Sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh bằng nghiệm pháp đo âm ốc tai (oae)

1. Âm ốc tai và đo âm ốc tai là gì?
Ốc tai nằm ở tai trong, khi có âm thanh từ bên ngoài tác động vào ốc tai thì ốc tai phản ứng lại bằng những âm thanh rất nhỏ. Âm thanh này phát ra do sự rung động của tế bào lông ngoài của cơ quan Corti nằm trong ốc tai. Những âm thanh này gọi là âm ốc tai (Otoacoustic emisson).

Độ chính xác của nghiệm pháp đo âm ốc tai (OAE)
Kết quả đo OAE bao gồm: đạt (bình thường) và nghi ngờ. Phương pháp đo OAE có độ chính xác khoảng 80-85%. Trong số trẻ được chẩn đoán nghe tốt bằng phương pháp này thì tỷ lệ sai sót là 15%.

Nguyên nhân của sai sót này là do nghiệm pháp OAE chỉ phát hiện được trẻ bị điếc do tổn thương ốc tai, không phát hiện được trẻ bị điếc do tổn thương sau ốc tai (tổn thương thần kinh thính giác). Tuy nhiên, theo thống kê, tỉ lệ điếc sau ốc tai ở trẻ sơ sinh chỉ gặp khoảng 15 % nên OAE vẫn là nghiệm pháp hàng đầu dùng để sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh.

Đo OAE được thực hiện từ 24 – 72 giờ đầu sau khi trẻ chào đời

2. Ưu điểm của nghiệm pháp đo OAE là gì?
– Phát hiện sớm khiếm thính ở trẻ sơ sinh.
– Thiết bị nhỏ gọn.
– Cách tiến hành đơn giản, nhanh.
– Không gây đau đớn cho trẻ.
– Người thân được ở bên cạnh trẻ khi đo.
– Kết quả nhanh và độ chính xác cao.
– Ít tốn kém.

3. Đo OAE được thực hiện như thế nào?
3.1. Thời điểm đo OAE
– Được thực hiện vào thời điểm gần ngày ra viện, không nên sớm trước 12h, thường là từ 24h – 72h sau sinh.
– Thực hiện sau khi trẻ đã được bú no để trẻ ngủ yên khi thực hiện đo.
– Đối với trẻ sinh non < 34 tuần tuổi thì tùy điều kiện sức khỏe của trẻ, bác sỹ sẽ tư vấn đo thính lực khi trẻ đủ điều kiện.

3.2. Quy trình đo OAE
– Trẻ được đo trong phòng kín và yên tĩnh
– Nhân viên đo kiểm tra tai trẻ xem có nhiều ráy, máu hay chất bẩn không, kéo vành tai của trẻ lên trên và ra sau, đặt đầu dò vào ống tai. Thời gian đo cho cả 2 tai khoảng 5-6 phút, kết quả có ngay sau đó. Nếu thất bại trong lần đo đầu tiên thì nhân viên y tế cần:
+ Lấy đầu dò ra kiểm tra lại ống tai trẻ.
+ Đổi đầu dò khi cần thiết.
+ Lau chùi đầu dò khi cần thiết.
+ Đặt lại đầu dò và đo.
– Nếu sau những động tác trên mà kết quả vẫn không đạt một hay hai tai thì hẹn trẻ đo lại trước khi xuất viện (ít nhất là 12 giờ sau lần đo đầu).
– Nếu kết quả trước khi xuất viện vẫn không đạt thì hẹn trẻ sau 1 tháng đến kiểm tra lại thính lực.

4. Tầm quan trọng của tầm soát khiếm thính trên tất cả trẻ sơ sinh là gì?
– Khiếm thính sơ sinh thường gặp với tỷ lệ từ 3-4 trên 1000 trẻ sơ sinh đến cao nhất là 1- 2 trên 100 trẻ.
– Những trẻ có nguy cơ cao bị khiếm thính bao gồm:
+ Trẻ sinh ra bởi mẹ bị nhiễm Rubella hoặc Herpes Simplex Virus trong thời kì thai nghén.
+ Trẻ sinh non, thiếu cân.
+ Bị chấn thương lúc sinh.
+ Mẹ sử dụng thuốc và thức uống có cồn trong thời gian mang thai.
+ Mẹ bị đái tháo đường, tiền sản giật.
+ Trẻ bị ngạt khi sinh.
+ Yếu tố di truyền.
– Con người phát triển ngôn ngữ thông qua nghe, thính giác là cơ sở xây dựng nên cảm xúc, kỹ năng nhận thức và sau đó là kỹ năng đọc hiểu và học tập.
– Nếu trẻ được phát hiện khiếm thính muộn (sau 2-3 tuổi) thì trẻ phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh tiễn, khó có thể sửa chữa được khả năng phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức.
– Do đó khuyến nghị phải tầm soát khiếm thính cho tất cả trẻ em trước khi trẻ được 6 tháng tuổi để can thiệp kịp thời giúp trẻ phát triển những kỹ năng cần thiết, hòa nhập cộng đồng.

5. Đưa trẻ đi đo OAE người nhà cần lưu ý điều gì?
– Ý nghĩa của việc đo OAE giúp tầm soát thính lực và phát hiện sớm các khiếm thính bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
– Việc tầm soát thính lực cho trẻ sơ sinh cần thiết phải được thực hiện càng sớm càng tốt để có các biện pháp can thiệp sớm khi trẻ có kết quả thính lực bất thường. Việc can thiệp sớm sẽ giúp trẻ phát triển về tâm sinh lý của trẻ về lại gần như trẻ bình thường.
– Kỹ thuật đo này sẽ không gây đau tai của trẻ.
– Trẻ phải được bú no, nằm yên, không quấy khóc trong quá trình đo.
– Người nhà cần mang theo bình bú cho trẻ để phòng khi trẻ khóc không thể đo được.
– Kỹ thuật phải được thực hiện trong phòng cách âm. Người nhà cần im lặng trong quá trình đo tai cho bé.
– Tai của trẻ sơ sinh có thể có nhiều ráy hoặc dịch ối, làm cho quá trình đo diễn ra khá lâu, trong trường hợp như vậy người nhà cần kiên trì hợp tác cùng với nhân viên y tế giúp việc đo tai cho trẻ được thuận tiện nhất.

6. Người nhà cần lưu ý điều gì khi kết quả đo OAE của trẻ bất thường?
– Trẻ sẽ phải đo lại sau 24 giờ.
– Nếu kết quả thính lực đo lại sau 24h vẫn bất thường, cần đo lại sau 1 tháng.
– Việc đo thính lực cho trẻ sơ sinh mang tính tầm soát, độ chính xác khoảng 80- 85%. Vì vậy khi trẻ có kết quả thính lực bất thường người nhà không nên quá lo lắng và cần kiên trì theo dõi các phản xạ của trẻ tại nhà để biết thính lực của trẻ có bình thường hay không.
– Cách theo dõi phản xạ thính lực của trẻ tại nhà:
+ Trẻ đang ngủ giật mình tỉnh dậy khi nghe thấy tiếng động (giai đoạn sớm phát hiện thính lực bình thường của trẻ).
+ Hóng chuyện: khi người nhà đối diện mặt trẻ nói chuyện với trẻ, mắt trẻ sẽ nhìn người đối diện và miệng trẻ sẽ chuyển động mấp máy và đối thoại với người đối diện (giai đoạn trẻ trên 1.5 tháng tuổi).

Theo dõi phản xạ thính lực tại nhà qua biểu hiện hóng chuyện của trẻ

– Khi đang chơi trẻ giật mình quay đầu về hướng phát ra tiếng động, hoặc trẻ sẽ quay đầu lại phía người gọi tên trẻ (giai đoạn tuổi của trẻ trên 2.5 tháng tuổi).

7. Người nhà cần lưu ý điều gì khi kết quả đo sau 1 tháng có bất thường?
– Người nhà cần đưa bé tới kiểm tra thính lực chuyên sâu cho trẻ tại các trung tâm thính lực.
– Khi tìm ra nguyên nhân dẫn tới thính lực trẻ bất thường cần điều trị và can thiệp sớm để trẻ phát triển bình thường về tâm sinh lý.

Để xem và tải ấn phẩm chất lượng cao, nhấn vào nút “Tải Xuống” phía dưới:

Là một trong những chuyên khoa trọng yếu của bệnh viện Gia Đình, Khoa Ngoại thực hiện điều trị ngoại khoa cho mọi lứa tuổi, tập chung chẩn đoán, xử lý, phẫu thuật,… tất cả những tổn thương và bệnh lý ảnh hưởng tới cơ thể.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Family:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...