Quai bị: Những điều cần biết

1. Bệnh quai bị là gì?
– Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Paramyxovirus gây ra.
– Đặc trưng của bệnh là sưng đau tuyến nước bọt (chủ yếu là tuyến mang tai), làm sưng, đỏ, đau cả vùng má, trước tai và sau tai, đôi khi kèm viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, viêm tụy và một số cơ quan khác.
– Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng tập trung nhiều nhất là ở trẻ từ 6 đến 10 tuổi, tỷ lệ trẻ nam mắc bệnh nhiều hơn nữ.
– Cao điểm mắc bệnh quai bị là vào mùa đông xuân.
– Bệnh có thể lây từ người nhiễm bệnh sang người khác chủ yếu qua đường hô hấp.

2. Những triệu chứng của bệnh là gì?
– Sốt: Xuất hiện sau khi tiếp xúc với virus từ 14-24 ngày, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, đôi khi rét run.
– Viêm tuyến mang tai:
+ Lúc đầu sưng một bên, sau 1-2 ngày sưng bên còn lại.
+ Nước bọt ít, đặc quánh, da vùng tuyến mang tai bị sưng căng, bóng, sờ nóng, đau, không đỏ, ấn không lõm.
+ Bệnh nhân đau hàm khi há miệng, nhai, nuốt, họng viêm đỏ, sưng hạch góc hàm. Có thể kèm viêm tuyến dưới lưỡi, dưới hàm.
– Triệu chứng khác: Người bệnh cảm giác mỏi mệt, ăn uống kém, đau họng và đau góc hàm.

Trẻ sẽ cảm thấy sưng. đỏ. đau cả vùng má, trước và sau tai

3. Bệnh quai bị tiến triển như thế nào?
– Bệnh quai bị nhìn chung lành tính, thường tự khỏi trong vòng 10 ngày.
– Bệnh nhân hết sốt sau 3-4 ngày và tuyến nước bọt hết sưng trong 8-10 ngày, đối với hạch ở góc hàm thì thời gian hết sưng kéo dài hơn một vài ngày.
– Tuyến nước bọt sẽ không bị teo và hóa mủ, trừ trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn.
– Sau khi bị quai bị, người bệnh sẽ có đáp ứng miễn dịch bền vững, giúp không nhiễm bệnh lần thứ hai.

4. Bệnh quai bị gây ra những biến chứng nào?
– Viêm tụy.
– Viêm tuyến sinh dục (tinh hoàn, mào tinh hoàn, buồng trứng).
– Viêm màng não.
– Viêm cơ tim.
Trong đó biến chứng thường gặp và gây lo lắng nhất là viêm tuyến sinh dục, đặc biệt là viêm tinh hoàn, vì có thể dẫn tới vô sinh ở nam giới.

5. Quai bị được điều trị như thế nào?
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, nên điều trị chủ yếu là: điều trị triệu chứng và phát hiện biến chứng có thể xảy ra. Nếu chưa có biến chứng, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà:
– Hạ sốt, giảm đau tuyến mang tai: Acetaminophen 10-15mg/kg x 4 lần/ngày.
– Chế độ ăn dễ nuốt.
– Nghỉ ngơi, hạn chế đi lại.
– Chăm sóc răng miệng.
Nếu đã xuất hiện biến chứng thì bắt buộc bệnh nhân phải điều trị nội trú tại bệnh viện.
Tùy theo loại biến chứng mà bác sỹ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.

6. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh quai bị?
– Tránh tiếp xúc, cách ly người bệnh để hạn chế lây lan.
– Miễn dịch chủ động bằng tiêm vắc-xin quai bị là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay. Vắc-xin quai bị có thể ở dạng đơn độc hoặc dạng phối hợp vắc-xin sởi-quai bị-rubella. Vắc-xin có thể tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn chưa có miễn dịch, đặc biệt là những người có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh cao như người làm việc trong các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học; người làm việc trong các cơ sở y tế.
– Miễn dịch thụ động: sử dụng Globuline miễn dịch chống quai bị.

7. Bố mẹ cần đưa trẻ tái khám trong trường hợp nào?
– Trẻ có biểu hiện sưng đau tinh hoàn.
– Tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn.
– Đau nhức đầu, kích thích, quấy khóc hoặc lơ mơ, co giật.
– Có bất thường ở mắt, tai và các cơ quan khác.

Khoa Nhi – Bệnh viện ĐK Gia Đình thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em từ sơ sinh đến lứa tuổi thiếu niên. Đội ngũ y bác sỹ tận tâm, giàu kinh nghiệm, hiểu rõ tâm lý và những nỗi sợ của các bé. Với sự hỗ trợ của trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, phòng bệnh tiện nghi, thoáng mát cùng không gian thân thiện, gần gũi, giúp các bé cảm thấy thoải mái, quên đi nỗi sợ và vững tâm lý khi điều trị tại đây. Family sẽ là gia đình và là người bạn thân của bé!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...