Phẫu thuật cắt tuyến nước bọt

1. Phẫu thuật cắt tuyến nước bọt là gì?
– Phẫu thuật cắt tuyến nước bọt là phẫu thuật cắt toàn bộ nhu mô tuyến nước bọt (đã mất chức năng) và để lại các thành phần khác như dây thần kinh đối với tuyến nước bọt mang tai.

2. Phẫu thuật cắt tuyến nước bọt có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không?

Các tuyến nước bọt chính

– Hệ thống tuyến nước bọt gồm có 3 cặp tuyến lớn, cụ thể: 2 tuyến nước bọt mang tai, 2 tuyến nước bọt dưới lưỡi, 2 tuyến nước bọt dưới hàm và nhiều tuyến phụ khác nằm rải rác trong niêm mạc miệng.
– Vì vậy khi phẫu thuật cắt 1 đến 2 tuyến nước bọt sẽ không gây ảnh hưởng tới các chức năng vì các tuyến khác sẽ bù trừ lượng nước bọt, đảm bảo chức năng của tuyến nước bọt không ảnh hưởng đối với chống quá trình tiêu hóa, lên men, viêm nhiễm, điều tiết môi trường miệng.

3. Phẫu thuật cắt tuyến nước bọt được áp dụng khi nào?
– Có sỏi tuyến nước bọt dẫn đến tình trạng mất chức năng hoàn toàn hoặc gây xơ hóa tuyến nước bọt (gặp ở đa số trường hợp).
– Do u, u hỗn hợp xâm lấn toàn bộ tuyến, gây mất chức năng tuyến nước bọt hoàn toàn.
– Những trường hợp nhiễm trùng không rõ nguyên nhân dẫn đến mất chức năng tuyến nước bọt.

4. Biến chứng nếu không phẫu thuật cắt tuyến nước bọt mang tai?
– Tuyến nước bọt bị xơ hóa, viêm đi viêm lại nhiều lần, sưng, đau, sốt, ăn uống khó khăn, gây khó chịu cho bệnh nhân.
– Tuyến nước bọt sưng to làm thay đổi diện mạo khuôn mặt, chèn ép các cơ quan xung quanh như tai, lưỡi, họng.
– Đối với trường hợp u hỗn hợp tuyến nước bọt nếu không điều trị sẽ tiến triển từ lành tính sang ác tính.
– Khi cơ thể đề kháng kém, ổ nhiễm trùng từ tuyến nước bọt có thể bùng phát dẫn đến nhiễm trùng máu, bệnh nhân có thể tử vong.

5. Phương pháp thực hiện khi phẫu thuật cắt tuyến nước bọt mang tai?
– Phương pháp vô cảm: Gây mê được sử dụng trong hầu hết trường hợp.
– Đối với tuyến nước bọt hàm trên (Phương pháp mổ Redon): Đường mổ đi bờ sau ngành lên xương hàm dưới, phẫu thuật đảm bảo bảo tồn dây thần kinh VII để tránh liệt mặt.
– Đối với tuyến dưới hàm: Chú trọng đến dây thần kinh lưỡi và tĩnh mạch lưỡi.

6. Thời gian thực hiện phẫu thuật cắt tuyến nước bọt mang tai?
– Đối với tuyến nước bọt hàm trên thời gian thực hiện từ 2 giờ 30 phút – 4 giờ.
– Đối với tuyến nước bọt hàm dưới thời gian thực hiện từ 40 phút – 1h30 phút.

7. Những điều bệnh nhân cần thực hiện trước phẫu thuật để đảm bảo an toàn
– Trong thời gian điều trị, nếu muốn sử dụng các lọai thuốc, thực phẩm chức năng ngoài y lệnh cần phải xin ý kiến của bác sỹ.
– Phải làm đầy đủ các xét nghiệm trước mổ như: Công thức máu, chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận, HIV, viêm gan B, chụp phim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim.
– Phải nhịn ăn uống hoàn toàn trước mổ (kể cả uống nước, sữa, café, kẹo cao su) ít nhất 6h, để tránh biến chứng trào ngược thức ăn gây sặc, ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình mổ. Nếu đã lỡ ăn uống thì phải báo lại nhân viên y tế.
– Cởi bỏ tư trang cá nhân, răng giả, kính áp tròng, lông mi giả (nếu có) giao cho người nhà giữ hoặc nếu không có người nhà có thể ký gửi tại phòng hành chính khoa.
– Cắt ngắn và tẩy sạch sơn móng tay chân (nếu có), búi tóc gọn gàng đối với nữ, cạo râu sạch sẽ đối với nam.
– Đi tiểu trước khi chuyển mổ.
– Không xóa ký hiệu đánh dấu vị trí vết mổ.

8. Những điều bệnh nhân cần lưu ý sau khi ra viện?
8.1. Cách sử dụng thuốc
– Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện.
– Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: Ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở,… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.

8.2. Cách chăm sóc vết mổ

Chăm sóc, thay băng vết thương ngày 1 lần

– Thay băng ngày 1 lần tại bệnh viện hoặc có thể đăng ký dịch vụ thay băng tại nhà của BV Gia Đình để được bác sỹ và điều dưỡng theo dõi tình trạng vết thương. Hoặc rửa vết thương tại cơ sở y tế địa phương nếu nhà bệnh nhân ở xa bệnh viện.
– Lưu ý phải giữ vết mổ sạch và khô, nếu bị ướt phải thay băng ngay.
– Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau khoảng 7-10 ngày kể từ ngày phẫu thuật.

8.3. Dinh dưỡng

Tăng cường chất dinh dưỡng cho cơ thể

– Ăn uống bình thường, tăng cường chất dinh dưỡng như:
+ Các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, phòng ngừa táo bón như: khoai lang, chuối, đu đủ, các loại rau sữa chua lên men.
+ Các thực phẩm chứa nhiều vitamin C: cam, dâu tây, việt quất, súp lơ, ớt chuông, cà chua.
+ Các thực phẩm chứa nhiều chất oxy hóa và chất khoáng như: Rau có màu xanh đậm, hải sản, hạnh nhân các loại đậu, các loại hạt ngũ cốc.
+ Thực phẩm chứa protein và omega-3: Cá, trứng, hải sản, sữa.
– Tránh các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá (vì các thực phẩm này làm chậm lành vết thương).
– Không ăn nội tạng động vật, thức ăn nhanh và đồ ăn có nhiều dầu mỡ.

8.4. Sinh hoạt và vận động
– Khi tắm lưu ý không để nước dính vào vết thương.
– Tăng cường tập luyện thể dục nhẹ nhàng sau mổ 1 tuần: đi bộ, bơi lội, dưỡng sinh,…
– Tránh lao động nặng trong vòng 1 tháng sau mổ.
– Tái khám sau khi uống hết thuốc để kiểm tra tình trạng bệnh.
– Tái khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như: vết mổ sưng nề, chảy dịch, sốt.

Với đội ngũ Bác sỹ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại, Đơn vị Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã và đang chăm sóc sức khỏe răng miệng cho rất nhiều người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Nha khoa Family:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...