Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, được xem là một cuộc cách mạng trong điều trị bệnh sỏi thận. Đối với sỏi thận có kích thước ≤ 20 mm thì tán sỏi ngoài cơ thể là được xem là một trong những phương pháp được lựa chọn hàng đầu.
Bệnh viện Đa khoa Gia Đình đã triển khai tán sỏi ngoài cơ thể trong điều trị sỏi thận từ những ngày đầu thành lập bệnh viện, đã điều trị được trên 100 trường hợp và cho kết quả điều trị tốt với tai biến, biến chứng thấp, tỷ lệ sạch sỏi sau tán cao.
1. Tán sỏi ngoài cơ thể là gì?
Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị ngoại khoa đối với sỏi tiết niệu hiệu quả và nhẹ nhàng nhất hiện nay. Bản chất của phương pháp này là sử dụng sóng xung kích để làm vỡ sỏi, sau đó các mảnh vụn của sỏi sẽ được đào thải ra ngoài theo nước tiểu.
2. Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể được áp dụng khi nào?
Kích thước của sỏi:
- Sỏi thận kích thước ≤ 20mm.
- Sỏi niệu quản ≤ 15mm.
- Những trường hợp sỏi lớn hơn cần cân nhắc cụ thể trong từng trường hợp.
Vị trí sỏi:
- Sỏi bể thận tán dễ vỡ nhất vì sỏi nằm trong môi trường xung quanh là nước (Nước là môi trường truyền sóng xung tốt nhất)
- Sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên tán dễ vỡ hơn sỏi niệu quản đoạn 1/3 giữa và dưới.
- Sỏi đài trên và đài giữa cho kết quả 75-80% thành công, sỏi đài dưới chỉ cho kết quả 60% vì sỏi khó đào thải qua bể thận hơn.
Thành phần hóa học của sỏi:
- Những sỏi quá rắn (cystin) hay quá mềm (calculmus) thường gặp khó khăn hơn khi tán vì không vỡ hay vỡ thì quánh lại với nhau, không đào thải được.
- Sỏi Struvite tuy dễ vỡ nhưng dễ gây nhiễm khuẩn niệu vì vi khuẩn nằm trong viên sỏi được giải phóng ra đường niệu, các mảnh sỏi khó đào thải và dễ gây tái phát.
Số lượng sỏi: Tốt nhất là nên tán sỏi chỉ có 1-2 viên. Số lượng sỏi không quá 3 viên.
Tán sỏi ngoài cơ thể được áp dụng sau một số phương pháp điều trị khác: Sót sỏi hay tái phát sỏi sau phẫu thuật lấy sỏi.
3. Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể không được áp dụng cho những trường hợp sau:
- Phụ nữ mang thai
- Bệnh lý liên quan đến tim, não, gan, thận, tai biến nghiêm trọng.
- Rối loạn chức năng đông máu hoặc dùng thuốc chống đông máu.
- Bệnh truyền nhiễm.
- Tắt nghẽn đường tiết niệu.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu cấp tính.
4. Yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của tán sỏi ngoài cơ thể:
Kích thước sỏi:
- Tỷ lệ thành công của TSNCT đối với sỏi < 10mm là khoảng 90%.
- Đối với sỏi 10 – 20mm, tỷ lệ thành công là 66%, trong khi sỏi > 20mm xuống còn 47%. Bởi vậy, TSNCT không được khuyến cáo trong lựa chọn điều trị đầu tay đối với sỏi có đường kính >20mm.
Vị trí sỏi: Tỷ lệ sạch sỏi của TSNCT trong những viên sỏi ở vị trí đài thận trên và bể thận cao hơn đáng kể so với sỏi ở đài dưới. Đối với sỏi ở đài trên và đài giữa, tỷ lệ sạch sỏi dao động từ 70 – 90%, so với 50 – 70% trong trường hợp sỏi đài dưới.
Số lượng sỏi:
- Ở những bệnh nhân có bóng sỏi từ nhỏ đến vừa thì số lượng sỏi quan trọng hơn so với bóng sỏi.
- Tỷ lệ thành công đối với sỏi 1 viên là 78,3% trong khi nhiều viên sỏi là 62,8%.
Sự tắc nghẽn: Đối với những thận có tiền sử tắc nghẽn trước đó thì tỷ lệ sạch sỏi sau điều trị TSNCT thấp hơn do với nhu động thận yếu hơn và qua đó dẫn đến khả năng tống sỏi sau tán thấp hơn so với thận không có tiền sử tắc nghẽn.
5. Ưu nhược điểm của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể
Ưu điểm:
- Tán sỏi thận ngoài cơ thể có ưu điểm ít gây ảnh hưởng đến thận, chức năng hoạt động của thận sau tán sỏi còn cao hơn so với các phương pháp khác.
- Giảm thời gian nằm viện và chi phí điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân chỉ cần nằm viện từ 1 – 2 ngày là có thể xuất viện.
- Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu an toàn, không xâm lấn vì vậy không gây đau đớn và không phải chăm sóc hay lo lắng bị chảy máu hoặc bị nhiễm trùng vết mổ hay để lại sẹo mổ xấu như phương pháp phẫu thuật lấy sỏi.
Nhược điểm:
- Không thể áp dụng với trường hợp viên sỏi có kích thước lớn.
- Hiệu quả tán sỏi chỉ đạt từ 55 – 85%.
- Với những viên sỏi cứng hoặc sỏi có kích thước lớn chưa vỡ hết thì có thể phải tán lại 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 2 đến 3 tuần.
6. Quy trình tán sỏi ngoài cơ thể được thực hiện như thế nào?
- Điều dưỡng sẽ đưa người bệnh vào phòng tán sỏi.
- Người bệnh nằm ngửa trên bàn tán sỏi, tinh thần thoải mái, thở đều để tránh sỏi di động theo nhịp thở.
- Bác sĩ bôi một lớp gel siêu âm lên vùng da phía mạng sườn tương ứng với vị trí tán sỏi.
- Điều dưỡng giúp người bệnh đeo tai nghe chống ồn để thoải mái hơn khi nghe tiếng “bụp” trong quá trình tán sỏi.
- Khi người bệnh ở tư thế thật sự thoải mái thì bác sĩ và điều dưỡng sẽ tiến hành thực hiện thủ thuật tán sỏi ngoài cơ thể cho người bệnh.
- Người bệnh sẽ được đặt đường truyền tĩnh mạch và tiêm thuốc giảm đau, thuốc chống chảy máu trước tán sỏi 30 phút.
7. Những biến chứng thường gặp sau tán sỏi ngoài cơ thể là gì?
- Người bệnh có thể đi tiểu ra máu hoặc lẫn ít máu trong khoảng 72 giờ sau tán sỏi, sau đó sẽ hết.
- Đau do sỏi vỡ di chuyển: Nếu đau nhẹ, không cần can thiệp. Nếu có cơn đau quặn thận, bệnh nhân cần báo điều dưỡng hoặc bác sỹ để được bổ sung thuốc.
- Bệnh nhân nếu bị mảnh sỏi vỡ gây tắc nghẽn tại niệu quản: trường hợp này cần nội soi ngược dòng bằng laser để giải quyết vị trí tắc nghẽn.
- Bầm tím vùng da tại vị trí tán: tự hết và không cần can thiệp.
- Nhiễm trùng tiết niệu, sốt cao do vi khuẩn được giải phóng từ viên sỏi vỡ.
- Chấn thương thận sau tán sỏi ngoài cơ thể.
- Sỏi không vỡ sau tán dẫn đến người bệnh phải tán nhiều hơn 1 lần hay phải chuyển phương pháp điều trị sỏi khác.
8. Cần làm gì để phòng ngừa biến chứng sau tán sỏi ngoài cơ thể?
- Uống nhiều nước sau tán (2 – 3 lít nước/ ngày).
- Tránh va đập vào vùng da, vùng cơ thể tại vị trí tán sỏi.
- Uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ kê.
- Hẹn khám kiểm tra lại sau 1 tháng.
- Nếu có các triệu chứng sốt cao, cơn đau quặn thận hay các biểu hiện bất thường khác cần đến khám chuyên khoa tiết niệu ngay.