Tư vấn và cung cấp thông tin về sàng lọc ung thư cổ tử cung

1. Ung thư cổ tử cung là gì?
– Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, tăng sinh không kiểm soát, xâm lấn các cơ quan xung quanh cũng như di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.

2. Nguyên nhân gây nên ung thư cổ tử cung?
– Đa số các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung (UTCTC) có nguyên nhân do nhiễm vi-rút Human Papilloma virus (HPV) loại nguy cơ cao.
– Có hơn 150 loại HPV khác nhau, tuy nhiên chỉ có khoảng 15 loại được xác định liên quan đến UTCTC, trong đó loại 16 và 18 được xác định là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu, chiếm hơn 70% trường hợp.
Bên cạnh HPV, một số yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
– Hút thuốc lá.
– Quan hệ tình dục sớm, sinh con khi còn quá trẻ (< 17 tuổi).
– Sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài trên 5 năm.
– Quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục không an toàn.
– Tiền sử mắc các bệnh phụ khoa như viêm âm hộ, âm đạo, lậu, giang mai,…
– Sinh nhiều con.
– Sử dụng chất kích thích: rượu, bia, ma túy,…

3. Vì sao phải tầm soát ung thư cổ tử cung?

– Ở giai đoạn đầu của bệnh, các phương pháp điều trị mang lại hiệu quả rất lớn. Tuy nhiên ở giai đoạn này bệnh hầu như không biểu hiện triệu chứng, khiến bệnh nhân chủ quan không tầm soát để điều trị kịp thời.
– Khi bắt đầu biểu hiện triệu chứng UTCTC thì bệnh đã tiến triển, lúc này kết quả điều trị sẽ hạn chế, thời gian sống còn lại của bệnh nhân bị rút ngắn, chi phí điều trị cao, chất lượng cuộc sống suy giảm, tầm soát sớm ung thư cổ tử cung nhằm hạn chế những nguy cơ đó.

4. Những dấu hiệu nào cảnh báo ung thư cổ tử cung?
Khi gặp một trong các dấu hiệu sau, nên thăm khám bác sỹ chuyên khoa càng sớm càng tốt:
– Chảy máu bất thường sau giao hợp, giữa các kì kinh hoặc sau mãn kinh.
– Âm đạo tăng tiết dịch bất thường, hoặc có mùi khó chịu.
– Đau vùng chậu không liên quan tới kinh nguyệt.
– Đau khi giao hợp.

5. Các phương pháp được sử dụng trong sàng lọc các tổn thương tiền ung thư và UTCTC tại phòng khám Sản Phụ khoa Bệnh viện Gia Đình?
– Xét nghiệm tế bào cổ tử cung (CTC):
+ Phiến đồ tế bào CTC-âm đạo cổ điển (Pap’s test)
+ Phiến đồ tế bào CTC – âm đạo nhúng dịch (ThinPrep Pap’s test).
– Quan sát cổ tử cung với dung dịch acid acetic (Visual Inspection with Acetic acid – VIA) hoặc dung dịch lugol (Visual Inspection with Lugol’s Iodine – VILI).
– Xét nghiệm HPV DNA.

6. Thời điểm thực hiện của xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung?
Các xét nghiệm sàng lọc được thực hiện phụ thuộc vào độ tuổi và bệnh sử. Phụ nữ tiêm phòng HPV được khuyến cáo tầm soát như phụ nữ chưa tiêm phòng.
– Đối với phụ nữ dưới 21 tuổi chưa cần thực hiện tầm soát UTCTC.
– Phụ nữ từ 21 – 29 tuổi: nên làm xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap’s test hoặc Pap’s test) mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV DNA không được khuyến cáo.
– Phụ nữ từ 30 – 65 tuổi: nên làm xét nghiệm Pap và HPV đồng thời mỗi 5 năm (ưu tiên). Hoặc người bệnh có thể làm mỗi xét nghiệm Pap mỗi 3 năm. Không cần thiết tầm soát hằng năm.

Xét nghiệm Pap giúp kiểm tra những thay đổi bất thường trong tế bào của cổ tử cung

7. Khi nào ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung?
– Phụ nữ nên ngừng sàng lọc UTCTC sau 65 tuổi nếu trước đó đã có ba kết quả xét nghiệm Pap âm tính liên tiếp hoặc hai kết quả xét nghiệm Pap và HPV đồng âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm qua, và kết quả gần đây nhất được thực hiện trong vòng 5 năm.
– Đối với phụ nữ có tiền căn loạn sản cổ tử cung CIN 2, CIN 3, ung thư tuyến tại chỗ hay UTCTC nên tiếp tục tầm soát ít nhất trong vòng 20 năm nữa.

8. Phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung có cần sàng lọc không?
– Nếu người bệnh phẫu thuật cắt tử cung bán phần, còn lại cổ tử cung thì vẫn sàng lọc như phụ nữ bình thường.
– Phụ nữ đã cắt tử cung toàn phần không cần sàng lọc UTCTC. Áp dụng cho phụ nữ không còn cổ tử cung và không có tiền căn loạn sản cổ tử cung CIN 2, CIN 3 ung thư tuyến tại chỗ hay UTCTC trong vòng 20 năm.

Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất trong điều trị bệnh lý phụ khoa cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt giúp chăm sóc phục hồi sức khỏe toàn diện cho chị em phụ nữ và sản phụ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...