Từ một vết thương nhỏ ở ngón chân trái, do chủ quan, tự điều trị tại nhà, chú N. bị một loại vi khuẩn hiếm gặp tấn công gây nhiễm trùng lan rộng, thêm vào đó, việc bệnh nhân mắc đái tháo đường type II khiến tốc độ hoại tử tiến triển rất nhanh. Sau 2 tháng tích cực điều trị, ê-kíp bác sỹ khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình đã thành công giữ được chân trái cho bệnh nhân.
Trước thời điểm nhập viện khoảng 1 tuần, chú Ngô Văn N. (54 tuổi) bị thương nhẹ ở các ngón 3, 4 bàn chân trái trong lúc làm việc, tuy nhiên vì vết thương nhỏ và không chảy máu nhiều, chú đã tự điều trị tại nhà và tiếp tục sinh hoạt bình thường sau đó. Khi chú N. đến Bệnh viện Đa khoa Gia Đình vào ngày 17/9/22 thì hai ngón chân trái đã chuyển đen, chảy dịch và đau nhức rất nhiều. Sau thăm khám, ê-kip bác sĩ khoa Ngoại nhận định hai ngón chân đã hoại tử, và kết quả các xét nghiệm cho thấy chú mắc đái tháo đường type II với lượng đường trong máu rất cao.
Chú N. cho biết, chú có béo phì nhưng không thèm ngọt, cũng không thường xuyên kiểm tra sức khỏe nên không phát giác mình bị đái tháo đường từ bao giờ. Khi đối mặt với nguy cơ mất đi chân trái vì một vết thương nhỏ, chú và người thân đã rất bàng hoàng và lo lắng bởi chú là lao động chính của gia đình.
Bác sĩ CKI Huỳnh Đắc Anh, khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình chia sẻ về quá trình điều trị cho bệnh nhân N.: “Đây là trường hợp đặc biệt khi bệnh nhân không chỉ mắc đái tháo đường nặng mà còn nhiễm một loại vi khuẩn rất hiếm gặp ngoài da (Proteus). Hai yếu tố này kết hợp đã khiến tình trạng nhiễm trùng diễn tiến rất nhanh, lúc này bàn chân trái đã hoại tử nặng, chúng tôi quyết định phẫu thuật cắt bỏ bàn chân và đặt VAC thì tình trạng bệnh nhân có cải thiện. Tuy nhiên, sau đó vi khuẩn lại tiếp tục tấn công lên phần cẳng chân và đùi”.
Mặc dù nguy cơ phải cắt bỏ cả chân là rất cao, ê kip bác sĩ đã quyết định tiếp tục thực hiện phẫu thuật cắt lọc, loại bỏ tổ chức hoại tử với mong muốn giữ lại chân cho bệnh nhân. Đến ngày 2/11, tình trạng nhiễm trùng giảm hoàn toàn, vết thương lên mô hạt tốt, chú N. được phẫu thuật để xoay vạt da tạo mỏm cụt ở cổ chân và ghép da. Sau đó, da sống đã che phủ dần được bề mặt vết thương.
Trải qua 6 cuộc phẫu thuật, hơn 2 tháng tích cực điều trị, chăm sóc vết thương cũng như điều chỉnh đường huyết tối ưu, tình trạng của chú N. đã ổn định.
Hai tháng vừa qua là quá trình đầy kiên trì bệnh nhân và gia đình, bởi bên cạnh khó khăn về mặt chuyên môn, vấn đề lớn nhất cần vượt qua chính là trở ngại tâm lý của bệnh nhân.
“Tôi từng có suy nghĩ bỏ cuộc khi phải chịu nhiều đau đớn qua các cuộc phẫu thuật, và gần như suy sụp khi biết mình phải cắt bỏ bàn chân, thậm chí có nguy cơ mất cả chân trái. May mắn thay tôi có người thân luôn ở bên và đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên Bệnh viện Gia Đình không ngừng động viên, chăm sóc. Quan trọng hơn cả, gia đình tôi đã được bệnh viện hỗ trợ trong vấn đề chi trả viện phí. Nhờ vậy, tôi đã dần tìm lại được niềm tin để tiếp tục điều trị, bây giờ sức khỏe của tôi đã ổn định và giữ được chân trái của mình.” Chú N. chia sẻ.
Bệnh nhân Ngô Văn N. cùng Bác sĩ CK I Huỳnh Đắc Anh, khoa Ngoại, Bệnh viện Gia Đình
Qua trường hợp trên, Bs Huỳnh Đắc Anh cũng đưa ra khuyến cáo rằng, khi có các vết thương dù chỉ là rất nhỏ, người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt hơn, tránh nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương lan rộng. Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết để tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm, ngăn nguy cơ dẫn đến những biến chứng nặng nề.
Thông tin đã được ghi nhận bởi các báo: