Thai chậm tăng trưởng trong tử cung (IUGR)

1. Thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung là gì?
Để đánh giá sự phát triển của thai nhi các bác sĩ thường dựa vào trọng lượng thai. Hai yếu tố quan trọng thường được sử dụng để đánh giá trọng lượng thai là trọng lượng tại thời điểm thăm khám và sự thay đổi trọng lượng theo thời gian.
Sau đó, bác sĩ sẽ đối chiếu trọng lượng thai và chỉ số doppler của các mạch máu (rốn, não giữa, ống tĩnh mạch) với bảng bách phân vị tương ứng với tuổi thai theo chuẩn quốc tế có sẵn, từ đó kết luận thai phát triển bình thường hay không.
Thai giới hạn tăng trưởng (IUGR) được hiểu là trẻ sơ sinh được sinh ra với các đặc điểm lâm sàng là suy dinh dưỡng và hạn chế tăng trưởng trong tử cung, trọng lượng thai nhỏ và ít thay đổi theo thời gian.
Thai giới hạn tăng trưởng cần được theo dõi sát theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa các biến chứng xảy ra đối với thai nhi.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung là gì?
2.1. Về phía thai nhi
– Dị tật bẩm sinh:
+ Bất thường nhiễm sắc thể
+ Dị tật bẩm sinh các cơ quan (hệ thần kinh, hệ xương khớp, thận, tim,…)
– Nhiễm trùng: listeriosis, toxoplasmosis,…
– Nhiễm virus: rubella, Cytomegalovirus, viêm gan A,B,…
– Nhiễm độc: thuốc lá, rượu, ma túy hoặc do tác dụng phụ của thuốc,…
– Đa thai, nhất là hội chứng truyền máu song thai.

2.2. Về phía mẹ
– Bất thường ở tử cung: dị dạng, tử cung kém phát triển, thiểu sản,…
– Có các bệnh lý gây thiếu oxy mạn tính: bệnh phổi, bệnh tim có tím, bệnh về máu,…
– Tăng huyết áp, bệnh thận, đái tháo đường,…
– Sử dụng và tiếp xúc với các chất độc hại: hút thuốc lá, nghiện rượu, sử dụng heroin, cocaine.
– Mắc các bệnh lý tự miễn.
– Điều kiện kinh tế – xã hội thấp, suy dinh dưỡng trầm trọng.

2.3. Về phía phần phụ
– Bánh nhau: dị dạng, nhau tiền đạo,…
– Dây rốn:
+ Bất thường về mạch máu, giải phẫu: dị dạng động mạch rốn, tắc mạch rốn, rốn thắt nút,…
+ Bị chèn ép do các nguyên nhân: rốn thắt nút…
– Nước ối : Đa ối, thiểu ối, viêm màng ối,…

2.4. Các yếu tố kinh tế – xã hội
– Các bà mẹ không được trang bị kiến thức tiền sản, có chế độ ăn uống không đầy đủ, thường thuộc nhóm có thu nhập thấp trong xã hội.
– Các bà mẹ đã từng có con bị mắc IUGR.
– Mang thai con so hoặc sinh nhiều lần.
– Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò: mẹ đã bị giới hạn tăng trưởng lúc mới sinh, kết hợp với người chồng cũng ở trường hợp tương tự, sẽ có xu hướng sinh ra con mắc suy dinh dưỡng.

3. Thai giới hạn tăng trưởng được chẩn đoán như thế nào?
Tiêu chuẩn chẩn đoán được các hiệp hội Sản Phụ khoa lớn quy định (ACOG, FIGO, FMF foundation,…).
Các bác sĩ sẽ dựa vào các thông số trên siêu âm để chẩn đoán thai chậm tăng trưởng, bao gồm:
– Chu vi vòng bụng
– Trọng lượng thai
– Doppler động mạch rốn
– Động mạch não giữa
– Ống tĩnh mạch.
Tùy vào mức độ thai chậm tăng trưởng mà bác sĩ sẽ đặt lịch tái khám cho sản phụ để đánh giá sự phát triển của thai nhi một cách an toàn. Do vậy các sản phụ cần thăm khám thai định kỳ để được siêu âm đánh giá sự phát triển của thai nhi một cách thường quy.

4. Các biến chứng của thai giới hạn tăng trưởng là gì?
4.1. Biến chứng ngắn hạn
Trẻ sơ sinh mắc IUGR có nguy cơ cao gặp các biến chứng sau khi sinh: ngạt chu sinh, hít phân su, tăng áp phổi kéo dài, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, tăng đường huyết, hạ canxi máu, đa hồng cầu, vàng da, bú khó, không dung nạp thức ăn, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết khởi phát muộn, xuất huyết phổi,…

4.2. Biến chứng dài hạn
Trẻ sơ sinh bị IUGR có xu hướng chậm phát triển thể chất và thần kinh khi đến tuổi đi học và trưởng thành. Các vấn đề về phát triển thần kinh bao gồm:
– Điểm thấp hơn trong bài kiểm tra nhận thức.
– Gặp các khó khăn học tập, khả năng tiếp thu thấp hơn,…
– Bại não, vận động thô và rối loạn chức năng thần kinh nhẹ.
– Các vấn đề về hành vi: hiếu động thái quá, rối loạn tăng động giảm chú ý.
– Hiệu suất tri giác kém, nhận thức thị giác-vận động kém.
– Dễ mắc các bệnh khởi phát ở giai đoạn trưởng thành như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch vành.

5. Thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung được phân loại như thế nào?
5.1. Phân loại IUGR theo mức độ nặng
– Độ 0: EFW và/hoặc AC < BPV thứ 10, Doppler động mạch rốn và động mạch não giữa bình thường.
– Độ 1: EFW và/hoặc AC < BPV thứ 10, Doppler động mạch rốn hoặc động mạch não giữa bất thường.
– Độ 2: EFW và/hoặc AC < BPV thứ 10, mất sóng tâm trương hoặc đảo ngược sóng tâm trường động mạch rốn.
– Độ 3: EFW và/hoặc AC < BPV thứ 10, bất thường ống tĩnh mạch.

5.2. Phân loại IUGR theo tuổi thai tại thời điểm chẩn đoán
– Rất sớm: ≤ 29 tuần
– Sớm: 29 – ≤ 34 tuần
– Muộn: > 34 tuần

6. Hướng xử trí của thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung là gì?
– Theo dõi và quản lý thai kỳ chặt chẽ cùng bác sĩ sản khoa.
– Tùy thuộc độ trưởng thành, tình trạng sức khỏe thai nhi, rối loạn của mẹ và các bất thường đi kèm.
– Nếu nghi ngờ thai có tình trạng IUGR, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân để điều trị:
+ Nếu xác định thai bất thường nhiễm sắc thể, đa dị tật, nhiễm CMV thì nên đình chỉ thai nghén.
+ Nếu chỉ có 1 dị tật đơn độc thì hội chẩn với các trung tâm chẩn đoán trước sinh, với bác sĩ chuyên khoa Ngoại Nhi để có hướng xử trí ngay sau khi sinh.
+ Điều trị THA với những trường hợp xác định thai chậm phát triển trong tử cung do mẹ rối loạn THA thai kỳ.
– Phải kết thúc thai kỳ đúng thời điểm, tránh can thiệp quá sớm:
+ Tuổi thai ≤ 30 tuần: đảo ngược sóng tâm trường động mạch rốn.
+ Tuổi thai ≤ 34 tuần: mất sóng tâm trương động mạch rốn.
+ Tuổi thai 37 tuần: tăng trở kháng và còn sóng tâm trương động mạch rốn.
+ Tuổi thai từ 37 tuần và không quá 39: động mạch rốn bình thường.
– Đánh giá mức độ suy thai giúp quyết định thời điểm và phương pháp xử trí đúng:
+ Trường hợp chuyển dạ tự nhiên hoặc đình chỉ thai nghén nếu không có chống chỉ định sinh đường âm đạo thì theo dõi như một cuộc sinh thường.
+ Trường hợp suy thai, ối giảm, có thêm các yếu tố bất lợi khác như ngôi ngược, nhau bám thấp… thì mổ lấy thai và luôn phải có bác sỹ hồi sức sơ sinh tham gia vào thời điểm mổ lấy thai.

7. Dinh dưỡng đối với thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung
7.1. Vai trò dinh dưỡng
– Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, áp dụng chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp ngăn ngừa IUGR một cách lâu dài.
– Đôi khi IUGR xảy ra là do việc không kiểm soát trước các yếu tố nguy cơ, khi có chế độ dinh dưỡng hợp lý mang đến những lợi ích:
– Cân nặng khi sinh của em bé có thể gần với mức bình thường nhất có thể mặc dù em bé có thể cần được sinh non.
– Thời gian nằm trong phòng hồi sức sơ sinh của em bé ngắn hơn.

7.2. Dinh dưỡng của thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung
– Một chế độ ăn uống cân bằng có vai trò bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong thời kỳ mang thai.
– Chế độ ăn Địa Trung Hải (giàu cá, dầu ô liu, trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu/hạt) rất giàu axit béo không bão hòa và chất chống oxy hóa polyphenol, nhiều phân tử hoạt tính/bảo vệ được cung cấp bởi các thành phần như dầu ô liu nguyên chất. Ngoài ra, nhiều loại thực phẩm có trong chế độ ăn này như trái cây, rau và các loại hạt, là nguồn cung cấp polyphenol chống oxy hóa tuyệt vời.

– Các nghiên cứu trên thực tế đã chứng minh khả năng kết hợp các chất dinh dưỡng sẽ giúp giảm các kết quả bất lợi trong chu kỳ sinh khi áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải.
– Những yếu tố ảnh hưởng đến việc chuyển hóa, hấp thu các chất giữa tuần hoàn của mẹ và thai nhi bao gồm: lưu lượng máu đến nhau thai và rốn, nồng độ các chất dinh dưỡng, độ dày, diện tích trao đổi và chuyển hóa của nhau thai. Việc vận chuyển các phân tử thấm qua màng, chẳng hạn như oxy và carbon dioxide, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi lưu lượng máu và cấu trúc nhau thai. Đối với thai IUGR có ảnh hưởng tới việc hấp thu dinh dưỡng của bào thai.
– Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng của IUGR cần đảm bảo đúng và đủ nhu cầu năng lượng, cân đối các nhóm chất, giúp mẹ và bé tăng cân đạt mục tiêu đưa ra.
– Năng lượng:
+ Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu: 30-35 Kcal/kg cân nặng lý tưởng + 50 kcal/ngày
+ Phụ nữ mang thai 3 tháng giữa: 30-35 Kcal/kg cân nặng lý tưởng + 250 kcal/ngày
+ Phụ nữ mang thai 3 tháng giữa: 30-35 Kcal/kg cân nặng lý tưởng + 450 kcal/ngày
– Protein chiếm 15-20% tổng năng lượng trong đó tỷ lệ protein động vật/thực vật >50%

Nhiều nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng, trong số những phụ nữ Trung Quốc mang thai bổ sung lượng protein thấp, đặc biệt là protein động vật và protein từ sữa, có liên quan đến cân nặng khi sinh cao hơn và nguy cơ nhẹ cân, cân nặng thấp hơn, IUGR. Do vậy cần sử dụng 3-4 đơn vị sữa/ngày, đủ nhu cầu protein theo khuyến nghị.
– Lipid 20-30% năng lượng, nên chọn chất béo không bão hòa như dầu oliu, carbohydrate 50-60% năng lượng
– Chọn thực phẩm giàu Vitamin B, Folic, calci, sắt….
– Kết hợp đa dạng cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan
– Việc thiếu vi chất đối với thai giới hạn tăng trưởng, cân nặng khi sinh trung bình cao hơn ở những bà mẹ nhận được một viên nang vitamin tổng hợp hoặc đầy đủ từ thực phẩm đối với thiamin; riboflavin; niacin; vitamin B-6, B-12, C và E; folat. Tỷ lệ IUGR cũng giảm (10%) và ít thai nhi tử vong hơn (5,9%).
– Do vậy cần ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, đủ năng lượng, giàu protein, rau quả chín, sữa, và có thể bổ sung dạng thực phẩm chức năng đối với một số vi chất cần thiết theo tư vấn của bác sĩ.

Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
1. Bệnh viện Từ Dũ, Thai chậm tăng trưởng trong tử cung, Phác đồ điều trị Sản Phụ khoa 2019. Nhà xuất bản Thanh Niên, pp. 110 – 112.
2. Bộ Y Tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa, Nhà xuất bản y học Hà Nội, tr. 25 – 27.
3. Bộ môn Phụ Sản – Đại học Y Dược Huế (2021), Thai chậm tăng trưởng trong tử cung, Giáo trình Module 19 – Phụ Sản 1, Nhà xuất bản Đại học Huế, tr. 320 – 325.
Tiếng Anh
1. F.Gary Cuningham et al (2014), Williams Obstetrics, McGraw-Hill Education, pp. 1825 – 1840.
2. Michael G Ross (2015), Fetal Growth Restriction, pp. 2-10.
3. S. Yagel, D. Zacut, S. Igelstein, z. Palti, A. Hurwitz, and B. Rosenn (1987), In utero ponderal index as a prognostic factor in the evaluation of intrauterine growth retardation, Jerusalem, pp. 4-5.
4. Saving Lives Improving Mothers’ Care – Lessons learned to inform maternity care from the UK and Ireland Confidential Enquiries into Maternal Deaths and Morbidity 2017-19; MBRRACE-UK, Nov 2021
5. Sharma D, Shastri S, Sharma P; Intrauterine Growth Restriction: Antenatal and Postnatal Aspects. Clin Med Insights Pediatr. 2016 Jul 1410:67-83. doi: 10.4137/CMPed.S40070. Collection 2016.
6. The Investigation and Management of the Small-for-Gestational-Age Fetus; Royal College of Obstetricians and Gynaecologists Green-top guideline (updated January 2014)
7. Intrapartum care for healthy women and babies; NICE Guideline (Dec 2014 – updated Feb 2017)
8. Dietary protein intake during pregnancy and birth weight among Chinese pregnant women with low intake of protein
9. https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fphys.2016.00040/full
10. Placental Nutrient Transport and Intrauterine Growth Restriction.
11. Micronutrients and Fetal Growth.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...