Đau đầu nguyên phát

Đau đầu là một bệnh lý phổ biến trong đời sống và cũng là triệu chứng thường gặp trong rất nhiều loại bệnh lý.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận:
• 60-75% người trưởng thành có ít nhất 1 lần bị nhức đầu/1 năm
• Chỉ 5-10% bệnh nhân nhức đầu đi khám bệnh
• 2.8 triệu bệnh nhân/năm vào khám tại khoa cấp cứu vì nhức đầu
• 10% các bệnh nhân nhức đầu là các trường hợp cần điều trị cấp cứu

1. Đau đầu và phân loại đau đầu?
– Đau đầu là cảm giác khó chịu vùng giới hạn bởi ụ chẩm và hốc mắt do kích thích các cảm thụ thần kinh đau tại vị trí này.
– Theo thống kê hiện tại có tới hơn 150 loại nhức đầu khác nhau. Được phân loại thành:

1.1. Đau đầu thứ phát
– Chấn thương đầu và cổ.
– Bệnh mạch máu trong sọ và cột sống cổ.
– Bệnh nội sọ khác không do nguyên nhân mạch máu: Tăng áp lực nội sọ tự phát, u nội sọ, đau đầu sau co giật.
– Do thuốc.
– Rối loạn tâm thần.
– Bệnh ở cổ, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng.
– Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
– Đau dây thần kinh V.

1.2. Đau đầu nguyên phát
– Đau đầu Migraine.
– Đau đầu căng cơ.
– Đau đầu từng cụm.
– Các đau đầu nguyên phát khác như: đau khi gắng sức, đau nửa đầu liên tục,…

3 loại thông thường nhất là đau đầu migraine, đau đầu căng cơ và đau đầu từng cụm

2. Đau đầu migraine – Những điều cần biết
– Đau nửa đầu Migraine là bệnh thường gặp trong các bệnh đau đầu. Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh đau đầu migraine vẫn chưa được xác định rõ, nhưng một số nghiên cứu cho thấy cơn đau đầu dữ dội có thể xuất phát từ việc chức năng não bị rối loạn, do các mạch máu não giãn nở và giải phóng các chất serotonin, dopamin.
– Những dấu hiệu và triệu chứng thường khác nhau đối với mỗi bệnh nhân. Vì thế cảm giác của bệnh nhân trước, trong và sau mỗi cơn đau thường không được xác định chính xác.
– Có bốn giai đoạn phổ biến trong một cơn đau nửa đầu, nhưng không phải tất cả bệnh nhân đều trải qua cả bốn giai đoạn.
– Các giai đoạn và các triệu chứng trong từng giai đoạn cũng có thể khác nhau trong từng lần đau ở cùng một bệnh nhân.

2.1. Các yếu tố khởi phát đau đầu Migraine
– Yếu tố tâm lý: stress, ngủ ít, ngủ quá nhiều.
– Yếu tố môi trường: thay đổi thời tiết, thuốc lá, nước hoa,…
– Hormon: chu kì kinh nguyệt, thai kỳ, mãn kinh, thuốc ngừa thai.
– Chế độ ăn: ăn uống không điều độ, lạm dụng rượu, chất caffein,

2.2. Dấu hiệu báo trước
– Tâm thần: trầm cảm/ kích thích.
– Thần kinh thực vật: mệt mỏi, đổ mồ hôi, buồn nôn, tiêu chảy/ táo bón.

2.3. Dấu hiệu báo trước cơn đau (tiền triệu)
– Giảm thị lực.
– Cảm giác tê bì châm chích 1 bên.
– Mất ngôn ngữ thoáng qua.
– Triệu chứng thị giác dạng chói sáng di chuyển và có cấu trúc.

2.4. Đặc điểm cơn đau
Bệnh nhân sẽ gặp phải ít nhất 2 trong số các đặc tính:
– Khởi phát thường đau một bên đầu, sau đó có thể lan sang hai bên.
– Đau theo nhịp mạch.
– Cường độ tăng dần và dữ dội.
– Thời gian đau từ vài giờ đến vài ngày nếu không điều trị.

2.5. Triệu chứng đi kèm
Thường có ít nhất 1 trong số các triệu chứng sau:
– Buồn nôn, nôn.
– Sợ tiếng động.
– Sợ ánh sáng.
– Sợ mùi.
– Chóng mặt tư thế.
– Mất khả năng tập trung.

2.6. Sau cơn đau
Người bệnh có thể gặp triệu chứng mệt mỏi, uể oải, cảm giác yếu toàn thân, buồn ngủ.

2.7. Biến chứng
– Cơn đau có thể kéo dài từ 4 – 72 giờ, thậm chí đến vài ba ngày nếu không được khắc phục.
– Bệnh nhân phải chịu đựng những khó chịu của cơn đau dẫn đến chất lượng sống giảm sút.
– Dẫn đến chứng trầm cảm nếu không được điều trị.

3. Đau đầu căng cơ
Đau đầu căng cơ là tình trạng các cơ vùng mặt, cổ, da đầu bị co thắt gây tăng áp lực trong các cơ, làm lượng máu nuôi cơ bị sụt giảm, thúc đẩy việc tạo acid lactic dẫn đến kích thích phóng thích các chất gây đau.

3.1. Yếu tố khởi phát
3.1.1. Chế độ ăn uống
Một trong những yếu tố khiến cơn đau đầu căng cơ khởi phát là do tiêu thụ những loại thực phẩm chứa nhiều các chất sau đây:
• Tyramine: Có nhiều trong phô mai, nho khô, chế phẩm lên men của đậu nành và các loại men rượu.
• Monosodium glutamate: Đây là chất dùng làm phụ gia thực phẩm, ví dụ như bột ngọt.
• Cafein: Một lượng cafein nhất định có thể giúp tỉnh táo, tuy nhiên nếu nồng độ cafein trong cơ thể dao động bất thường dễ gây đau đầu.
Ngoài ra, những người thường bỏ ăn sáng hoặc ăn trưa thường hay bị đau đầu ngay sau khi dùng bữa do khoảng thời gian giữa các bữa ăn quá xa.

3.1.2. Thói quen sinh hoạt
Đau đầu do căng cơ cũng có thể là hậu quả của lối sống thiếu khoa học, chẳng hạn như:
– Ngủ quá ít hoặc quá nhiều, dễ khiến đau đầu ngay sau khi thức giấc.
– Tư thế cổ và vai khi làm việc không đúng, ngồi cúi đầu quá lâu.
– Nằm nghỉ ngơi sai cách đầu, gối đầu quá cao.
– Sang thương tâm lý như stress, lo âu buồn phiền, mệt mỏi kéo dài.

3.2. Đặc điểm cơn đau
Một số biểu hiện được coi là triệu chứng của đau đầu căng cơ là:
– Thời gian cơn đau: kéo dài từ 30 phút đến 7 ngày.
– Người bệnh có ít nhất 2 trong số các đặc tính cơn đau sau đây:
+ Cảm giác đau nặng đầu.
+ Cường độ nhẹ tới trung bình.
+ Đau hai bên.
+ Không tăng khi hoạt động
– Người bệnh có tất cả các triệu chứng:
+ Không nôn ói.
+ Chỉ có một trong các triệu chứng: buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động.
+ Thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng không phát hiện bệnh lý khác.

4. Đau đầu từng cụm

– Đau đầu cụm (Cluster headaches) xảy ra theo chu kỳ hoặc theo cụm (đau từng đợt diễn ra gần nhau), đây là một trong những loại đau đầu gây khó chịu nhất.
– Đau đầu cụm thường đánh thức người bệnh vào giữa đêm với cơn đau dữ dội hoặc xung quanh một bên mắt.
– Một cụm đau có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Sau khi cơn đau thuyên giảm thì sẽ không có cơn đau xảy ra trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
– Đau đầu cụm hiếm khi xảy ra và không nguy hiểm đến tính mạng.

4.1. Đặc điểm cơn đau
– Cường độ rất dữ dội.
– Cơn đau tập trung một bên hốc mắt hoặc trán gần phía thái dương, ở một bên đầu.
– Một cơn kéo dài 15 – 180 phút nếu không điều trị.
– Số cơn đau: từ 1 cơn/2 ngày cho đến 8 cơn/ngày.

4.2. Triệu chứng phối hợp ở phía bên đau
Có ít nhất 1 triệu chứng ở cùng phía xảy ra cơn đau:
– Sung huyết kết mạc mắt.
– Chảy nước mắt.
– Chảy nước mũi.
– Nghẹt mũi.
– Vã mồ hôi ở trán, mặt.
– Co đồng tử.
– Hẹp khe mi.
– Phù mi mắt.

4.3. Yếu tố khởi phát
Các yếu tố nguy cơ gây đau đầu cụm bao gồm:
– Giới tính: Nam giới có nhiều khả năng bị đau đầu cụm hơn so với phụ nữ.
– Tuổi tác: Hầu hết đau đầu cụm xảy ra ở độ tuổi từ 20 đến 50.
– Hút thuốc: Nhiều người bị đau đầu cụm có hút thuốc lá.
– Sử dụng rượu: Nếu bạn bị đau đầu cụm, uống rượu trong thời gian cụm có thể làm tăng nguy cơ bị đau đầu nặng hơn.
– Tiền sử gia đình: Có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị đau đầu cụm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

5. Dấu hiệu để nhận biết những cơn đau đầu nguy hiểm
– Đau đầu do dị dạng mạch máu não: Cơn đau đầu âm ỉ, dai dẳng và đôi khi phát lên cơn đau lớn thậm chí có thể kèm theo tình trạng liệt run.
– Đau đầu do viêm màng não: Thường gặp ở trẻ em, cơn đau xuất hiện dữ dội, uống thuốc không thuyên giảm, cổ cứng, nôn, sợ ánh sáng, sốt cao.
– Đau đau do u não: Gây tăng áp lực nội sọ, ở giai đoạn đầu cơn đau thường âm ỉ và kéo dài. Giai đọan sau bệnh nhân đau đầu liên tục, kèm theo buồn nôn, giảm thị lực, có dấu hiệu liệt chi hoặc liệt dây thần kinh sọ não.
– Đau đầu do xuất huyết não: Cơn đau đột ngột, dữ dội và thể méo miệng, nói khó, liệt nửa người.
– Đau đầu do chấn thương sọ não: Xảy ra sau một chấn thương sọ não, sau đó xuất hiện tình trạng đau đầu, buồn nôn, yếu nửa người, rối loạn ý thức.

6. Thay đổi lối sống – cải thiện đau đầu
Lối sống quyết định đến 80% sức khỏe của mỗi người. Đối với các trường hợp đau đầu nhẹ và không xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, bệnh nhân có thể cải thiện cơn đau bằng cách thay đổi lối sống.

6.1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý – cải thiện đau đầu
Thực hiện chế độ dinh dưỡng đảm bảo tiêu chí khoa học, đúng cách, giúp chống gốc tự do là cách để người bệnh có thể kiểm soát cơn đau đầu hiệu quả.

6.1.1. Rau xanh và trái cây
– Rau xanh và trái cây cung cấp nhiều vitamin muối khoáng cần thiết.
– Cung cấp các loại rau xanh, củ quả giàu kali, magie,… sẽ tốt cho não bộ.

– Nên chọn những loại rau xanh, trái cây giàu magie như cà rốt, bắp cải, các loại trái cây nhiều nước như dưa hấu, thanh long, khoai tây nướng.

6.1.2. Chất đạm từ cá & các loại hạt
– Thường xuyên bổ sung các loại cá béo vào bữa ăn hàng ngày của bạn sẽ giúp giảm đau và viêm. Các loại cá béo như cá hồi và cá ngừ giàu axit béo omega-3.
– Đồng thời trong ngũ cốc còn chứa magie có tác dụng làm dịu những cơn đau đầu, đau nửa đầu.

6.1.3. Gia vị
– Gừng được biết đến với tính chống viêm và các triệu chứng buồn nôn, đau nửa đầu.
– Khi bị đau đầu hoặc đau nửa đầu, uống một tách trà gừng sẽ giúp giảm các triệu chứng.
Lưu ý: không nên dùng gừng với lượng lớn vì gừng có thể gây ra chứng ợ nóng nhẹ, tiêu chảy.

6.1.4. Nước
– Nước cần thiết cho não để sản xuất nội tiết tố và các chất dẫn truyền thần kinh. Giảm sốc cho não và tủy sống.
– Mất nước là một trong những nguyên nhân chính gây nhức đầu và chứng đau nửa đầu.
– Do đó, uống nhiều nước rất quan trọng cho sức khoẻ của cơ thể.

6.1.5. Những thực phẩm hạn chế/ không nên sử dụng
– Hút thuốc lá: giảm hút thuốc lá sẽ làm tăng lưu thông máu đến não, hạn chế đau đầu.
– Những loại thức uống có tính acid cao.
– Hạn chế chất béo động vật.
– Cắt giảm thức ăn vặt, phụ gia thực phẩm và chất làm ngọt nhân tạo như bột ngọt, bột canh để giảm bớt cơn đau đầu.

6.2. Vận động thể lực đều đặn
– Theo nghiên cứu của trường Y Harvard, chìa khóa cho một tâm trí thoải mái là một cơ thể thoải mái.

“Cơ thể thoải mái sẽ lần lượt gửi các tín hiệu bình tĩnh và kiểm soát giúp giảm căng thẳng tinh thần”

– Cách đơn giản nhất để thư giãn cơ thể là tập thể dục, các bài tập có thể giúp giải phóng cơ thể, nâng cao khả năng sản sinh các hoóc môn như endorphin, và giảm mức độ của các kích thích tố căng thẳng như adrenaline và cortisol.
– Nên chọn bài tập phù hợp với thể trạng mỗi người: Yoga, khí công,…
– Tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày hoặc 150 phút/tuần, đặc biệt không nghỉ quá 2 ngày liên tục.
– Lưu ý:
+ Hạn chế, giảm cường độ vận động đối với những trường hợp có bệnh lý về thần kinh, tim mạch, tăng huyết áp.
+ Ngưng tập thể dục khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực, đau nhức cơ khớp gối và hông.

6.3. Thư giãn đầu óc
– Tình trạng lo lắng và căng thẳng có thể khiến cơ thể rơi vào tình trạng thở gấp, để bình tĩnh lại, cần tăng nguồn cấp oxy cho não. Thư giãn đầu óc giúp kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm chậm nhịp tim, tăng hoạt động đường ruột, và làm giãn co thắt dạ dày.
– Báo chí, phim ảnh, các tin tức giật gân,… được ví như đồ ăn nhanh cho đầu óc, chúng rất nhiều đạm, ăn nhiều có thể phấn khích, nhưng không tốt.
– Cách thư giãn đầu óc hiệu quả nhất là cho đầu óc ăn “rau” như đọc sách, nghe nhạc, thiền, giải trí nhẹ nhàng,…
– Ngửi mùi hương khuếch tán từ các loại tinh dầu như bạc hà và hoa oải hương cũng giúp giảm đau đầu hiệu quả

6.4. Ngủ đủ giấc
– Giấc ngủ điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể, giúp cho não bộ được nghỉ ngơi, loại trừ căng thẳng và mệt mỏi, tăng cường khả năng tập trung, trí nhớ và sự sáng suốt.
– Trong khi ngủ, trái tim được giảm cường độ hoạt động, nhịp độ của hệ tuần hoàn ổn định hơn,… Chính vì vậy bạn cần phải có một giấc ngủ sâu đầy đủ.

Lưu ý: Trước khi ngủ hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng,… để não bộ được ổn định và tránh căng thẳng.

6.5. Tránh gây áp lực lên cổ gáy
Đây là phương pháp hữu hiệu dành cho những người thường xuyên đau đầu căng cơ.
Tránh gây áp lực lên cổ gáy bằng cách:
– Nằm tư thế đầu thấp.
– Chọn gối phù hợp.
– Tránh lao động, mang vác nặng.
– Tránh thay đổi tư thế đột ngột.

7. Làm thế nào khi cơn đau đầu xuất hiện?
– Khi thấy cơn đau đầu có những biểu hiện bất thường, nên đến ngay cơ sở y tế khám và đánh giá để xác định chính xác nguyên nhân gây ra đau đầu.
– Tuyệt đối không nên chủ quan với các cơn đau đầu bất thường chưa rõ nguyên nhân và nghĩ đó là do thời tiết, thiếu máu não, hay do hội chứng tiền đình… mà tự ý mua các thuốc giảm đau, thuốc cảm cúm về dùng.
– Đối với những cơn đau đầu nguy hiểm cần phải được thăm khám cẩn thận để can thiệp kịp thời.
– Đối với một số cơn đau đầu thông thường được liệt kê ở trên bạn có thể cải thiện các triệu chứng nhờ vào lối sống cân bằng và lành mạnh.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...