Kỹ thuật tiêm Insuline bằng bút

Insulin là một trong những thuốc điều trị giúp giảm đường máu hiệu quả nhất được chỉ định cho người bệnh đái tháo đường

1. Các loại bút tiêm?

Tìm hiểu về bút tiêm insulin:
– Insulin được đựng trong bút tiêm.
– Sử dụng với kim tiêm NovoFine, Ultra-Fine
– Một tút tiêm chỉ được sử dụng cho một người.
– Trong trường hợp bệnh nhân đi công tác, hay đi du lịch xa cần mang theo dự phòng số lượng bút tiêm.
– Insulin có thể bị hư do nhiệt độ quá nóng. Không được để ở nơi nhiệt độ trên 30 độ, như trong xe, cạnh cửa sổ, hoặc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

2. Phân loại Insulin theo thời gian tác dụng

3. Xác định vị trí tiêm Insulin như thế nào?
Các vị trí khác nhau sẽ làm cho insulin vào máu với tốc độ khác nhau:
-Vùng bụng: insulin tác dụng nhanh nhất.
-Vùng cánh tay: insulin có tác dụng chậm hơn so với vùng bụng.
-Vùng mông: Insulin có tác dụng chậm hơn hai vị trí còn lại.

* Các vị trí thường tiêm:
– Bụng: Tiêm cách rốn 2-3 cm, đây là vị trí hấp thu nhanh nhất so với các vị trí khác.
– Bắp tay: Ở mặt sau, khoảng 1/3 giữa của cánh tay nằm giữa vai và khuỷu tay
– Đùi: Tiêm ở vùng mặt trước ngoài đùi, khoảng 1/3 giữa đùi.
– Mông: Góc một phần tư, bên ngoài, phía trên của mông.
– Nên thay đổi vùng tiêm ở mỗi lần tiêm

4. Làm thế nào để tiêm Insulin đúng cách?
– Người bệnh cần chuẩn bị thức ăn để ăn ngay sau khi tiêm đối với một số loại bút tiêm. Các bước tiêm được tiến hành như sau:

* Bước 1: Chuẩn bị
-Rửa tay trước khi tiêm.
-Tháo nắp bút tiêm.
-Làm ấm thuốc bằng cách lăn tròn bút tiêm giữa 2 lòng bàn tay 10 lần.

* Bước 2: Đồng nhất thuốc trong bút tiêm Insulin

– Cầm đầu bút và đưa lên xuống 10 lần.
– Lặp lại như vậy đến khi thấy có chất lỏng màu trắng đục.
Đối với Insulin trong suốt thì không cần thực hiện bước này.

Bước 3: Các thao tác khi tiêm thuốc
– Gắn kim:
+ Tháo miếng bảo vệ kim tiêm.
+ Vặn kim thẳng, chặt vào bút tiêm.
+ Gắn đầu kim tiêm vào niêm cao su của bút tiêm và vặn cùng chiều kim đồng hồ. Không nên gắn quá chặt.
+ Tháo bỏ đốc bảo vệ kim ra ngoài.

– Đuổi khí trong bút tiêm:
+ Vặn nút chọn liều chọn 1 – 2 đơn vị, giữ bút tiêm thẳng đứng, đầu bút tiêm hướng lên trên.
+ Dùng ngón tay búng nhẹ để bọt khí nổi lên phía trên.
+ Ấn vào đuôi bút và nhìn cho đến khi vạch chỉ liều trở về vạch số 0
– Chỉ làm bước này 1 lần duy nhất khi sử dụng bút mới.

– Chọn liều thuốc tiêm:
+ Kiểm tra nút chọn liều đang ở vị trí 0.
+ Xoay nút chọn liều tiêm để chọn số đơn vị theo chỉ định của bác sỹ.

– Cách tiêm:
+ Sát khuẩn vùng tiêm bằng cồn, đợi vài giây cho khô.
+ Kéo da giữa hai ngón trõ và ngón cái
+ Cầm bút tiêm và đâm kim vuông góc với da.

+ Ấn giữ đuôi bút tiêm sao cho nghe tiếng “cạch cạch” cho đến khi vạch chỉ liều trở về số 0.
+ Giữ bút tiêm khoảng 6 – 10s trước khi rút kim tiêm ra khỏi da
+ Rút kim ra và đậy nắp bút tiêm lại.
Theo dõi video hướng dẫn chi tiết cách tiêm insulin tại nhà Tại đây

5. Nên bảo quản Insulin như thế nào?
– Insulin cần được bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh. Nhiệt độ thông thường từ 2 – 8 độ C.
– Không được làm đông lạnh bút tiêm.
– Không đặt bút tiêm ở vị trí quá nóng.
– Tránh làm rơi bút tiêm vì có thể bị hư hỏng và rò rỉ Insulin.
-Bút tiêm Lantus phải có màu trong suốt, nếu có màu đục hay lợn cợn thì không được sử dụng.
-Một bút tiêm insulin chỉ dùng tối đa trong 30 ngày.

6. Các lưu ý khi sử dụng thuốc tiêm Insulin
– Luôn phải kiểm tra nhãn và liều lượng insulin trước khi tiêm để đảm bảo tiêm đúng loại và đúng liều lượng do bác sỹ chỉ định.
– Lớp mỡ dưới da càng dày thì tốc độ hấp thu insulin càng chậm.
– Các loại insulin bán chậm hoặc nền cần tiêm ở đùi/mông.
– Không tiêm một vị trí quá nhiều lần. Mũi tiêm sau phải cách mũi tiêm trước 1 đốt ngón tay, cách các vết sẹo một đốt ngón tay, và cách rốn ít nhất là 2 đốt ngón tay tránh gây ra chai cứng hoặc loạn dưỡng mỡ (≥2cm).
– Khi tiêm cần véo da bằng 2 hoặc 3 ngón tay. Tuyệt đối không được véo da bằng cả bàn tay. Vì như vậy các bạn sẽ kéo luôn cả vùng cơ, trở thành tiêm bắp.
– Mỗi kim tiêm Insulin được sử dụng tối đa 3 lần, trong trường hợp mũi kim bị cong hoặc có bất thường thì phải đổi kim.

7. Các biến chứng có thể xảy ra khi tiêm Insulin và cách xử trí
7.1. Phản ứng tại chỗ
7.1.1. Loạn dưỡng mỡ
– Nguyên nhân: Tiêm thuốc nhiều lần tại một vị trí.
– Triệu chứng: Vùng da có thể bị phì đại hoặc teo lại.
– Xử trí:
+ Tránh tiêm insulin những vào vùng da này.
+ Thông thường theo thời gian vùng da sẽ phục hồi dần.
+ Nếu trong trường hợp xuất hiện các bất thường khác cần thông báo cho bác sỹ.
– Phòng ngừa: Nên đổi vị trí tiêm thường thường xuyên, đều đặn.

7.1.2. Dị ứng (hiếm gặp)
– Nguyên nhân: Do cơ thể phản ứng quá mức với insulin.
– Triệu chứng: Ban đỏ, ngứa tại chỗ tiêm.
– Xử trí: Thông báo cho bác sỹ ngay lập tức để có hướng xử trí.
– Phòng ngừa: Tiêm thuốc đúng liều lượng, đúng kỹ thuật.

7.1.3. Nhiễm khuẩn vị trí tiêm (hiếm gặp)
– Nguyên nhân: Do không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn.
– Triệu chứng: Tại vị trí tiêm xuất hiện sưng, nóng, đỏ, đau.
– Xử trí: Hỏi ý kiến bác sỹ để được tư vấn hướng xử trí.
– Phòng ngừa: Thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc vô khuẩn trong quá trình tiêm và đổi vị trí tiêm liên tục.

7.2. Phản ứng Toàn thân: Hạ đường máu
7.2.1. Nguyên nhân gây hạ đường máu
– Tiêm insulin quá liều.
– Người bệnh không thực hiện đúng chế độ ăn sau tiêm (ăn chậm, ăn ít, bỏ ăn,…), hoạt động thể lực quá mức sau tiêm.

7.2.2. Những đối tượng dễ bị hạ đường máu
– Điều trị bằng insulin.
– Đái tháo đường lâu năm.
– Xơ gan, suy thận mạn, người cao tuổi.

7.2.3. Biểu hiện khi hạ đường máu
– Cảm giác đói.
– Run tay chân.
– Tim đập nhanh.
– Lo lắng.
– Đổ mồ hôi.
– Tay chân lạnh.
– Khó tập trung.
– Nhức đầu,chóng mặt.
– Lơ mơ, lú lẫn.
– Hôn mê.

7.2.4. Xử trí khi hạ đường máu bằng cách nào?
– Trường hợp bệnh nhân còn tỉnh:
+ Uống ngay 2-3 thìa đường hoặc 2 muỗng mật ong hoặc ½ lon nước ngọt hoặc 120-180 mml sữa hoặc 2 thìa nho khô.
+ Sau 15 phút vẫn còn các triệu chứng hạ đường huyết thì lặp lại liều như trên.
– Trường hợp bệnh nhân lú lẫn, hôn mê thì không cho ăn uống gì mà ngay lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Hạ đường huyết gây ra những hậu quả nặng nề: Giảm chất lượng cuộc sống, mất ý thức, tai nạn do lái xe, tốn chi phí điều trị, sa sút trí tuệ, hôn mê, co giật, tử vong.

8. Phòng ngừa hạ đường máu như thế nào?

– Luôn mang theo bánh kẹo.
– Ăn đúng giờ không bỏ bữa.
– Uống thuốc theo chỉ định.
– Không vận động quá sức.
– Thường xuyên thử đường huyết.
– Thăm khám định kỳ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...