Chăm sóc đôi bàn chân để khỏe mỗi ngày

Đôi khi một vết thương nhỏ trên đôi bàn chân cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng

1. Tại sao cần phải chăm sóc bàn chân ở người bệnh đái tháo đường?
– Khi mắc bệnh ĐTĐ, lâu ngày thường có biến chứng bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh xơ vữa động mạch. Các yếu tố này là nguyên nhân chính làm cho bàn chân dễ bị tổn thương hơn so với người không mắc bệnh.
– Những người bị đái tháo đường có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 15-40 lần so với người bình thường.
– Ở người ĐTĐ, bệnh lý thần kinh cảm giác làm bệnh nhân không còn cảm thấy đau khi tiếp xúc với các vật sắc nhọn, nhiệt độ nóng hay lạnh, áp lực cũng như những sang chấn mạnh. Những điều này dễ gây ra các vết trầy xước, rộp da, bỏng, vết thương và loét.
– Đường máu tăng cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh mà còn ảnh hưởng đến các mạch máu nuôi dưỡng góp phần làm tổn thương đa dây thần kinh ngoại biên.
– Dấu hiệu đầu tiên rối loạn về cảm giác như: Tê bì, châm chích, cảm giác kiến bò, sau đó mất dần cảm giác. Việc rối loạn về cảm giác sẽ dễ làm bàn chân bị tổn thương và biến dạng, những vết chai chân dễ bị loét nhiễm trùng.
Chính vì vậy chúng ta cần học cách chăm sóc bàn chân đái tháo đường.

2. Kiểm tra chân hàng ngày
Kiểm tra bàn chân kỹ lưỡng hằng ngày để phát hiện các dấu hiệu bất thường:
– Nên chọn một thời điểm cố định trong ngày để dễ nhớ.
– Chọn nơi có ánh sáng tốt, sử dụng 1 chiếc gương để soi dưới lòng bàn chân và những vùng khó thấy.
– Tìm vết trầy xước, bỏng nước, vết sưng đỏ, các kẽ ngón chân. Kiểm tra da có bị khô, nứt, các vết chai, và móng chân có mọc cụp vào phía trong không.
– Nếu dưới lòng bàn chân xuất hiện những vết chai chân không nên tự ý cắt, nạo, cắt vết chai chân đó. Chúng ta phải tới cơ sở y tế chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị.

3. Vệ sinh bàn chân
– Rửa bàn chân hàng ngày bằng xà phòng nhẹ, nước ấm (cần kiểm tra nước ấm trước khi ngâm chân bằng cách thử trên mu bàn tay hoặc khủy tay để tránh gây bỏng).
– Sau khi rửa, lau khô chân và kẽ ngón chân bằng khăn bông mềm.
– Vệ sinh móng chân: Cắt móng chân thường xuyên. Lưu ý: chỉ cắt ngang, không cắt khóe chân. Nên giũa và mài tròn bờ móng.

4. Bảo vệ đôi chân bằng giày và tất
– Luôn mang tất để giữ ấm và bảo vệ chân:
+ Chọn tất mềm được làm bằng len hoặc cotton có độn bông.
+ Mũi tất không chật, đường may không thô, ráp.
+ Thay tất hằng ngày.
– Nên chọn giày thay vì dép xỏ ngón:
+ Giày được làm bằng vải hoặc da mềm, bên trong giày không bị gồ.
+ Giày phải thoáng và kích thước đảm bảo vừa với chân, không nên mang quá chật.
+ Luôn mang giày để tránh dẫm đạp lên vật sắc nhọn mà chúng ta không nhìn thấy.

Chọn mang giày thay vì dép xỏ ngón để bảo vệ đôi bàn chân tốt hơn

– Không nên mang dép xỏ ngón vì dễ gây tổn thương ở ngón chân 1 và 2. Lâu ngày không được chăm sóc tốt sẽ dễ dẫn đến loét.

5. Lưu thông mạch máu tại chân
– Không ngồi bắt chéo chân trong thời gian lâu.
– Tập vận động bàn chân hàng ngày để tăng lưu thông mạch máu ở bàn chân như: đi bộ, đạp xe,…
– Nên kê cao chân khoảng 10 -25cm so với mặt giường, giúp giảm ứ máu tĩnh mạch khi ngủ.

6. Thay đổi lối sống
– Không hút thuốc lá.
– Không ngâm chân trên 10 phút (đặc biệt là khi ngâm với nước nóng).
– Không đắp muối nóng.
– Không nên đi giày cao gót, giày chật.
– Không hơ chân vào lửa.
– Không để bàn chân, kẽ ngón chân ẩm ướt.
– Không đứng lâu.
– Không đi lại nhiều.
– Không tự điều trị bỏng nước.
– Không tự điều trị chai chân.
– Không tự điều trị vết loét nhỏ ở chân.

7. Bổ sung dinh dưỡng
– Áp dụng thực đơn để kiểm soát tốt đường máu, tăng cường vitamin nhóm B đặc biệt B1, B6, B12, và vitamin E, A, selenium , omega 3 có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường axit folic, giảm chất béo động vật,…
– Một số thực phẩm giàu vitamin nhóm B có nhiều trong thịt gà, gan, trứng, cá hồi, súp lơ, nấm, dâu, các loại đậu, bắp,…

8. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ
– Kiểm soát đường máu: cần duy trì đường máu ổn định; đạt mục tiêu kiểm soát về đường máu đói, đường máu bất kỳ và HbA1c phù hợp với tuổi và nguy cơ hạ đường máu, để ngăn ngừa biến chứng.
– Kiểm soát mỡ máu: kiểm soát tốt chỉ số LDL.C, mục tiêu cần đạt ở đối tượng đái tháo đường là < 100 mg./dl và < 70 mg/dl đối với bệnh nhân có xơ vữa mạch máu hoặc bệnh lý tim mạch khác.
– Kiểm soát xơ vữa mạch máu: đo ABI hoặc siêu âm mạch máu chi dưới định kỳ 01 lần/ năm.
– Kiểm soát bệnh thần kinh: đo điện cơ dẫn truyền, đánh giá cảm giác thần kinh bởi bác sỹ chuyên khoa.

9. Thăm khám định kỳ cùng bác sỹ chuyên khoa

– Khám bàn chân định kỳ nếu bàn chân có các dấu hiệu như sau:
+ Rối loạn cảm giác: dị cảm như kiến bò, tê rần bàn chân tăng về đêm, mất cảm giác với nhiệt độ.
+ Đi không vững, dễ té ngã.
+ Có vết chai chân, mụn nước.
+ Thay đổi màu sắc da chân, móng chân.
+ Vết loét lỡ ở ngón, kẽ chân và dưới dưới lòng bàn chân.

Để bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường hạn chế tổn thương, biến chứng đừng quên:
– Chăm sóc bàn chân.
– Điều trị đái tháo đường.
– Phát hiện tổn thương bàn chân.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...