1. Tại sao bạn cần cai thuốc lá?
Khói thuốc lá chứa hơn 7000 chất.
Trong đó có hàng trăm chất độc hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư cùng với các chất gây nghiện, chia ra làm 4 nhóm chính:
* Nicotine
– Mỗi một điếu thuốc, người hút trung bình đưa vào cơ thể 1 đến 2 mg nicotine
– Nicotine tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây ra tình trạng nghiện thuốc lá và các tác động tâm thần kinh như cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn.
* Monoxide carbon (khí CO)
– Khí CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá được hấp thụ vào máu, gắn với hemoglobin với ái lực gấp 210 lần oxy.
– CO chiếm chỗ của oxy trên hồng cầu khiến cho một lượng hồng cầu trong máu mất chức năng vận chuyển O2, hậu quả là cơ thể không đủ oxy để sử dụng.
* Các phần tử nhỏ trong khói thuốc lá
– Khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ.
– Những chất này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng tiết nhầy và giảm hiệu quả bảo vệ đường thở của thảm nhày-lông phế quản.
– Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc.
* Các chất gây ung thư
– Khoảng 70 chất có tính chất gây ung thư có trong thuốc lá, có thể kể đến: hợp chất thơm có vòng đóng, Benzopyrene hay các Nitrosamine.
– Các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản và sau đó là ác tính hoá.
2. Tác hại của hút thuốc lá đến sức khoẻ
2.1. Hút thuốc chủ động
– Hút thuốc là nguyên nhân gây nên nhiều loại ung thư. Trong đó, nặng nề nhất là ung thư phổi. 90% số trường hợp ung thư phổi là người hút thuốc trực tiếp và 5% là hút thuốc lá gián tiếp.
– Ngoài ra còn có nguy cơ mắc ung thư thực quản, thanh quản, miệng, thận, bàng quang,…
– Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên gấp 2 – 3 lần.
– Khói thuốc có thể gây ra loạn nhịp tim, tăng huyết áp, làm giảm tác dụng của các thuốc điều trị tăng huyết áp.
– Là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và làm cho bệnh tiến triển nhanh hơn.
– Hút thuốc làm cho bệnh hen nặng lên, tỉ lệ tử vong ở người bị hen đang hoặc đã từng hút thuốc cao hơn 2 lần so với những người không hút thuốc.
– Những người hút thuốc hay bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn những người không hút thuốc và thường bị nặng hơn.
– Thuốc là làm giảm khả năng sinh dục, tăng nguy cơ vô sinh ở cả nam và nữ
Ngoài ra, người hút thuốc có nguy cơ cao hơn:
+ Mắc bệnh lao.
+ Mắc bệnh cúm.
+ Khó thở.
+ Vàng răng, các bệnh về lợi (nướu) và sâu răng.
+ Phát triển nhiều nếp nhăn.
+ Mắc bệnh loãng xương.
+ Mắc bệnh đục thủy tinh thể
+ Mắc bệnh bất lực
+ Mắc bệnh tiểu đường
2.2 Hút thuốc thụ động
– Người lớn: tăng nguy cơ bệnh mạch vành lên 25 – 30%, tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 82%, tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20 – 30%. Phụ nữ mang thai có thể bị sảy thai.
– Trẻ em:
+ Là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tai mũi họng, giảm thính lực ở trẻ nhỏ và gây đột tử ở trẻ sơ sinh.
+ Thai phụ hút hoặc hít khói thuốc lá trong thai kỳ có thể làm thai chậm tăng trưởng, sảy thai, sinh non.
3. Lợi ích của việc cai thuốc lá
– Tỷ lệ tử vong của người cai thuốc lá giảm về mức của người không hút thuốc lá tương ứng từng thời điểm cai thuốc, càng sớm càng tốt.
– Tuổi thọ sẽ tăng thêm 3, 6, 9, 10 năm nếu người hút thuốc lá cai thuốc lá từ năm 60, 50, 40, 30 tuổi.
– Cai thuốc lá giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc lá:
+ Nguy cơ ung thư phế quản giảm 50-90% sau 15 năm
+ Nguy cơ ung thư hầu họng và đường tiêu hóa trở về bình thường sau 10 năm
+ Nguy cơ tai biến mạch máu não trở về bình thường sau 1 năm
+ Nguy cơ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giảm 50% sau 15 năm
Đối với người hút thuốc lá đã mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá, cai thuốc lá giúp làm chậm diễn tiến của bệnh:
– Giảm 50% nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim và đột tử sau nhồi máu cơ tim sau 1 năm và trở về mức bình thường sau 5 năm.
– Tốc độ sụt giảm chức năng phổi sẽ về bình thường ngay khi cai thuốc lá.
– Cai thuốc lá giúp tăng hiệu quả thuốc điều trị: giúp phục hồi tính nhạy cảm với corticoid trong hen, tăng hiệu quả của điều trị kháng giáp tổng hợp trong cường giáp.
– Cai thuốc lá càng sớm thì hiệu quả về mặt sức khỏe càng cao, dù cai thuốc lá ở tuổi 70-80 vẫn mang lợi ích cho sức khỏe rõ ràng
=> Vì vậy dù bây giờ bạn bao nhiêu tuổi, bạn đã hút thuốc lá bao lâu, thì cũng có thể cai thuốc lá ngay để có được sức khỏe tốt hơn
4. Những dấu hiệu thường gặp và cách xử trí trong quá trình cai thuốc lá
– Thèm thuốc => cảm giác cực kỳ thèm thuốc thường chỉ kéo dài 1-5 phút. Hãy thực hiện một công việc hay bài tập cho đến khi cảm giác đó giảm đi như uống nước, tập thở sâu…
– Mất tập trung => hãy làm việc từ từ, đừng quá cố gắng trong vài ngày. Tập thể dục nhiều hơn, làm việc thời gian ngắn hơn xen kẽ với thời gian giải lao nhiều hơn.
– Ho => Nhấp từng ngụm nước ấm sẽ có thể làm giảm ho và việc ho này sẽ tự hết sau 1 đến 2 tuần.
– Căng thẳng và cáu kỉnh => Đi bộ, ngâm trong nước ấm, và làm vài động tác thư giãn, có thể trò chuyện với người thân về cảm giác của mình.
– Buồn rầu, trì trệ => thực hiện bài tập đơn giản như là đi bộ nhanh 5-10 phút. Tình trạng này sẽ hết dần dần, không nên lo lắng.
– Tăng cân => Chia khẩu phần ăn thành 6 bữa nhỏ và uống nhiều nước, ăn bữa nhỏ bằng thức ăn ít năng lượng như là cà rốt, hoa quả, trái cây,…
– Kết hợp với tập thể dục thường xuyên, ưu tiên các bài tập nâng cao sức bền: chạy bộ, cử tạ hoặc bơi lội
– Khó ngủ => tắt thiết bị điện tử 1-2 giờ trước khi ngủ, không dùng tivi và điện thoại thay vào đó nên đọc sách, nghe nhạc. Không sử dụng chất kích thích: rượu bia, hãy dùng sữa nóng, ngâm mình trong nước ấm trước ngủ, có thể đi dạo 15p, tập yoga.
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn tổ chức tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam, Bộ Y Tế
2. Tài liệu của Trung tâm truyền thông, giáo dục sức khỏe, TP Hồ Chí Minh