Tinh dịch đồ theo WHO 2010

BS. Mai Đức Tiến, BS. Võ Văn Cường
Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY
Khoa Phụ Sản – Bệnh viện Đa khoa Gia Đình

TINH DỊCH ĐỒ LÀ GÌ ?

Xét nghiệm tinh dịch đồ là một xét nghiệm dựa trên mẫu tinh dịch nhằm để đánh giá chất lượng của tinh trùng, thông qua các chỉ số như: số lượng, khả năng di động, hình dạng … Việc đánh giá này được thực hiện theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Giá trị tham khảo theo WHO được dựa trên chỉ số của những người đàn ông có khả năng sinh sản bình thường khi vợ của họ có con trong vòng 12 tháng. Các chỉ số tinh dịch đồ chỉ có ý nghĩa tiên lượng khả năng sinh sản của nam giới là cao hay thấp, chứ không cho phép kết luận là vô sinh hay không.

Kết quả tinh dịch đồ cùng với những đánh giá về sức khoẻ sinh sản người vợ sẽ giúp bác sĩ quyết định phương án điều trị cho cặp vợ chồng hiếm muộn. Tinh dịch đồ được chỉ định khi một cặp vợ chồng có vấn đề liên quan đến hiếm muộn, hoặc cần khảo sát khả năng sinh sản ở nam giới.

Tinh dịch đồ nên được thực hiện ở các phòng xét nghiệm chuyên khoa sử dụng phương pháp, tiêu chuẩn của Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO). Các phòng xét nghiệm này được trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị hiện đại, cùng với các chuyên gia có kinh nghiệm là cần thiết để có kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ chính xác nhất.

TINH DỊCH ĐỒ THEO WHO 2020

Số ngày kiêng quan hệ

Theo tiêu chuẩn của WHO (2010), số ngày kiêng xuất tinh trước khi làm xét nghiệm tinh dịch đồ là từ 2-7 ngày.

pH mẫu

pH của tinh dịch phản ánh sự cân bằng giữa giá trị pH của dịch tiết từ các tuyến sinh dục phụ khác nhau: dịch tiết từ túi tinh mang tính kiềm và dịch tiết của tuyết tiền liệt có tính acid. pH nên được đo sau khi mẫu ly giải, thường là khoảng 30 phút sau khi xuất tinh. Nếu để mẫu quá lâu sẽ có sự thay đổi nồng độ CO2 trong mẫu, vì vậy thời gian đo pH nên trong khoảng 30-60 phút sau khi xuất tinh.

Giá trị 7,2 được sử dụng là ngưỡng tham khảo tối thiểu cho giá trị pH của tinh dịch. Những trường hợp mẫu có pH có tính axít (<7,0) thường nghi ngờ không có tinh trùng hoặc có rất ít tinh trùng trong mẫu.

Thể tích mẫu

Thể tích của mẫu xuất tinh có nguồn gốc chính từ túi tinh và tuyến tiền liệt với một lượng nhỏ từ tuyến hành niệu đạo và mào tinh hoàn. Thể tích tinh dịch cho phép tính tổng số tinh trùng trong mỗi lần xuất tinh và các tế bào không phải tinh trùng trong mẫu. Thể tích mẫu được tính bằng cách lấy cân nặng của lọ chứa tinh dịch trừ đi cân nặng của lọ ban đầu. Ở đây, tỷ trọng của tinh dịch là 1 g/ml.

Mật độ tinh trùng và tổng tinh trùng trong mẫu

Tổng số tinh trùng và mật độ tinh trùng trong một lần xuất tinh đều được chứng minh là cơ sở để tiên lượng khả năng có thai. Trong những trường hợp xuất tinh bình thường, hệ thống ống dẫn tinh không bị bế tắc, thời gian kiêng xuất tinh ngắn, tổng tinh trùng trong một lần xuất tinh tương quan với thể tích tinh hoàn.

Mật độ tinh trùng là số tinh trùng trên một đơn vị thể tích tinh dịch. Tổng số tinh trùng là tổng số tinh trùng trong một lần xuất tinh toàn bộ, được tính bằng mật độ nhân với thể tích tinh dịch. Để tính mật độ tinh trùng, người ta sử dụng buồng đếm Neubauer cải tiến. Chỉ đếm những tinh trùng có đầy đủ đầu và đuôi rõ ràng.

Giới hạn tối thiểu của mật độ tinh trùng là 15 x 106 tinh trùng/ml tinh dịch.

Giới hạn tối thiểu của tổng tinh trùng trong mẫu là ≥39 x 106 tinh trùng. Một mẫu được đánh giá là có mật độ tinh trùng bình thường khi có đồng thời mật độ tinh trùng và tổng tinh trùng trong mẫu đều lớn hơn giới hạn tối thiểu.

Độ di động của tinh trùng

Di động của tinh trùng được phân loại như sau:

  • Tinh trùng di động tiến tới (PR): tinh trùng di chuyển tích cực, hoặc là tuyến tính hoặc trong một vòng tròn lớn, bất kể tốc độ.
  • Tinh trùng di động không tiến tới (NP): có khả năng di động trong các trường hợp như bơi trong vòng tròn nhỏ, di động tại chỗ hoặc đuôi cử động nhẹ.
  • Tinh trùng bất động (IM): tinh trùng không di động.

Khi xem xét độ di động của tinh trùng, cần xác định tổng tỷ lệ tinh trùng di động (PR+NP) hoặc tỷ lệ tinh trùng di động tiến tới (PR). Theo tiêu chuẩn WHO 2010, những mẫu có PR ≥ 32% hoặc PR + NP ≥ 40% được cho là những mẫu có độ di động trên ngưỡng giới hạn tối thiểu.

Tỷ lệ sống

Đánh giá tinh trùng sống qua việc xác định tính nguyên vẹn của màng tế bào. Tỷ lệ tinh trùng sống thường cao hơn tỷ lệ tinh trùng di động. Tỷ lệ này quan trọng ở những mẫu có số lượng tinh trùng di động thấp hơn 40%, đặc biệt ở những trường hợp tinh trùng bất động 100%. Giá trị tham khảo tối thiểu cho tinh trùng sống là 58%.

Hình dạng bình thường của tinh trùng

Hình dạng tinh trùng rất đa dạng làm cho việc đánh giá trở nên khó khăn. Những quan sát trên tinh trùng thu được ở cơ quan sinh dục nữ, đặc biệt là trong chất nhầy cổ tử cung sau giao hợp cũng như bề mặt màng trong suốt của noãn giúp xác định hình dạng của các tinh trùng có khả năng thụ tinh (hình dạng bình thường). Việc đánh giá nghiêm ngặt cho thấy tỷ lệ tinh trùng có hình dạng bình thường có thể giúp tiên lượng khả năng mang thai tự nhiên và trong hỗ trợ sinh sản.

Những tinh trùng được đánh giá là bình thường không được có bất kì bất thường nào ở đầu, cổ, thân và đuôi tinh trùng. Để đánh giá hình dạng tinh trùng, người ta sử dụng quy trình nhuộm Papanicolaou. Phương pháp này cho phép tinh trùng và các tế bào khác bắt màu tốt với thuốc nhuộm.

Theo tiêu chuẩn của WHO (2010), ngưỡng giới hạn tối thiểu của hình dạng tinh trùng bình thường ở người là 4%.

Sự hiện diện các tế bào không phải tinh trùng

Sự hiện diện của các tế bào không phải là tinh trùng trong tinh dịch thường là dấu hiệu của bệnh lý về tổn thương tinh hoàn (hiện diện các tế bào mầm chưa trưởng thành), bệnh lý ống dẫn tinh hoặc viêm nhiễm các tuyến phụ (hiện diện các bạch cầu). Việc đánh giá các tế bào này giống như cách đánh giá đối với tinh trùng. Ở mật độ thấp, sự hiện diện của các tế bào này không cần ghi nhận lại, tuy nhiên nếu mật độ của chúng vượt quá ngưỡng 1×106 tế bào/ml tinh dịch thì đây là dấu hiệu của bệnh lý.

Một số thuật ngữ theo WHO 2010

  1. Oligospermia: Mẫu có mật độ tinh trùng thấp hơn giới hạn tối thiểu
  2. Asthenozoospermia: Mẫu có độ di động của tinh trùng thấp hơn giới hạn tối thiểu
  3. Teratozoospermia: Mẫu có tỷ lệ hình dạng bình thường thấp hơn giới hạn tối thiểu
  4. Oligo-Asthenozoospermia: Mẫu có đồng thời mật độ và độ di động của tinh trùng thấp hơn giới hạn tối thiểu
  5. Oligo-Teratozoospermia: Mẫu có đồng thời mật độ và tỷ lệ hình dạng bình thường thấp hơn giới hạn tối thiểu
  6. Astheno-Teratozoospermia: Mẫu có đồng thời độ di động và hình dạng bình thường của tinh trùng thấp hơn giới hạn tối thiểu
  7. OAT (Oligo-Astheno-Teratozoospermia): Mẫu có tinh trùng ít, yếu và dị dạng
  8. Cryptozoospermia: Thiểu tinh, có rất ít tinh trùng trong mẫu. Cryptozoospermia là một khái niệm mới trong tiêu chuẩn WHO 2010. Những trường hợp này do giảm sinh tinh mạnh. Đối với những bệnh nhân được nhận định là Cryptozoospermia, các bác sĩ sẽ cần lên phương hướng điều trị phù hợp bởi nếu quá trình điều trị kéo dài, các bệnh nhân sẽ có thể chuyển sang không có tinh trùng. Trữ lạnh tinh trùng trong những trường hợp này được cho là một sự chuẩn bị cần thiết cho bệnh nhân.
  9. Azoospermia: Không tìm thấy tinh trùng trong cặn sau khi ly tâm của mẫu tinh dịch.
  10. Bình thường: Các chỉ số về độ di động, mật độ và hình dạng bình thường của tinh trùng đều trên ngưỡng giới hạn tối thiểu

Tài liệu tham khảo: Tinh dịch đồ WHO 2010, HOSREM

Chuẩn tham khảo theo tinh dịch đồ WHO 2010