TVCN-Kỹ thuật hô hấp ký ( đo chức năng hô hấp)

1. Hô hấp ký là gì?
Hô hấp ký là là một kỹ thuật thăm dò chức năng hô hấp bằng cách đo thể tích thông khí mà bệnh nhân có thể hít vào và thở ra với gắng sức tối đa. Dùng để tầm soát, chẩn đoán và theo dõi những bệnh lý hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… cũng như những tình trạng, bệnh lý hoặc thuốc có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.


Kỹ thuật thăm dò chức năng hô hấp

2. Lợi ích của đo hô hấp ký là gì?
– Để chẩn đoán:
+ Đánh giá các triệu chứng hô hấp, các kết quả xét nghiệm hô hấp bất thường.
+ Đánh giá ảnh hưởng của bệnh lên chức năng hô hấp.
+ Tầm soát những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ của bệnh phổi.
+ Đánh giá nguy cơ tiền phẫu.
+ Tiên lượng (ghép phổi…rt).
– Để theo dõi:
+ Đánh giá hiệu quả điều trị.
+ Theo dõi diễn tiến bệnh.
+ Theo dõi bệnh nhân trong đợt cấp và hồi phục sau đợt cấp.
+ Theo dõi tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng tới hô hấp.
+ Theo dõi các tác động lên hô hấp khi tiếp xúc với các yếu tố độc hại.
– Đánh giá các bất thường/ thương tật: Lượng giá trong giám định y khoa.
– Khác:
+ Nghiên cứu.
+ Điều tra dịch tễ.
+ Bộ trị số tham khảo, lập các chương trình tham khảo.
+ Theo dõi những người làm việc ở trong môi trường nghề nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng đến phổi.
+ Đánh giá tình trạng sức khỏe trước hoạt động thể lực có nguy cơ.

3. Những trường hợp nào không được phép đo hô hấp ký?
– Do tăng nhu cầu cơ tim hoặc do thay đổi huyết áp:
+ Nhồi máu cơ tim cấp trong vòng 1 tuần.
+ Hạ huyết áp hệ thống hoặc hạ huyết áp nặng.
+ Rối loạn nhịp nhĩ hoặc thất có triệu chứng.
+ Suy tim mất bù.
+ Tăng áp lực động mạch phổi không kiểm soát.
+ Tâm phế cấp.
+ Nhồi máu phổi không ổn định.
+ Đã từng có ngất liên quan đến thở ra gắng sức hoặc ho.
– Do tăng áp lực nội sọ/ nhãn áp:
+ Phình mạch não.
+ Phẫu thuật não trong vòng 4 tuần.
+ Phẫu thuật mắt trong vòng 1 tuần.
+ Chấn động não gần đây với triệu chứng còn tiếp diễn.
– Do tăng áp lực xoang hay tai giữa: Phẫu thuật xoang hoặc phẫu thuật tai giữa hoặc nhiễm trùng trong vòng 1 tuần.
– Do tăng áp lực trong lồng ngực và áp lực trong ổ bụng:
+ Tràn khí màng phổi.
+ Phẫu thuật ngực trong vòng 4 tuần.
+ Phẫu thuật bụng trong vòng 4 tuần.
+ Thai quá ngày.
– Vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn:
+ Nghi ngờ hoặc có bằng chứng hoạt động của nhiễm trùng hô hấp hay hệ thống lây truyền được ( bao gồm lao).
+ Các tình trạng tiền triệu lây nhiễm: ho ra máu, khạc đờm nhiều, sang thương ở miệng hoặc chảy máu miệng.

4. Một số tình trạng làm hô hấp ký không thể đạt tối ưu
– Đau ngực hay bụng vì mọi nguyên nhân.
– Đau vùng miệng hay mắt do ống ngậm.
– Không kiểm soát được sự tiểu tiện khi gắng sức.
– Lú lẫn.
– Người không hợp tác tốt: trẻ em dưới 5 tuổi, người già hoặc người bị bệnh nặng.

5. Những điều cần bạn cần lưu ý trước, trong và sau khi đo hô hấp ký
– Đo chức năng hô hấp là thăm dò khá đơn giản và không gây đau cho bệnh nhân, hầu như không gây khó chịu hay tai biến. Độ chính xác của kết quả đo chức năng hô hấp phụ thuộc vào sự hợp tác của bệnh nhân.

5.1. Trước khi thực hiện
– Tránh sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít hoặc các thuốc điều trị khác trước.
+ Ngưng tối thiểu 4-6 giờ đối với: Ventolin.
+ Ngưng tối thiểu 12 giờ đối với: Berodual, Combivent.
+ Ngưng tối thiểu 24 giờ đối với: Seretide, Symbicort.
+ Ngưng tối thiểu 36 giờ đối với: Ultibro.
+ Trường hợp nếu bạn đã sử dụng các thuốc ở trên, tùy theo tình trạng bệnh và thời gian lần sử dụng thuốc gần nhất bác sỹ sẽ quyết định có tiếp tục thực hiện chỉ định hay không.
– Không uống rượu trong vòng 4 giờ trước khi đo.
– Không hút thuốc lá 1 giờ trước khi đo.
– Không vận động mạnh 30 phút trước khi đo.
– Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để không gây cản trở đến khả năng hít thở sâu.
– Tránh ăn quá no trước khi làm xét nghiệm vì có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hít thở.
– Phải kiểm tra huyết áp trước khi đưa bệnh nhân đi đo.
Nếu bạn đã uống rượu, hút thuốc hoặc vận động mạnh trong khoảng thời gian nêu trên, vui lòng ngồi chờ và thực hiện sau khi đủ thời gian khuyến cáo.

5.2. Trong khi thực hiện
– Ngồi thẳng trong quá trình đo.
– Được kẹp mũi để đóng cả hai lỗ mũi lại và đặt đầu ống của hô hấp kế vào miệng.
– Hít một hơi thật sâu, giữ hơi thở lại một vài giây và sau đó thở ra mạnh nhất có thể vào trong đầu ống ở miệng.
– Thực hiện lại như vậy ít nhất 3 lần để đảm bảo kết quả đo được đồng nhất.

5.3. Sau khi thực hiện
– Tổng thời gian cần để thực hiện là khoảng 30–90 phút. Vì đây là một phương pháp tương đối đơn giản và không can thiệp nên bạn có thể về nhà ngay sau khi thực hiện và quay trở lại các hoạt động bình thường.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...