Hội chứng cường giáp: Những điều cần biết

1. Tuyến giáp và cường chức năng tuyến giáp
– Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết quan trọng. Hormone tuyến giáp có vai trò điều hòa chuyển hóa và kích thích quá trình sinh sản, tăng trưởng của tế bào. Do đó, khi rối loạn hormone tuyến giáp con người sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh như suy tuyến giáp, cường giáp, bướu lành tuyến giáp trạng, ung thư tuyến giáp.
– Cường chức năng tuyến giáp là hội chứng bệnh lý gây ra do tăng nồng độ hormon tuyến giáp (T3, T4) trong máu dẫn đến những thay đổi ở các cơ quan và tổ chức.

2. Nguyên nhân gây ra cường giáp
2.1. Cường giáp nguyên phát
– Bệnh Basedow (Grave).
– Bướu giáp đa nhân nhiễm độc giáp.
– Bướu giáp đơn nhân nhiễm độc giáp (nhân độc tuyến giáp).
– Viêm giáp.
– Dùng nhiều iod.
– Bệnh lý tế bào nuôi (thai trứng, choriocarcinomas).

2.2. Cường giáp thứ phát
– U tuyến yên.
– Chấn thương, viêm nhiễm vùng hạ đồi (tăng tiết TRH).

2.3. Cường giáp do hormone giáp ngoại sinh
– U giáp buồng trứng hay u quái giáp.
– Sử dụng hormone giáp tổng hợp.
– Hội chứng Hamburger.

3. Những triệu chứng của cường giáp?
– Cường giáp biểu hiện bằng sự thay đổi chức năng của nhiều cơ quan do hiện tượng dư thừa hormone tuyến giáp.
– Các cơ quan, chức năng bị ảnh hưởng rõ nét nhất là: Rối loạn chuyển hóa, rối loạn điều hòa thân nhiệt, thần kinh, tim mạch, tuyến giáp, mắt, và một số tuyến nội tiết.

Những triệu chứng thường gặp của cường giáp

– Dấu hiệu toàn thân: Gầy sút cân mặc dù ăn nhiều

– Tim mạch:
+ Hồi hộp, đánh trống ngực.
+ Nhịp tim nhanh thường xuyên trên 90 lần/phút, tăng lên khi xúc động.
+ Nghe tim có thể có tiếng thổi tâm thu cơ năng do tăng cung lượng.

– Tiêu hóa: Tăng nhu động ruột, tiêu chảy

– Thần kinh – Cơ:
+ Run tay, run lan tỏa, ưu thế ngọn chi, nhanh, thường xuyên, tăng khi xúc động.
+ Teo cơ, ưu thế gốc chi với giảm cơ lực, dấu hiệu ghế đẩu (+).
+ Basedow có thể kèm theo nhược cơ.
+ Có thể xuất hiện hạ kali máu ở BN nam giới, trẻ tuổi, gây liệt hai chi dưới.
+ Tăng nhẹ nhiệt độ da, sợ nóng, ra nhiều mồ hôi

– Rối loạn tâm thần: Kích thích, trầm cảm, rối loạn chức năng sinh dục, giảm ham muốn.

– Các dấu hiệu khác: Sạm da, rụng tóc, da nóng ẩm, vú to nam giới.

– Phù niêm trước xương chày:
+ Tổn thương màu vàng hay đỏ da cam.
+ Da sần sùi.
+ Tổn thương đối xứng hai bên, ở vùng cẳng chân hay mu chân.
+ Ấn không lõm, không đau.

– Bướu tuyến giáp:
+ Tuyến giáp to ở các mức độ khác nhau, to ở phía trước, mật độ mềm, bướu lan tỏa hoặc hỗn hợp.
+ Bướu có thể to vòng quanh khí quản (bướu hình nhẫn) dễ chèn ép gây khó thở, có thể nằm sau xương ức, cá biệt có trường hợp nằm ở gốc lưỡi.
+ Không có biểu hiện của viêm, bướu có tính chất bướu mạch: có rung mưu khi sờ, khi nghe có tiếng thổi tâm thu hoặc tiếng thổi liên tục.

Nên đi thăm khám sớm khi phát hiện có sưng, bướu tại các vị trí ở vùng cổ

– Mắt:
+ Lồi mắt có thể xuất hiện cả hai bên, cân xứng hoặc không.
+ Cảm giác chói mắt, cộm như có bụi bay vào mắt hoặc đau nhức hốc mắt, chảy nước mắt.
+ Có thể kèm theo phù nề mi mắt, kết mạc, giác mạc, đỏ giác mạc, đau khi liếc mắt hoặc có khi nhìn đôi.

– Rối loạn chức năng một số tuyến nội tiết:
+ Nồng độ cholesterol bất thường: Nồng độ cholesterol trong cơ thể cao thấp bất thường dẫn đến tóc dễ bị gãy rụng, da trở nên nhạy cảm.
+ Đối với phụ nữ chu kỳ kinh nguyệt có khả năng biến đổi bất thường.

4. Những Cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán bệnh
– Xét nghiệm Hormon: FT3 FT4 và TSH
Nếu thấy FT4 tăng và TSH giảm chứng tỏ BN mắc cường giáp.
– Xét nghiệm các kháng thể kháng tuyến giáp
Các kháng thể TRAb hoặc TPOAb có thể dương tính trong bệnh Basedow nhưng chỉ có tăng nồng độ kháng thể TSH-RAb (TRAb) mới đặc hiệu.
– Siêu âm tuyến giáp: Các mạch máu tăng sinh lan tỏa, tuyến giáp lớn đều.
– Một số cận lâm sàng khác như: Bilan lipid máu, đường máu, công thức máu, điện tâm đồ.

5. Cường giáp gây ra những biến chứng nào?
Bệnh cường giáp không được điều trị hoặc điều trị không kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Các biến chứng liên quan đến bệnh cường giáp bao gồm:
– Nhịp tim bất thường (rung nhĩ).
– Sảy thai.
– Loãng xương và gãy xương (bệnh cường giáp khiến xương mất canxi nhanh hơn bình thường).
– Cơn bão giáp là tình trạng diễn biến xấu đi bất ngờ của các triệu chứng cường giáp, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân nghi ngờ có cơn bão giáp cần phải được cấp cứu ngay lập tức.

– Biểu hiện lâm sàng trong trường hợp điển hình của cơn bão giáp gồm:
+ Sốt cao 38 – 410C, hay kết hợp với cơn bốc hoả, vã mồ hôi. Mất nước nặng.
+ Tim mạch: Nhịp tim rất nhanh > 150 lần/phút, có thể là nhịp nhanh xoang, rung – cuồng nhĩ, nhịp nhanh thất,…suy tim, huyết áp tụt.
+ Tâm – thần kinh: Kích thích, lú lẫn, thao cuồng, tăng thân nhiệt, hôn mê.
+ Tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, vàng da, đau bụng.
Nếu không được điều trị tốt, BN nhanh chóng đi đến tình trạng suy tim, và shock và tử vong.

6. Cường giáp được điều trị như thế nào?
Tùy theo nguyên nhân gây cường giáp, tuổi tác, tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của cường giáp, bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Hiện nay có 3 phương pháp điều trị cường giáp:

3 phương pháp điều trị cường giáp là sử dụng thuốc, I-ốt phóng xạ và phẫu thuật

– Thuốc điều trị cường giáp: Giúp ngăn tuyến giáp sản xuất hormone tuyến giáp (carbimazole, thiamazole, PTU).
– I-ốt phóng xạ: Giúp phá hủy mô tuyến giáp.
– Phẫu thuật: Mặc dù phẫu thuật cắt tuyến giáp có thể điều trị triệt để cường giáp nhưng nó ít được sử dụng hơn thuốc và iode phóng xạ vì nguy cơ liên quan đến phẫu thuật bao gồm tổn thương thần kinh thanh quản và tuyến cận giáp, dùng để điều hòa cân bằng calci trong cơ thể. Tuy nhiên, phẫu thuật là cần thiết khi:
+ BN có bướu giáp lớn chặn đường thở, gây khó thở.
+ BN không dung nạp thuốc kháng giáp và không muốn sử dụng iode phóng xạ.
+ BN Có một nhân giáp nghi ngờ ung thư.
+ BN có bệnh lí mắt do bệnh Grave.

7. Khi nào cần đi khám bác sỹ?
– Cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cần đi thăm khám khi có dấu hiệu:
+ Sút cân không rõ nguyên nhân.
+ Nhịp tim nhanh.
+ Đổ mồ hôi bất thường.
+ Sưng tại các cơ quan ở vùng cổ.
– Đối với những bệnh nhân đã được điều trị cường giáp hoặc hiện đang điều trị nên thăm khám, tái khám theo lịch hẹn của bác sỹ để được theo dõi tình trạng thường xuyên.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...