Những điều cần biết về gãy mỏm khuỷu và phẫu thuật kết hợp mỏm khuỷu

1. Tổng quan
1.1. Vị trí của Khuỷu tay
Theo định nghĩa của y học, khủy tay chính là bộ phận nằm giữa hai cấu trúc lớn và mạnh mẽ đó chính là phần cánh tay và cẳng tay.
1.2. Cấu tạo của Khuỷu tay
Xét về mặt cấu tạo, tại khớp khuỷu tay có 3 vùng xương nhô ra, đây là những nơi để các gân bám vào. Mặt bên ngoài khuỷu tay có mỏm trên lồi cầu ngoài- vị trí bám của các cơ duỗi cổ tay và các ngón tay. Bên trong khuỷu thì có mỏm trên lồi cầu trong là nơi có các cơ thực hiện thao tác gập cổ tay và các ngón tay bám vào. Xung quanh khớp vùng khuỷu tay còn có dây chằng và bao khớp.
+ Bao khớp khủy tay: Bao khớp có nhiệm vụ bao bọc và bảo vệ cả 3 mặt khớp. Ở phía trên, bao khớp bám vào đầu dưới xương cánh tay tại vị trí cao hơn bờ chu vi của ròng rọc và chỏm con. Ở phía dưới, nó bám vào cổ xương quay và khuyết ròng rọc cũng như khuyết quay xương trụ. Chính vì vậy mà toàn bộ chỏm xương quay nằm trong bao khớp.
+ Các dây chằng khuỷu tay: Là những giải sợi màu trắng, bền được tạo thành bởi các thớ sợi chạy song song giữa hai điểm vào. Tại khuỷu tay có các dây chằng như dây chằng bên trụ ở trong, dây chằng bên quay ở ngoài, dây chằng vòng quay bao quanh chỏm xương và dây chằng vuông làm nhiệm vụ giữ cho khớp khuỷu tay ở đúng vị trí.
1.3. Chức năng của Khuỷu tay
Trong các hoạt động hàng ngày, khuỷu tay giữ chức năng giúp chúng ta có thể dễ dàng thực hiện các cử động gập duỗi và sấp ngửa cẳng tay một cách dễ dàng.
1.4. Gãy mỏm khuỷu là gì?
Là gãy đầu trên xương trụ cùng với mỏm vẹt.Thường do một chấn thương mạnh ngã đập khuỷu.
Do là chỗ bám cơ tam đầu nên thường di lệch, gãy nội khớp nên ảnh hưởng tới vận động gấp duỗi khuỷu.

2. Triệu chứng thường gặp.

Sau chấn thương có các biểu hiện:

– Đau nhiều vùng khuỷu tay, khuỷu tay sưng nề, bầm tím

– Biến dạng khuỷu tay hoặc khu vực gần khuỷu tay

– Mất vận động khớp khủy tùy mức độ:

+ Khó di chuyển khuỷu tay một cách bình thường

+ Khó uốn và duỗi

+ Khó xoay bản tay vào trong và xoay ra ngoài

– XQ: xác định được đặc điểm ổ gãy

3. Biến chứng có thể xảy ra nếu không điều trị.
– Hạn chế vận động khớp khuỷu.
– Sưng đau nhiều ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như các hoạt động hằng ngày.
– Xương can lệch.
– Trường hợp gãy hở có thể gây nhiễm trùng, viêm xương, hoại tử…

4. Hướng điều trị
4.1. Điều trị bảo tồn
Điều trị bảo tồn là điều trị nội khoa kết hợp nắn và bó bột. được áp dụng trong trường hợp:
– Gãy không di lệch, di lệch ít hơn 2mm
– Bác sỹ sẽ có chỉ định nắn và bó bột cánh cẳng bàn tay trong 4 tuần

4.2. Điều trị phẫu thuật kết hợp gãy mỏm khuỷu
– Phẫu thuật kết hợp khớp khủy tay được chỉ định cho gãy di lệch nhiều, gãy hở.
– Phương tiện được sử dụng để kết hợp xương là: Đinh và chỉ thép hoặc nẹp vít.

 

Hình ảnh kết hợp xương bằng vít xốp

5. Phẫu thuật kết hợp xương mỏm khuỷu
5.1. Định nghĩa:
Là phẫu thuật sử dụng các phương tiện kết hợp xương (nẹp vít, đinh…) để kết hợp xương lại về hình thái giải phẫu ban đầu, tạo điều kiện phục hồi chức năng của khớp khuỷu.
5.2. Việc cần thiết phải thực hiện phẫu thuật:
Xương gãy không được phục hồi đúng cấu trúc giải phẫu, gây đau, giảm chức năng vận động. Cần phải phẫu thuật để phục hồi giải phẫu chính xác, giảm đau, nhanh phục hồi, giúp người bệnh lấy lại vận động.
5.3. Phẫu thuật KHX mỏm khuỷu được thực hiện như thế nào?
– Phẫu thuật được tiến hành dưới gây tê đám rối hoặc gây mê.
– Bác sỹ sẽ rạch một đường mổ dài khoảng 5-10 cm mặt sau mỏm khuỷu, bộc lộ xương gãy, cố định mỏm khuỷu bằng đinh và chỉ thép hoặc nẹp vít.
– Sau đó vết mổ được đóng lại, được đặt dẫn lưu hoặc không.

6. Những nguy cơ chiếm tỷ lệ thấp có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật:
– Nguy cơ của thuốc gây tê/ gây mê lên hệ thống tuần hoàn và hô hấp như: dị ứng thuốc, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim… Có thể xử trí được bằng cấp cứu với từng trường hợp cụ thể.
– Chảy máu
– Nhiễm trùng
– Cal lệch, chậm lành, không lành, khớp giả

7. Thời gian điều trị:
7.1. Thời gian điều trị bảo tồn và cách chăm sóc bột:
– Bệnh nhân điều trị bảo tồn thực hiện ở ngoại trú.
– Bệnh nhân phải mang bột cố định cánh cẳng bàn tay trong vòng 4-6 tuần.
– Trong thời gian mang bột bệnh nhân cần tuân thủ những điều sau:
+ Không để ướt bột, hạn chế vận động.
+ Treo tay cao theo hướng dẫn.
+ Theo dõi các đầu chi nếu sưng đau nhiều hoặc chặt bột phải tái khám ngay.
+ Không dùng que đưa vào trong bột để gãi sẽ gây xay xát da dễ dẫn đến nhiễm trùng vết thương hoặc làm đùn bông gây chèn ép mạch máu.
+ Không cọ xát bột với vật cứng sẽ gây hỏng bột.
+ Tập vận động theo hướng dẫn của KTV.
+ Uống thuốc theo đơn, tái khám sau 05 ngày hoặc hỏng bột
7.2. Thời gian phẫu thuật kết hợp mỏm khủy.
– Bệnh nhân được nhập viện và thực hiện phẫu thuật ngay trong ngày ( nếu tình trạng bệnh ổn định).
– Thời gian phẫu thuật mất khoảng 1-2 giờ, sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ nằm hậu phẫu khoảng 2 giờ, sau khi tình trạng BN ổn định sẽ được chuyển về lại khoa để theo dõi và điều trị tiếp.
– Sau phẫu thuật bệnh nhân cần nằm lại điều trị thuốc, chăm sóc vết thương và theo dõi thêm 7 ngày sẽ được xuất viện (nếu tình trạng ổn định).

8. Những điều bệnh nhân cần biết trước – trong phẫu thuật và sau khi ra viện.
8.1. Những điều cần biết trước khi phẫu thuật
8.1.1. Ước lượng chi phí điều trị: Báo chi phí phẫu thuật kết hợp xương và chi phí tháo phương tiện sau này.
8.1.2. Cung cấp thông tin cho nhân viên y tế:
– Cung cấp thẻ BHYT/BHCC nếu có để đảm bảo quyền lợi trong quá trình điều trị.
– Cung cấp tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nước uống.
– Cung cấp tiền sử bệnh đang mắc phải như: Tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp (ho, đau họng, chảy mũi).
– Cung cấp thông tin thuốc đang sử dụng: Thuốc chống đông, thuốc chống dị ứng, hen suyễn…
– Nếu bệnh nhân là nữ cần cung cấp thông tin về vấn đề kinh nguyệt, nghi ngờ mang thai.
8.1.3. Những điều bệnh nhân cần thực hiện trước mổ để đảm bảo an toàn cho cuộc mổ:
– Có người nhà chăm sóc trong quá trình nằm viện.
– Trong thời gian điều trị, nếu muốn sử dụng các lọai thuốc, thực phẩm chức năng ngoài y lệnh cần phải xin ý kiến của bác sỹ.
– Phải làm đầy đủ các xét nghiệm trước mổ như: Công thức máu, chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận, HIV, viêm gan B, chụp phim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim.
– Phải nhịn ăn uống hoàn toàn trước mổ (kể cả uống nước, sữa, café, kẹo cao su) ít nhất 6h, để tránh biến chứng trào ngược thức ăn gây sặc, ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình mổ. Nếu đã lỡ ăn uống thì phải báo lại nhân viên y tế.
– Cởi bỏ tư trang cá nhân, răng giả, kính áp tròng, lông mi giả (nếu có) giao cho người nhà giữ hoặc nếu không có người nhà có thể ký gửi tại phòng hành chính khoa.
– Cắt ngắn và tẩy sạch sơn móng tay chân (nếu có), búi tóc gọn gàng đối với nữ, cạo râu sạch sẽ đối với nam.
– Đi tiểu trước khi chuyển mổ.
– Không xóa ký hiệu đánh dấu vị trí vết mổ.
– Theo dõi tình trạng chi gãy nếu có các biểu hiện sau cần báo nhân viên y tế ngay: Chi căng tức, tê bì, cảm giác kiến bò ở đầu ngón. Tăng cảm giác đau ngoài da. Đầu chi tím và lạnh hơn bình thường, mạch quay yếu hoặc mất mạch. Liệt vận động và mất cảm giác
8.1.4. Những vấn đề nhân viên y tế sẽ làm cho bệnh nhân trước mổ:
– Bệnh nhân hoặc người nhà >18 tuổi (gồm ba/mẹ/vợ/chồng) cần phải ký cam kết trước mổ.
– Truyền dịch nuôi dưỡng giúp bệnh nhân đỡ đói và khát trong thời gian nhịn ăn chờ mổ.
– Tiêm kháng sinh dự phòng nhiễm trùng vết mổ.
– Được nhân viên y tế vận chuyển xuống phòng mổ bằng xe lăn.

8. 2. Những điều cần lưu ý trong thời gian nằm viện điều trị sau mổ
8.2.1. Những biểu hiện bình thường diễn ra sau mổ:
– Đau, sưng nề, bầm tím tại vùng mổ: Những ngày đầu vùng chi mổ sẽ sưng nề, bầm tím và đau tại vết mổ nhiều hơn, sau đó sẽ giảm dần ở những ngày sau.
– Những ngày đầu sau mổ vết mổ sẽ có ít dịch và máu thấm băng sau đó giảm dần và khô.
– Ngày đầu còn tác dụng của thuốc mê/ tê nên người bệnh sẽ có cảm giác tê chi phẫu thuật kèm cảm giác hơi chóng mặt và buồn nôn. Tình trạng này sẽ giảm sau 24h.
8.2.2. Các biến chứng cần theo dõi và báo nhân viên y tế:
– Đau nhiều vết mổ quá sức chịu đựng.
– Vết thương có máu tươi ướt đẫm toàn bộ băng.
– Cảm giác sưng đau vị trí vết mổ, tê đầu chi, căng tức, nóng, da căng bóng bên tay phẫu thuật
– Khó cử động các ngón tay.
– Sốt.
– Biểu hiện dị ứng nổi mẩn ngứa, mề đay, tức ngực, khó thở, chóng mặt, nôn… sau sử dụng thuốc.
8.2.3. Chế độ ăn:
– Ngày đầu sau mổ, nếu không nôn, không buồn nôn, bệnh nhân có thể ăn cháo, sữa, yến chia nhiều bữa nhỏ trong ngày.
– Ngày thứ 2 sau mổ có thể ăn uống bình thường, tăng cường các thức ăn giàu canxi như: Tôm, cua, sữa, trứng, bổ sung thêm rau củ quả, sinh tố cam chanh.
– Chế độ ăn tránh các chất kích thích như: Tiêu, cay, ớt, rượu, bia, không hút thuốc lá vì làm chậm lành vết mổ và hạn chế công dụng của thuốc điều trị.
8.2.4. Chế độ vận động:
– Ngay sau mổ khi hết cảm giác chóng mặt, buồn nôn bệnh nhân có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng, cử động nhẹ nhàng bên chi mổ: Co duỗi các khớp cổ tay, ngón tay để tuần hoàn tại chi mổ được lưu thông tốt.
– Mang đeo tay vải thường xuyên (Trừ những lúc nằm nghỉ ngơi) để giảm cảm giác đau và căng tức khi buông thỏng chi phẫu thuật, giúp máu lưu thông tốt nhanh lành vết thương.
– Tránh vận động mạnh, cầm xách các đồ nặng ở tay phẫu thuật.
8.2.5. Chế độ sinh hoạt:
– Mặc quần áo bệnh viện và thay hằng ngày để đảm bảo vệ sinh tránh nhiễm trùng vết mổ.
– Sau mổ có thể tắm nhưng cần phải chú ý tránh để nước vào vết thương dễ gây nhiễm trùng.
8.2.6. Chăm sóc vết thương:
– Vết thương sẽ được thay băng 1 lần/ ngày hoặc nhiều hơn nếu dịch thấm băng lượng nhiều.
– Giữ vết thương khô, sạch.
– Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau 7-10 ngày kể từ ngày mổ hoặc theo lời dặn dò của bác sỹ.

8.3. Những điều cần biết sau khi ra viện
– Uống thuốc đúng hướng dẫn theo toa ra viện. Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: Ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.
– Cách chăm sóc vết mổ:
+ Nên thay băng ngày 1 lần tại bệnh viện hoặc có thể đăng ký dịch vụ thay băng tại nhà của bệnh viện Gia Đình để được điều dưỡng và bác sỹ theo dõi tình trạng vết thương. Hoặc thay băng tại cơ sở y tế địa phương nếu bệnh nhân ở xa bệnh viện.
+ Phải giữ vết mổ sạch và khô, nếu bị ướt phải thay băng ngay.
+ Vết mổ sẽ được cắt chỉ sau 7-10 ngày kể từ ngày phẫu thuật hoặc theo lời dặn dò của Bác sỹ.
– Chế độ dinh dưỡng:
+ Ăn uống bình thường. Tăng cường các thức ăn nhiều canxi như: tôm, cua, hải sản, sữa. Bổ sung nhiều rau củ qủa, nước cam – chanh.
+ Tránh các chất kích thích như thức ăn quá cay nóng, rượu, bia, thuốc lá (vì các thực phẩm này làm chậm lành vết thương và giảm tác dụng của thuốc điều trị).
– Chế độ sinh hoạt và tập luyện:
+ Có thể tắm nhưng cần phải chú ý tránh để nước vào vết thương dễ gây nhiễm trùng.
+ Tiếp tục mang đeo tay vải tại nhà cho tới khi vết thương lành tốt và cắt chỉ.
+ Tránh mang xách vật nặng (chi bên mổ) trong vòng 1 tháng sau mổ.
+ Tập phục hồi chức năng để phòng ngừa cứng khớp và teo cơ theo hướng dẫn: Tập vận động khớp vai (dạng, khép), co duỗi khớp khuỷu theo mức độ tăng dần, khớp cổ bàn ngón tay (xoay khớp cổ tay co duỗi các ngón tay)
– Tái khám theo lịch hẹn hoặc tái khám ngay khi có các triệu chứng bất thường như: Đau nhiều tại nơi mổ, vết mổ sưng, nóng, đỏ, chảy dịch mủ…
– Tái khám tháo phương tiện kết hợp xương sau 1 năm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...