời gian điều trị

12. Phòng bệnh như thế nào?
– Theo dõi mắt lành: bệnh nhân wAMD có nguy cơ cao mắc wAMD ở mắt còn lại. Do đó mắt lành cần được thăm khám thường xuyên bằng OCT để đánh giá và can thiệp kịp thời
– Tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng ngừa (bỏ thuốc lá, chống béo phì,..).
– Khám mắt định kì 6 tháng/ lần để phát hiện sớm theo dõi và điều trị kịp thời.
– Giảm các nguy cơ dẫn đến bệnh:
+ Không hút thuốc.
+ Tập thể dục thường xuyên.
+ Duy trì huyết áp và mức cholesterol máu ổn định trong giới hạn bình thường.
– Kiểm tra thị lực tại nhà với lưới Amsler. Nếu bệnh nhân nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào cần đi khám ngay hoặc liên hệ với Bs
– Tự kiểm tra thị lực tại từng mắt để phát hiện tình trạng giảm thị lực nếu có vấn đề gì cần đi khám ngay hoặc liên hệ với bác sĩ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...