Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường

1. Tại sao bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ chế độ ăn?
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ mang lại:
– Giúp đường huyết sau ăn không tăng cao.
– Bảo vệ tim mạch, kiểm soát huyết áp, mỡ máu.
– Tránh hạ đường huyết ở những bệnh nhân dùng thuốc có nguy cơ hạ đường.
– Giảm và duy trì cân nặng ở mức tốt nhất.

2. Ăn như thế nào là đúng và đủ?
– Nên ăn đúng giờ đúng bữa trong ngày (sáng, trưa, chiều).
– Không nên ăn nhiều bữa nhỏ hay ăn xế.
– Tránh tối đa việc ăn khuya vì rất dễ làm đường huyết buổi sáng tăng, trừ trường hợp phải tiêm insulin vào buổi tối.
– Nên ăn các thực phẩm được nấu tại nhà, chế biến đơn giản như hấp, tiềm, luộc.
– Hạn chế tối đa việc ăn bên ngoài.
– Không nên ăn quá nhiều hoặc quá ít phòng nguy cơ tăng/hạ đường huyết.
– Nên tham khảo ý kiến của bác sỹ điều trị trước khi sử dụng thực phẩm đóng gói sẵn.

3. Các chất dinh dưỡng cơ bản cần có trong khẩu phần ăn?
3.1. Các chất dinh dưỡng cơ bản cần có trong khẩu phần ăn
3.1.1. Tinh bột
– Tinh bột (Glucid): chiếm 50 – 60% tổng số năng lượng của khẩu phần.
– Mặc dù chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường cần phải hạn chế tinh bột, tuy nhiên không được hạn chế quá nhiều bởi cơ thể cần có tinh bột để duy trì được cân nặng và hoạt động sống.
– 01 phần glucid # 200 kcalo: Tương đương với 1 chén cơm gạt, 1 ổ bánh mì, 2 củ khoai lang, 1 trái bắp, 4 lát sandwich, 200g bún tươi, 2 tô cháo, 200g mì spagetty đã chín.

3.1.2. Chất đạm
– Chất đạm (Protid): chiếm 15-20% tổng số năng lượng của khẩu phần.
– Cần cung cấp lượng protein 0,8g/kg/ngày đối với người lớn.
– Nên sử dụng phối hợp giữa protein động vật với protein thực vật:
+ Protein động vật: thịt, cá, trứng, sữa,…
+ Protein thực vật: vừng lạc, đậu, đỗ,…
– 01 phần protid # 80 -100 kcalo: tương đương 1 khứa cá 50 -80g, mực 100 g, trứng 1 quả, thịt heo, gà, bò 50 -60g, đậu phụ 100g, 1 con cua vừa 250g, tôm khoảng 150g.
– Theo kết quả của 20 nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Đại học Y tế Cộng đồng Harvard, ăn các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá thu và cá mòi từ 1~3 lần một tuần giúp giảm tới 36% nguy cơ tử vong do bệnh tim.
– Không nên sử dụng khẩu phần ăn có quá nhiều đạm sẽ không tốt cho thận.

3.1.3. Chất béo
– Chất béo cung cấp năng lượng cho hoạt động sống của cơ thể.
– Chất béo (Lipid): chiếm 25% tổng số năng lượng khẩu phần và không nên vượt quá 30%.
– Nên ăn các axit béo bão hòa có trong các loại dầu hạt như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương,…
– Hạn chế các loại chất béo bão hòa từ mỡ động vật và các loại chất béo đã qua chế biến (margarin, các loại dầu ăn có nguồn gốc hóa học hay đã qua chiên xào rồi dùng lại) vì dễ gây xơ vữa động mạch.

3.2. Các loại thực phẩm nên sử dụng
3.2.1. Rau xanh
– Rau củ quả bổ sung nguồn dinh dưỡng tự nhiên vitamin và khoáng chất giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng.
– Ăn nhiều chất xơ sẽ giúp bạn cảm thấy no nhanh hơn, do đó có thể giảm bớt khẩu phần ăn, dẫn đến giảm cân.
– Một vài loại củ rất tốt cho sức khỏe như: bông cải xanh, mướp đắng, hành tây, rau bắp cải, súp lơ, rau rền, rau diếp cá, cà rốt,…
– Đặc biệt trong cà rốt có hàm lượng beta – carotene cao giúp kiểm soát đường huyết, làm chậm quá trình chuyển hóa đường trong máu, giảm lượng đường huyết một cách hiệu quả.
– Lưu ý: Bệnh nhân đã lớn tuổi nên ăn rau xanh với mức độ vừa phải. Việc cung cấp quá nhiều chất xơ cũng gây nên khó tiêu hóa.

3.2.2. Trái cây
– Đường trong trái cây là loại đường fructose. Đường frutose làm tăng đường huyết chậm hơn đường sucrose (đường mía) do đó bệnh nhân đái tháo đường có thể dùng được.
– Nên ăn những loại trái cây có màu đậm bởi loại này thường có nhiều loại vitamin và chất khoáng.
– Nên dùng trái cây ở mức vừa phải tránh nguy cơ làm tăng mức đường huyết và tăng nồng độ các loại mỡ không tốt cho tim mạch.
– Phần ăn khuyến nghị khoảng 10 gam/01 suất trái cây: tương đương ½ quả táo, ½ quả lê, ½ quả cam, ½ quả ổi, 4 quả nho, 4 quả vải, 4 quả chôm chôm, 1 lát nho (1cm) đu đủ hoặc thơm, dưa hấu.
– Khi đã ăn trái cây thì nên bớt lượng chất bột trong bữa ăn hàng ngày với liều lượng tương đương.
– Tuyệt đối không được ăn trái cây để thay các loại thực phẩm khác.
– Ăn trái cây nguyên múi, nguyên miếng thay vì uống nước ép.

3.2.3. Sữa và sản phẩm từ sữa

– Nên sử dụng sữa không đường, sữa đậu nành hay các loại sữa được chế biến đặc biệt cho bệnh nhân đái tháo đường.
– Ăn một hủ yaourt không đường trước bữa ăn có thể làm giảm sự hấp thu chất bột đường và ít làm tăng đường huyết sau ăn.
– Nên uống sữa vào buổi sáng hoặc buổi trưa thay vì buổi tối.
– Vào những ngày mệt mỏi hay chán ăn, có thể dùng những loại sữa đóng hộp sẵn thay thế bữa ăn (với năng lượng tương đương).

3.3. Thực phẩm không nên ăn, hạn chế
– Phủ tạng động vật, thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội, cũng góp phần ảnh hưởng tới sức khỏe.
– Các loại nước ngọt, nước mía bánh kẹo ngọt,… chỉ nên sử dụng cho trường hợp cấp cứu hạ đường huyết.

3.4. Uống bao nhiêu nước một ngày là đủ?
– Cách tính lượng nước cần thiết cho cơ thể:
Trọng lượng cơ thể/ 0,03 = Số nước cần uống 1 ngày (ml)
– Uống nước đun sôi để nguội là tốt nhất.
– Hạn chế sử dụng rượu bia.
– WHO quy định 10g đơn vị uống chuẩn: tương đương 1 chén rượu dung tích 30ml bằng 1 ly rượu vang 100ml bằng 1 cốc bia hơi 330 ml, bằng 2/3 chai hoặc lon bia 5 độ 330ml.

4. Những lưu ý dành cho bệnh nhân ĐTĐ có bệnh lý nền
– Tăng huyết áp:
+ Nên sử dụng <5g muối/ngày (khoảng 1 thìa cafe muối, hoặc 2 thìa nước mắm nhỏ).
+ Ăn thực phẩm giàu kali, canxi.
– Rối loạn mỡ máu:
+ Hạn chế các loại chất béo bão hòa như mỡ động vật và các loại chất béo đã qua chế biến.
+ Giảm chất béo trong khẩu phần ăn.
– Bệnh thận:
+ Hạn chế thực phẩm giàu kali.
+ Nên sử dụng 1/2 thìa cafe muối/ ngày hoặc ăn nhạt khi có phù hoặc suy tim.
+ Quan tâm đến lượng đạm nạp vào cơ thể mỗi ngày.

5. Nguyên tắc ¼ đĩa thức ăn dành cho bệnh nhân đái tháo đường

– Chế độ ăn riêng cho từng cá nhân phụ thuộc vào các yếu tố sau:
+ Mức cân nặng, giới tính.
+ Nghề nghiệp (mức độ lao động nhẹ, trung bình, nặng).
+ Thói quen và sở thích.

Nguyên tắc ¼ đĩa thức ăn dành cho bệnh nhân đái tháo đường (Kích thước đĩa = 25cm):
– Thành phần xơ (rau các loại): Chiếm ½ đĩa.
– Tinh bột (cơm, phở, hủ tiếu, bún, mì, bánh mì, ngô, khoai,…): Chiếm ¼ đĩa thức ăn.
– Thành phần đạm (thịt, cá, tàu hủ,…): Chiếm ¼ đĩa.
– Chất béo (dầu ăn, mỡ, bơ, phô mai,…): 1 muỗng nhỏ khoảng 2ml.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...