Ẩn đằng sau mỗi kết luận thất bại làm tổ là cả một hành trình của những lần thăm khám, chọc hút, tạo phôi, chuyển phôi,… Thế nhưng thất bại làm tổ hay thậm chí thất bại làm tổ nhiều lần không phải là dấu chấm hết. Vẫn có những hướng khắc phục để bố mẹ đón con đến bên đời…
Việc gặp phải thất bại làm tổ nhiều lần hay chuyển phôi nhiều lần thất bại ảnh hưởng cả sức khoẻ thể chất và tâm lý của các cặp vợ chồng
1. Thất bại làm tổ nhiều lần là gì?
Đối với các cặp vợ chồng thực hiện IVF, sau khi chuyển phôi vào cơ thể vợ, phôi thai làm tổ thành công là tín hiệu đáng mừng, báo hiệu cho sự khởi đầu của một thai kỳ khỏe mạnh. Trong thực tế điều trị, làm tổ thành công được xác định khi có sự xuất hiện của beta-hCG trong huyết thanh hoặc siêu âm quan sát được túi thai ở khoảng tuần thứ 5 của thai kỳ.
Thất bại làm tổ nhiều lần tức là quá trình chuyển phôi nhiều lần nhưng phôi chuyển không thể phát triển bình thường trong tử cung. Hiện tại, tiêu chuẩn được sử dụng nhiều nhất để xác định thất bại làm tổ là khi cặp vợ chồng chuyển ít nhất 4 phôi tốt trong ít nhất 3 chu kì chuyển phôi không thành công.
2. Nguyên nhân dẫn đến thất bại làm tổ nhiều lần?
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng và gây nên tình trạng thất bại làm tổ nhiều lần trong thụ tinh ống nghiệm, bao gồm:
● Nguyên nhân do phôi: bất thường di truyền của phôi
● Nguyên nhân do bất thường nội mạc tử cung, tử cung và vòi trứng: polyp lòng tử cung, u xơ tử cung dưới niêm mạc, dính buồng tử cung, ứ dịch vòi trứng, lạc nội mạc tử cung buồng trứng, lạc tuyến cơ tử cung
● Bệnh lý hệ thống: béo phì, bệnh lý tuyến giáp, rối loạn miễn dịch,…
3. Những xét nghiệm khảo sát nên thực hiện khi thất bại làm tổ nhiều lần?
Khi gặp phải tình trạng thất bại làm tổ, những khảo sát được khuyến cáo thực hiện bao gồm: bộ nhiễm sắc thể đồ 2 vợ chồng, siêu âm bơm buồng tử cung (SIS), chụp tử cung vòi trứng (HSG) và tầm soát các bệnh lý nội khoa có thể gây thất bại làm tổ (TSH, HbA1c). Các xét nghiệm về miễn dịch không được khuyến cáo sử dụng rộng rãi cho những trường hợp thất bại làm tổ nhiều lần.
4. Thất bại làm tổ – Hướng khắc phục
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến thất bại làm tổ mà bác sỹ sẽ điều trị theo các hướng khắc phục riêng, có thể kể đến:
● Thất bại liên quan đến bất thường di truyền: Cân nhắc tầm soát phôi lệch bội, thực hiện sinh thiết phôi tìm phôi nguyên bội khi làm thụ tinh ống nghiệm, ưu tiên chuyển những phôi không lệch bội hoặc cân nhắc chuyển hai phôi trong 1 lần chuyển.
● Thất bại liên quan đến bất thường giải phẫu: mổ nội soi xử trí cắt polyp, u xơ cơ tử cung dưới niêm mạc hoặc nội soi ổ bụng thắt / cắt ống dẫn trứng.
● Thất bại liên quan đến bệnh lý phụ khoa: dùng chất ức chế lạc nội mạc tử cung đối với người vợ có bệnh lý lạc nội mạc tử cung.
● Thất bại liên quan đến bệnh lý hệ thống: điều trị bệnh lý hệ thống, giảm cân
Ngoài những can thiệp trên, bác sỹ sẽ cân nhắc và tư vấn để thực hiện những khảo sát chưa được chứng minh hiệu quả rõ ràng được đề cập trong bảng phía trên như: tầm soát rối loạn đông máu hay xét nghiệm xác định cửa sổ làm tổ của phôi (ERA test), tầm soát khuẩn chí nội mạc tử cung, điều trị miễn dịch, rối loạn đông máu (intralipid, corticoid, aspirin).
Thất bại làm tổ nhiều lần vẫn đang là thách thức của y học sinh sản, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc đi tìm cơ chế bệnh sinh và hướng khắc phục. Việc khảo sát và điều trị thất bại nhiều lần cần được cá nhân hoá trên từng đối tượng cụ thể, những can thiệp thực hiện cần được dựa vào bằng chứng y khoa và khuyến cáo của những tổ chức, hiệp hội chuyên ngành uy tín để đạt được kết quả thành công.
BS. Võ Văn Cường
BS. Mai Đức Tiến
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY
Khoa Phụ Sản – Bệnh viện Đa khoa Gia Đình
Tài liệu tham khảo
1. Coughlan C, Ledger W, Wang Q, Liu F, Demirol A, Gurgan T, Li T.C. Recurrent implantation failure: definition and management. Reprod Biomed Online. 2014;28(1):14–38.
2. Engin T, Sule Y, Baris A. Diagnostic evaluation of the couple with recurrent implantation failure. In: Recurrent Implantation Failure. 1st ed. CRC Press; 2020. p. 104.
3. Shaulov T, Sierra S, Sylvestre C. Recurrent Implantation Failure: A CFAS Guideline. Reprod Biomed Online. :2020.