Rối loạn nuốt

Định nghĩa

Rối loạn nuốt là một thuật ngữ dùng để chỉ sự suy giảm hoặc rối loạn các giai đoạn miệng, hầu hoặc thực quản của quá trình nuốt, ảnh hưởng đến khả năng ăn hoặc uống an toàn.
Rối loạn nuốt bản thân nó không phải là một bệnh mà là hậu quả thứ phát của các bệnh lý có nguồn gốc thần kinh, ung bướu, cấu trúc, tâm lý, hậu phẫu, bẩm sinh hoặc do điều trị.

Dấu hiệu và Triệu chứng

  1.  Giai đoạn miệng:
    • Tồn đọng thức ăn trong miệng
    • Chảy nước dãi
    • Trào ngược miệng/ mũi
  2. Giai đoạn hầu:
    • Chảy nước dãi
    • Trào ngược qua mũi
    • Khó khăn trong khởi đầu nuốt/ trì hoãn quá trình nuốt
    • Ho hoặc sặc trong khi nuốt
    • Thay đổi giọng nói hay tốc độ sau khi nuốt
    • Ho chủ động không hiệu quả
    • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  3. Giai đoạn thực quản:
    • Chảy nước dãi
    • Viêm phổi gần đây
    • Sụt cân không rõ nguyên nhân
    • Thay đổi thói quen ăn uống

Ảnh hưởng của Rối loạn nuốt

Vấn đề sức khỏe

  • Biến chứng phổi: Viêm phổi hít sặc
  • Suy dinh dưỡng (16 – 40%)
  • Mất nước
  • Chất lượng cuộc sống kém
  • Tử vong

Các vấn đề liên quan

  • Kéo dài thời gian nằm viện
  • Kết quả phục hồi chức năng kém
  • Tăng khối lượng công việc cho nhân viên y tế

Vấn đề xã hội

  • Thay đổi thói quen ăn uống và lựa chọn thức ăn
  • Giảm sự độc lập
  • Giảm sự tham gia các hoạt động xã hội

Vấn đề tâm lý

  • Tự ti
  • Lo âu
  • Trầm cảm
  • Cảm giác bị phụ thuộc

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Mục tiêu chính

  1. Tạo tư thế ăn hợp lý cho người bệnh
  2. Cải thiện kiểm soát vận động trong mỗi giai đoạn của quá trình nuốt
  3. Duy trì dinh dưỡng đầy đủ
  4. Phòng ngừa các biến chứng
  5. Thiết lập lại khả năng ăn uống an toàn bằng miệng, tối ưu khả năng của người bệnh
  6. Giảm gánh nặng bệnh nhân và người chăm sóc đồng thời tối đa hóa chất lượng cuộc sống của bệnh nhân

Phương pháp điều trị

2.1. Kỹ thuật bù trừ

Kỹ thuật bù trừ được định nghĩa là những kỹ thuật khi được áp dụng sẽ ngay lập tức cải thiện một cách hiệu quả hoặc tạo sự an toàn trong việc nuốt nhưng chỉ mang tính nhất thời. Người ta phân loại các kỹ thuật bù trừ theo một số dạng sau đây:

Thay đổi tư thế:

+ Gập cằm xuống: giúp các cấu trúc phía trước dịch chuyển ra sau, gây hẹp đường đi vào thanh quản, giảm khoảng cách giữa nắp thanh môn và vách hầu giúp bảo vệ đường thở.

+ Ngước cằm lên: Sử dụng trọng lực để đưa thức ăn từ miệng xuống hầu.

+ Đầu xoay về bên yếu: Đóng bên yếu và hướng thức ăn về bên mạnh, tạo lực ép lên thành bên của thanh quản.

+ Đầu nghiêng sang bên mạnh: Sử dụng trọng lực để giữ thức ăn bên mạnh của miệng và hầu

+ Nằm xuống: Thay đổi ảnh hưởng của trọng lực lên chất đọng lại. Có ích khi có tình trạng đọng trong hầu sau nuốt, vì giảm nâng thanh quản hoặc giảm co cơ hầu 2 bên.

– Gia tăng nhận thức về cảm giác: Hữu ích khi các rối loạn cảm giác gây ra chậm khởi động giai đoạn miệng, chậm kích hoạt giai đoạn hầu của nuốt do kích hoạt giai đoạn hầu của nuốt và giảm thời gian của giai đoạn vận chuyển trong miệng bằng cách tác động như một kích thích đánh thức cuống não và các trung tâm ở vỏ não.

– Thúc đẩy cảm giác bao gồm:
+ Kích thích xúc giác nhiệt
+ Viên thức ăn chua
+ Viên thức ăn có kết cấu
+ Viên thức ăn lạnh.
+ Viên thức ăn cac-bon hóa

2.2. Kỹ thuật phục hồi chức năng

Kỹ thuật phục hồi chức năng được định nghĩa là những kỹ thuật điều trị, được thực hiện dẫn đến thay đổi sinh lý của cơ chế nuốt. Có thể phân loại như sau:

•   Các bài tập vận động miệng

– Mục đích: tăng sức mạnh, độ bền cơ vân của lưỡi, môi, hàm.
– Động tác lặp lại: thụ động, tích cực, đối kháng, lặp đi lặp lại.

•   Các bài tập làm sạch họng và giảm tồn đọng: Nuốt gắng sức, nuốt trên thanh môn, nuốt siêu trên thanh môn, nghiệm pháp Masako, nghiệm pháp Mendelson, bài tập Shaker.

•   Các bài tập khép dây thanh.

2.3. Phản hồi sinh học (Biofeedback)

Là một phương pháp điều trị sử dụng các thiết bị cho phép cá nhân tập luyện thay đổi hoạt động sinh lý nhằm mục đích cải thiện tình trạng sức khỏe và các hoạt động tự động. Các thiết bị này đo lường một cách chính xác hoạt động sinh lý như sóng não, điện tim, nhịp thở, hoạt động co cơ, và nhiệt độ da. Sau đó, phản hồi lại thông tin một cách nhanh chóng và chính xác cho người sử dụng. Việc hiển thị các thông tin này – những thay đổi sinh lý thường xảy ra cùng với những thay đổi trong suy nghĩ, cảm xúc và hành vi –  thúc đẩy việc mong muốn thay đổi các hoạt động sinh lý. Qua thời gian, những thay đổi này có thể được duy trì mà không cần dùng thêm bất kỳ hỗ trợ nào nữa.

Điện cơ bề mặt (Surface electromyography) là thiết bị có thể cung cấp phản hồi sinh học cho người bệnh nhằm giúp việc tập nuốt có hiệu quả hơn. Thiết bị điện cơ bề mặt sử dụng các điện cực đặt trên bề mặt da để ghi lại các tín hiệu điện cơ khi co cơ; Sau đó, chuyển tải lại dưới dạng hình ảnh. Từ đó giúp người bệnh có thể kiểm soát hoạt động của các nhóm cơ này một cách chủ động.
Sử dụng điện cơ bề mặt trong điều trị rối loạn nuốt giúp cải thiện tốc độ, sức mạnh và sự phối hợp cần thiết của các nhóm cơ hầu họng trong quá trình nuốt.

2.4. Thủ thuật xâm lấn      

*  Không cho ăn bằng đường miệng

– Các phương thức cho ăn qua ruột (Enteral feeding option)
+ Ống sonde miệng – dạ dày (Orogastric – Tube)
+ Ống sonde mũi – dạ dày (Nasogatric – Tube)
+ Mở dạ dày qua da qua nội soi (Percutaneous endoscopic gastrotomy)
+ Mở hỗng tràng qua da qua nội soi (Percutaneous endoscopic jejunostomy)
– Nuôi dưỡng hoàn toàn ngoài ruột (Total parenteral nutrition – TPO).

*  Điều trị ngoại khoa

– Điều trị hít phải dị vật:
+ Cắt cơ nhẫn hầu.
+ Đưa nếp thanh âm vào giữa.
+ Tiêm Botox.
– Điều trị hít phải dị vật kháng trị:
+ Cắt bỏ thanh quản.
+ Đặt ống nội thanh quản.
– Điều trị hít phải dị vật có tiềm năng phục hồi:
+ Vạt đóng nắp thanh môn.
+ Đóng thanh môn.
+ Chuyển hướng khí quản – thực quản
+ Tách thanh quản – khí quản.

2.5. Điều trị thuốc

– Dùng Atropin để làm giảm chảy nước bọt nhưng khiến bệnh nhân khó nuốt nhiều hơn.

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN RỐI LOẠN NUỐT

Thức ăn của người bệnh cần được nấu mềm, cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn nếu người bệnh khó nhai, khó nuốt. Tránh các thức ăn xơ cứng, khô, kích thước lớn, thức ăn dễ dính vào răng, nướu. Chỉ nên cho người bệnh ăn uống khi tỉnh táo, ăn từng muỗng nhỏ ăn chậm, hỗ trợ nếu người bệnh khó mở miệng, nhắc nhở nếu người bệnh ngậm thức ăn lâu.

Khi ăn, người bệnh ngồi thẳng, vuông góc ở hông, đầu gối và cổ chân, bàn chân chạm sàn hoặc kê trên bục, không để chân lơ lửng. Nếu người bệnh không ngồi được nên điều chỉnh đầu giường lên cao hoặc đỡ người bệnh ngồi, chêm gối để người bệnh ngồi ăn được thoải mái, đúng tư thế. Sau khi ăn nên ngồi hoặc đi lại khoảng 30 phút để tránh trào ngược thức ăn. Chú ý vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân, nếu không thể đánh răng được có thể dùng gạc rơ lưỡi và nước muối sinh lý để làm sạch.