Phẫu thuật thành công cho sản phụ 33 tuần mắc nguy cơ hiếm gặp: Xoắn phần phụ trong thai kỳ

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình đã tiếp nhận trường hợp sản phụ H.H.M. (32 tuổi), mang thai lần đầu ở tuần thứ 33, nhập viện trong tình trạng đau bụng hố chậu phải liên tục suốt 03 giờ. Qua thăm khám ban đầu và hình ảnh siêu âm cho thấy thai nhi phát triển bình thường, tuy nhiên buồng trứng phải phù nề và to bất thường (8x7cm). Sản phụ cũng cho biết tiền sử từng được chẩn đoán và theo dõi hội chứng buồng trứng đa nang, trong thai kỳ chưa ghi nhận nguy cơ nổi bật nào. 

Đáng chú ý, tình trạng của chị M. không thuyên giảm dù đã sử dụng thuốc giảm đau, mức độ không tương xứng với các dấu hiệu dọa sinh non. Nhận định đây có thể là trường hợp nguy cơ xoắn buồng trứng không loại trừ bệnh lý ngoại khoa, đặc biệt là ruột thừa viêm, ThS.BS. Nguyễn Thị Thanh Loan – Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình đã hội chẩn cùng các bác sỹ Ngoại khoa và quyết định mổ nội soi chẩn đoán cũng như giải quyết nguyên nhân. Đồng thời, phối hợp cùng bác sỹ Nhi sơ sinh để xử trí kịp thời nguy cơ sinh non và đảm bảo an toàn cho em bé.

Phần phụ phải kích thước lớn – xoắn hoại tử

Quá trình phẫu thuật kéo dài hơn 30 phút, ghi nhận phần phụ phải xoắn hoại tử, phù nề và không thể phục hồi. Do tử cung quá lớn gây cản trở khả năng can thiệp và đánh giá mức độ tổn thương, ekip mổ quyết định mở đường McBurney để kẹp cắt cuống buồng trứng và vòi trứng. 

Tổn thương xoắn hoại tử phần phụ phải và đường mổ mini-lap xử trí tổn thương

Hậu phẫu thuật, sản phụ được theo dõi sát sao tim thai, cơn gò tử cung, đồng thời điều trị nội tiết, kháng sinh và giảm gò tích cực. Đánh giá thấy sức khỏe của cả mẹ và thai nhi đều ổn định, chị M. đã được xuất viện sau 05 ngày.

ThS.BS. Nguyễn Thị Thanh Loan thăm hỏi sức khỏe sản phụ trước khi xuất viện

ThS.BS. Nguyễn Thị Thanh Loan – Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình cho biết: Xoắn phần phụ trong thai kỳ là tình trạng hiếm gặp (dao động 3-5/10.000 ca) và tần suất càng thấp ở quý III thai kỳ do thai chiếm phần lớn thể tích ổ bụng, không gian hẹp khiến phần phụ khó xoắn. Nếu không xử trí kịp thời, xoắn phần phụ có thể gây hoại tử phần phụ, rối loạn đông máu và ảnh hưởng đến thai nhi như dọa sảy, sinh non, thai lưu…, thậm chí ảnh hưởng chức năng sinh sản của người mẹ.

Bên cạnh đó, bác sỹ cũng khuyến cáo những sản phụ có nguy cơ trước sinh như thai kỳ có hỗ trợ sinh sản (kích thích buồng trứng, hội chứng quá kích buồng trứng…), bệnh lý làm thay đổi kích thước phần phụ (buồng trứng đa nang, nang thực thể buồng trứng…) hoặc có tiền sử xoắn buồng trứng cần được tầm soát nguy cơ và khám thai định kỳ. Ngay khi có những triệu chứng bất thường như đau bụng đột ngột, có hoặc không có rối loạn đại tiện, sản phụ cần nhận biết sớm và nhanh chóng tiếp cận các cơ sở y tế để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.


Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình