Biến chứng thần kinh trên bệnh nhân đái tháo đường

1. Biến chứng thần kinh trên bệnh nhân đái tháo đường là gì?
– Là tình trạng tổn thương dây thần kinh xảy ra do glucose máu tăng cao, làm tổn thương các dây thần kinh trên cơ thể. Biến chứng của bệnh thường biểu hiện rõ rệt nhất ở các dây thần kinh chi trên và chi dưới.
– Bệnh được chia thành hai nhóm chính:
+ Bệnh lý thần kinh ngoại biên: ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở ngoại biên cơ thể như thần kinh ở tay, chân, thần kinh sọ não.
+ Bệnh lý thần kinh tự chủ: ảnh hưởng đến thần kinh điều khiển hoạt động của các cơ quan như dạ dày, ruột, tim mạch, hệ tiết niệu.

2. Nguyên nhân gây nên biến chứng thần kinh?
– Tổn thương dây thần kinh và mạch máu là yếu tố chính gây bệnh thần kinh đái tháo đường.
– Ngoài ra, có một số yếu tố tác động khác như:
+ Tình trạng viêm ở thần kinh do phản ứng tự miễn: xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tưởng lầm dây thần kinh là vật lạ với cơ thể nên tấn công dây thần kinh.
+ Yếu tố di truyền.
+ Hút thuốc lá: gây hẹp và cứng mạch máu, giảm lượng máu đến các chi, làm vết thương lâu lành và gây ra tổn thương thần kinh.
+ Nghiện rượu.
+ Thời gian bị bệnh đái tháo đường: bị bệnh càng lâu càng tăng nguy cơ bị bệnh thần kinh: bệnh thần kinh ngoại vi thường gặp nhất ở các bệnh nhân đái tháo đường đã bị bệnh từ 25 năm trở lên.
+ Bệnh thận mạn: khi bệnh nhân đái tháo đường bị bệnh thận mạn, các độc chất tăng trong máu có thể làm tổn thương thêm dây thần kinh.

3. Những triệu chứng của bệnh thần kinh trên bệnh nhân đái tháo đường?
– Triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường rất đa dạng, và thường không rõ ràng, thay đổi tùy theo cơ quan bị tổn thương. Do đó bệnh nhân có thể không biết cho đến khi tổn thương nặng xuất hiện.
3.1. Tổn thương đa dây thần kinh ngoại vi

– Đây là biểu hiện thường gặp nhất, chi dưới và bàn chân có triệu chứng đầu tiên, sau đó đến triệu chứng ở chi trên và bàn tay.
– Triệu chứng thường đối xứng cả 2 bên chi. Bệnh nhân sẽ có cảm giác:
+ Tê, giảm nhận biết cảm giác đau, nóng lạnh, đặc biệt ở bàn chân.
+ Cảm giác châm chích, bỏng rát.
+ Cảm giác đau buốt, thường tăng về đêm.
+ Đau khi bước đi.
+ Triệu chứng tăng cảm: dù chạm nhẹ bệnh nhân cũng cảm thấy đau rất nhiều.
– Yếu cơ và đi lại khó khăn.
– Triệu chứng nặng: loét chân, nhiễm trùng, biến dạng bàn chân, đau ở xương khớp.

3.2. Tổn thương đơn dây thần kinh (bệnh thần kinh cục bộ)
– Bệnh chỉ ảnh hưởng đến 1 dây thần kinh, có thể là thần kinh sọ não hoặc thần kinh ở thân mình, chi dưới.
– Triệu chứng thường xảy ra đột ngột, ở người lớn tuổi.
– Người bệnh có thể cảm thấy đau nhiều ở vùng tổn thương nhưng thường tự hết sau vài tuần hoặc vài tháng. Các triệu chứng thường gặp:
+ Nhìn đôi, đau sau hốc mắt
+ Liệt dây thần kinh mặt một bên, liệt thần kinh vận nhãn gây mắt lác (lé mắt).
+ Đau ở cẳng chân, bàn chân. Đau mặt trước đùi.
+ Triệu chứng chèn ép gây hội chứng ống cổ tay: Cảm giác tê, châm chích ở ngón tay hay cảm giác yếu sức khi cầm đồ vật và có thể đánh rơi đồ vật.

3.3. Tổn thương dây thần kinh tự chủ
– Ở hệ tim mạch: Nhịp tim nhanh khi nghỉ, hạ áp tư thế (khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hoặc đứng, người bệnh cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đôi khi ngất xỉu do huyết áp hạ thấp).
– Ở hệ tiêu hóa: Cảm thấy đầy bụng sau khi ăn, buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác ngon miệng, táo bón, hoặc tiêu chảy, nhất là tiêu chảy về đêm.
– Hệ niệu, sinh dục: Ứ đọng nước tiểu trong bàng quang lâu ngày dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh nhân cũng có thể đi tiểu nhiều lần, khó nhịn tiểu. Rối loạn cương ở nam giới, khô âm đạo ở nữ.
– Tăng hoặc giảm tiết mồ hôi, rối loạn điều chỉnh thân nhiệt.

4. Phát hiện biến chứng thần kinh đái tháo đường
– Kiểm tra sức mạnh của cơ bắp, sức căng của cơ, phản xạ gân cơ, cảm giác xúc giác, nóng lạnh, độ rung của âm thoa.
– Thăm khám, kiểm tra bàn chân mỗi năm một lần
– Phương pháp kiểm tra đơn giản: dùng một sợi cước ngắn chạm vào 1 số điểm ở bàn chân của bệnh nhân, nếu bệnh nhân không nhận biết cảm giác chạm với sợi cước, bệnh nhân đã bắt đầu có tổn thương thần kinh.
– Tìm biến dạng xương và khớp ở bàn chân, các vết chai, bóng nước, các vết nứt ở da.
– Tìm sự thay đổi huyết áp khi thay đổi tư thế, sự tiết mồ hôi của da khi nghi ngờ bệnh nhân có biến chứng thần kinh tự chủ.
– Một số nghiệm pháp phức tạp hơn như:
+ Đo vận tốc dẫn truyền thần kinh.
+ Đo điện cơ.
+ Định lượng cảm giác.

5. Điều trị biến chứng thần kinh trên bệnh nhân đái tháo đường
5.1. Kiểm soát glucose máu

– Kiểm soát glucose máu tích cực có thể làm giảm nguy cơ diễn tiến của bệnh khoảng 60%.
– Mục tiêu kiểm soát glucose máu cần đạt:
+ Glucose máu khi đói 70 – 130 mg/dL (3.9 – 7.0 mmol/L).
+ Glucose máu 2 giờ sau ăn <180 mg/dL (<10 mmol/L).
– HbA1c < 7%.

5.2. Sử dụng thuốc giảm đau
– Capsaicin: kem thoa được chế từ ớt, khi thoa trên da có thể giảm đau ở một số người, tác dụng phụ có thể gặp là cảm giác bỏng rát và da bị kích thích.
– Alpha-lipoic acid: chế phẩm có tính chống oxy hóa được điều chế từ thực phẩm, có thể giảm đau hiệu quả ở bệnh thần kinh ĐTĐ, nhưng cần sử dụng thuốc từ giai đoạn sớm và trong thời gian dài.

5.4. Điều trị các biến chứng và phục hồi chức năng
– Các biến chứng của bệnh lý thần kinh ĐTĐ thường gây khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống, những biến chứng cần được theo dõi điều trị ở các cơ sở chuyên khoa:
+ Bàng quang thần kinh gây ứ đọng nước tiểu, tiểu không hết, nhiễm trùng tiểu.
+ Rối loạn nhu động dạ dày.
+ Hạ áp tư thế.
+ Loét chân do ĐTĐ.
+ Rối loạn cương.

5.5. Chăm sóc tốt bàn chân đái tháo đường
– Kiểm tra bàn chân kỹ lưỡng hằng ngày để phát hiện các bất thường.
– Nên dùng gương soi để kiểm tra kỹ lòng bàn chân hoặc nhờ người khác giúp nếu đối với những nơi không quan sát được.
– Rửa sạch bàn chân hằng ngày bằng xà phòng nhẹ, nước ấm. Lưu ý:
+ Kiểm tra nước ấm trước khi rửa chân bằng mu bàn tay, ở khủy tay hoặc nhờ người thân kiểm tra để tránh gây bỏng.
+ Không ngâm chân quá 5 phút.
+ Sau khi ngâm lâu khô da và kẽ chân bằng khăn mềm.
+ Không sưởi ấm chân bằng các phương pháp như sưởi bằng lò than, xông hơi bàn chân bằng nước nóng, đốt lá ngải hơ chân.

– Khi dưới lòng bàn chân xuất hiện những vết chai không tự ý cắt hay khui vết chai cần đến ngay bác sỹ chuyên khoa để được hướng dẫn xử trí.
– Thoa kem chống nắng lên da để trần khi đi ra nắng.
– Sử dụng kem dưỡng ẩm cho vùng da khô.
– Cắt móng tay, móng chân thường xuyên. Lưu ý:
+ Đối với người lớn tuổi, thị lực kém nên nhờ người thân trong gia đình cắt thay.
+ Phải cắt theo chiều ngang, không cắt sâu vào trong khóe.
+ Dùng dũa để mài đi những góc sắc nhọn.
+ Nên cắt ngay sau khi tắm vì khi đó móng rất mềm và dễ cắt.
– Không nên ngồi bắt chéo chân quá lâu.
– Luôn mang tất để giữ ấm và bảo vệ chân. Lưu ý:
+ Tất mềm được làm bằng len hoặc cotton có độn bông, mũi tất không chật, đường may không thô, ráp.
+ Thay tất hằng ngày.
+ Tránh dùng tất cao đến đầu gối.
– Luôn mang giày thay vì dép xỏ ngón, lựa chọn giày dép theo tiêu chí:
+ Được làm bằng vải hoặc da mềm mại, bên trong không bị gồ.
+ Giày thoáng và kích thước giày đảm bảo khi mang vào các ngón chân vẫn có thể cử động được.
+ Đế cao su dày, gót không cao, đệm gót chắc chắn, lót trong nhẵn.
+ Không nên mang dép kẹp vì rất dễ gây tổn thương ở ngón chân 1 và 2, lâu ngày nếu không được chăm sóc tốt sẽ dễ dẫn đến loét.

6. Kiểm soát và phòng ngừa biến chứng thần kinh trên bệnh nhân đái tháo đường
– Kiểm soát tốt đường máu.
– Kiểm soát huyết áp.
– Ăn uống điều độ, theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ.
– Luyện tập thể lực phù hợp với sức khỏe.
– Duy trì cân nặng thích hợp.
– Ngưng hút thuốc.
– Không uống rượu.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...