Rối loạn nuốt là một di chứng rất thường gặp sau tai biến mạch máu não, không chỉ gây ra khó khăn trong ăn uống, rối loạn nuốt còn gây ra các biến chứng nguy hiểm như hít sặc, viêm phổi, khó thở,… đưa người bệnh đối mặt với việc nguy hiểm đến tính mạng
1. Rối loạn nuốt là gì?
Rối loạn nuốt là một thuật ngữ dùng để chỉ sự suy giảm hoặc rối loạn các giai đoạn của quá trình nuốt, có thể xảy ra ở miệng, hầu hoặc thực quản với nhiều mức độ khác nhau. Có thể hiểu đơn giản, rối loạn nuốt là tình trạng người bệnh phải mất nhiều thời gian và nỗ lực hơn để thức ăn đi từ miệng đến dạ dày.
Bản chất rối loạn nuốt không phải là một bệnh mà là hậu quả xảy ra sau khi mắc các bệnh lý có nguồn gốc thần kinh, ung bướu, tâm lý, hậu phẫu,… hoặc do tai biến trong quá điều trị các bệnh lý khác.
Rối loạn nuốt gây cảm giác khó hoặc không thoải mái khi nuốt, làm ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và an toàn của bệnh nhân.
2. Rối loạn nuốt sau tai biến mạch máu não
Rối loạn nuốt sau tai biến mạch máu não (TBMMN) là tình trạng xảy ra trong giai đoạn cấp (tuần đầu tiên) của tai biến mạch máu não và có thể kéo dài qua giai đoạn bán cấp hoặc giai đoạn mạn tính do các tổn thương não không hồi phục.
3. Các dấu hiệu nào cho thấy người bệnh sau TBMMN có nguy cơ rối loạn nuốt?
– Khó thở khi cho ăn, có thể được báo hiệu bởi:
+ Nhịp thở tăng, thở nhanh
+ Thay đổi màu da
+ Ngưng thở tạm thời
+ Thường xuyên dừng lại khi nhai nuốt
+ Ho và/hoặc nghẹt thở trong hoặc sau khi nuốt
+ Giảm phản ứng trong khi cho ăn
– Khó nhai thức ăn
– Khó bắt đầu nuốt
– Khó kiểm soát nước bọt
– Không muốn/từ chối ăn uống thể hiện bằng cách nhăn mặt, đỏ bừng mặt, xoè ngón tay hoặc quay đầu đi khỏi nguồn thức ăn, bịt miệng.
– Thường xuyên mắc bệnh đường hô hấp
– Phun, nhả thức ăn, chất lỏng trong khi ăn
– Giọng nói ướt hoặc tiếng thở ồn trong hoặc sau khi ăn
– Mất nhiều thời gian hơn để kết thúc bữa ăn (thời gian lâu hơn 30 phút cho mỗi bữa ăn chính hoặc có thể ít hơn đối với các bữa ăn phụ)
– Tiếng thở ướt/ thở khò khè/ngáy.
4. Nguy cơ mắc rối loạn nuốt sau tai biến mạch máu não
Rối loạn nuốt là một di chứng thường gặp sau tai biến mạch máu não.
Trong quá trình diễn tiến của bệnh lý tai biến mạch máu não, có khoảng 25% – 50% người bị rối loạn nuốt vào những thời điểm khác nhau.
Ở giai đoạn cấp của tai biến mạch máu não, rối loạn nuốt có thể gây ra:
– Hít sặc: ở 30% – 51% người bệnh
– Hít sặc thầm lặng: 8% – 27% người bệnh
5. Nguy cơ nào có thể xảy đến với người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời?
– Vấn đề sức khỏe:
+ Biến chứng hô hấp
+ Suy dinh dưỡng
+ Mất nước
+ Chất lượng cuộc sống giảm
+ Tử vong
– Tâm lý
+ Tự ti, cảm giác phụ thuộc
+ Trầm cảm
– Chăm sóc:
+ Tăng thời gian nằm viện
+ Kết quả phục hồi kém
+ Tăng chi phí điều trị
– Vấn đề xã hội
+ Giảm tính độc lập
+ Không hòa nhập với xã hội
6. Làm thế nào để biết người bệnh sau TBMMN có rối loạn nuốt hay không?
Đưa người bệnh đến các cơ sở y tế có chuyên khoa khám và điều trị rối loạn nuốt để được bác sỹ thăm khám, đánh giá, tiên lượng và lập kế hoạch phục hồi chức năng toàn diện.
Quá trình thăm khám sẽ bao gồm:
– Khai thác thông tin bệnh sử
– Đánh giá hành vi, nhận thức, khả năng ngôn ngữ
– Thăm khám khoang miệng, hầu, thanh quản: cấu trúc, vận động, cảm giác
– Khả năng nuốt của người bệnh
– Sử dụng các thiết bị đánh giá: VFSS, FEES
Tìm hiểu thêm về rối loạn nuốt và cách chẩn đoán rối loạn nuốt:
7. Bác sỹ Phục hồi chức năng sẽ giúp gì cho người bị rối loạn nuốt?
Bác sỹ sẽ thăm khám và đánh giá mức độ rối loạn nuốt cho người bệnh bằng thang điểm MASA, từ đó:
– Chỉ định tư thế ăn uống phù hợp để cải thiện khả năng nuốt.
– Cho người bệnh thực hiện các bàn tập phục hồi phù hợp, có thể tập tay hoặc kết hợp với máy phản hồi sinh học.
– Hướng dẫn các bài tập phù hợp để có thể thực hiện được tại nhà.
– Đánh giá độ đặc của thức ăn mà bệnh nhân có thể ăn an toàn và hướng dẫn người nhà chế biến thức ăn với mức độ tương ứng, giúp hạn chế nguy cơ sặc khi ăn uống.
– Hướng dẫn cách nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm trong quá trình ăn uống và cách xử trí phù hợp.
Bệnh nhân đang được tập nuốt bằng máy Biofeedback tại Đơn vị Đông y – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình
8. Gia đình có thể làm gì để giúp cho người bệnh cải thiện tình trạng rối loạn nuốt?
Gia đình có thể hỗ trợ người bệnh cải thiện rối loạn nuốt bằng cách:
– Thay đổi tư thế đúng khi ăn uống
– Chế biến các món ăn phù hợp với tình trạng nuốt theo hướng dẫn của bác sỹ.
– Hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các bài tập hàm, lưỡi, cơ vùng cổ họng và phát âm trước mỗi bữa ăn theo hướng dẫn của Bác sĩ.
Để được tư vấn và điều trị tình trạng rối loạn nuốt, vui lòng liên hệ:
Đơn vị Đông y – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình
Tổng đài CSKH 1900 2250
Đặt lịch TẠI ĐÂY
Tài liệu tham khảo:
1. ASHA, Pediatrics feeding and swallowing.
2. Susan P Chacko1 , Anagha A Joshi2 , Vaishnavi R Sangle3 , Devika S Arora4 , Rishidhar A Dubey5 (2021). Incidence of Dysphagia in Acute Stroke Patients: An Early Screening and Management. International Journal of Phonosurgery & Laryngology, Volume 11 Issue 2.
3. Lê Thị Phương Dung (2019), Đại cương về rối loạn nuốt, Tài liệu đào tạo theo nhu cầu, Bệnh viện Bạch Mai.