Trưởng thành noãn trong ống nghiệm (hay còn được biết đến là thụ tinh trong ống nghiệm không kích thích buồng trứng) In Vitro Maturation – IVM là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được mô tả lần đầu tiên trên người vào năm 1944. Mặc dù vậy, mãi cho đến năm 2021, IVM mới được Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (American Society for Reproductive Medicine – ASRM) công nhận là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mang tính ứng dụng. Cho đến thời điểm hiện tại, những công bố về kết quả lâm sàng của IVM vẫn còn khá khiêm tốn so với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (TTTON) (In Vitro Fertilization – IVF).
Gần đây, một hệ thống nuôi cấy gồm hai giai đoạn có tên gọi là IVM – CAPA đã được phát triển nhằm cải thiện hiệu quả của IVM. Hệ thống này đã được công bố quốc tế trong nhiều nghiên cứu của bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan và cộng sự với những kết quả đầy hứa hẹn. Tại Việt Nam, em bé đầu tiên ra đời nhờ kỹ thuật IVM – CAPA vào năm 2017.
Trong kỹ thuật IVM, noãn non ở giai đoạn GV (Germ vesicle) sẽ được thu nhận từ các nang thứ cấp có kích thước nhỏ. Sau đó, noãn sẽ được nuôi trong điều kiện nuôi cấy đến giai đoạn trưởng thành MII (Metaphase II). Kỹ thuật IVM cho phép chọc hút noãn mà không cần kích thích buồng trứng hoặc chỉ kích thích buồng trứng ở liều tối thiểu. Do đó IVM đặc biệt thích hợp cho những bệnh nhân có nguy cơ dễ bị các biến chứng do kích thích buồng trứng như hội chứng quá kích buồng trứng, huyết khối tĩnh mạch hoặc xoắn buồng trứng. Nhóm bệnh nhân này bao gồm những trường hợp có hội chứng buồng trứng đa nang (BTĐN) hoặc có số nang thứ cấp đầu chu kỳ nhiều.
Hơn nữa, đây cũng là một phương pháp điều trị thân thiện và tiện lợi, có thể rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí và tăng sự thuận tiện cho bệnh nhân vì không cần phải tái khám nhiều lần và việc tiêm thuốc là tối thiểu hoặc không cần tiêm. Ngoài ra, IVM còn được xem là một phương pháp điều trị tiềm năng để bảo tồn khả năng sinh sản ở phụ nữ mắc bệnh ung thư mà không phù hợp với việc sử dụng thuốc kích thích buồng trứng hoặc không đủ thời gian để kích thích buồng trứng do tính cấp thiết của quá trình điều trị ung thư.
So sánh giữa kỹ thuật CAPA – IVM và kỹ thuật IVF cổ điển
Các hướng dẫn lâm sàng quốc tế dựa trên bằng chứng trong đánh giá và quản lý Hội chứng buồng trứng đa nang (2023) đã khuyến cáo có thể cân nhắc thực hiện IVM cho phụ nữ có hội chứng BTĐN thay vì thực hiện kích thích buồng trứng để IVF/ICSI. Đây là lựa chọn thứ 3 trong điều trị bệnh nhân hiếm muộn có hội chứng BTĐN, ngoài việc sử dụng các thuốc gây phóng noãn đường uống và kích thích buồng trứng bằng các loại thuốc gonadotropins.
Bên cạnh những lợi ích liên quan đến sự thuận tiện và an toàn, chi phí trung bình của một chu kỳ IVM cũng thấp hơn đáng kể so với TTTON có kích thích buồng trứng. Điều này giúp các bệnh nhân giảm đáng kể gánh nặng tài chính, vốn đã tương đối cao khi điều trị hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, cần cân nhắc về hiệu quả của IVM khi so sánh với IVF/ICSI. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng của bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan và cộng sự năm 2020 ghi nhận tỷ lệ thai diễn tiến, tỷ lệ trẻ sinh sống cộng dồn thấp hơn ở IVM chủ yếu do tỷ lệ phôi thu được thấp hơn, do đó các bệnh nhân có HC BTĐN là nhóm bệnh nhân phù hợp nhất với IVM do số lượng nang nhiều, bù đắp lại hiệu quả thấp hơn của IVM so với IVF cổ điển. Mặc dù vậy, những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong những năm gần đây có thể sẽ giúp cải thiện tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn trong tương lai.
Hiện tại, IVM vẫn còn là một kỹ thuật mới. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, chưa có nhiều trung tâm có khả năng thực hiện chọc hút noãn non cũng như nuôi cấy noãn non trong ống nghiệm. Với những tiềm năng và lợi ích mang lại, IVM được kỳ vọng sẽ ngày càng được phát triển hơn và ứng dụng tại những trung tâm HTSS được trang bị tốt. Dự kiến, kỹ thuật IVM sẽ được triển khai tại IVFMD FAMILY trong tháng 9/2024.
BS. Nguyễn Đỗ Thị Phương Thảo
BS. Mai Đức Tiến
ThS. Nguyễn Thị Liên Thi
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình
Tài liệu tham khảo
- Practice Committees of the American Society for Reproductive Medicine, the Society of Reproductive Biologists and Technologists, and the Society for Assisted Reproductive Technology. Electronic address: [email protected]. In vitro maturation: a committee opinion. Fertil Steril. 2021 Feb;115(2):298-304.
- De Vos M, Grynberg M, Ho TM, Yuan Y, Albertini DF, Gilchrist RB. Perspectives on the development and future of oocyte IVM in clinical practice. J Assist Reprod Genet. 2021 Jun;38(6):1265-1280.
- Vuong LN, Le AH, Ho VNA, Pham TD, Sanchez F, Romero S, De Vos M, Ho TM, Gilchrist RB, Smitz J. Live births after oocyte in vitro maturation with a prematuration step in women with polycystic ovary syndrome. J Assist Reprod Genet. 2020 Feb;37(2):347-357.
- Karavani G, Schachter-Safrai N, Revel A, Mordechai-Daniel T, Bauman D, Imbar T. In vitro maturation rates in young premenarche patients. Fertil Steril. 2019 Aug;112(2):315-322.