Bệnh tăng huyết áp: Những điều cần biết

1. Tăng huyết áp là gì?
– Tăng huyết áp được định nghĩa khi huyết áp tâm thu (HATTh) trên 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) trên 90 mmHg ở những bệnh nhân có tăng huyết áp đã biết hoặc đã đo huyết áp trên 2 lần.

2. Nguyên nhân nào gây ra tăng huyết áp?
2.1. Tăng huyết áp nguyên phát
– Tăng huyết áp (THA) ở người trưởng thành không rõ nguyên nhân được gọi là tăng huyết áp nguyên phát.
– Tăng huyết áp nguyên phát chiếm 90% các trường hợp THA.

2.2. Tăng huyết áp thứ phát
– THA xác định được nguyên nhân được gọi là tăng huyết áp thứ phát. Chiếm 10% các trường hợp THA.
– Cần chú ý tìm nguyên nhân trong các trường hợp THA ở những người trẻ tuổi
(<30 tuổi), THA kháng trị, THA tiến triển hoặc ác tính.
Một số nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát:
– Bệnh thận cấp hoặc mạn tính: viêm cầu thận cấp/mạn, viêm thận kẻ,
sỏi thận, thận đa nang, thận ứ nước, suy thận.
– Hẹp động mạch thận.
– U tủy thượng thận (Pheocromocystom).
– Cường Aldosterone tiên phát (hội chứng Conn).
– Hội chứng Cushing.
– Bệnh lý tuyến giáp / cận giáp, tuyến yên.
– Do thuốc, liên quan đến thuốc (kháng viêm non-steroid, thuốc tránh
thai, corticoid, cam thảo, hoạt chất chống giao cảm trong thuốc cảm/ thuốc nhỏ mũi,…).
– Hẹp eo động mạch chủ.
– Bệnh Takayasu.
– Nhiễm độc thai nghén.
– Ngừng thở khi ngủ.
– Yếu tố tâm thần.

3. Yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp
– Rối loạn lipid máu.
– Đái tháo đường.
– Có microalbumin niệu hoặc mức lọc cầu thận ước tính < 60ml /phút.
– Tuổi (nam > 55, nữ > 65).
– Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm (nam trước 55, nữ trước 65).
– Thừa cân / béo phì, béo bụng.
– Hút thuốc lá, thuốc lào.
– Uống nhiều rược, bia.
– Ít hoạt động thể lực.
– Stress và căng thẳng tâm lý.
– Chế độ ăn quá nhiều muối, ít rau quả.

4. Những triệu chứng thường gặp của tăng huyết áp?
– THA thường có diễn biến âm thầm và ít triệu chứng. Trên thực tế có nhiều người bị THA trong nhiều năm mà không biết.
– Một số triệu chứng thường gặp: đau đầu, chóng mặt, ù tai, hồi hộp ngực, khó thở, đánh trống ngực,…
– THA thường được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khoẻ định kỳ hoặc đi khám vì các biến chứng: đột quỵ, suy tim,…
– Cách duy nhất để phát hiện THA là đo huyết áp thường xuyên, tốt nhất nên trang bị cho mình một máy đo huyết áp tại nhà.

5. Tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?
THA thường diễn biến âm thầm và ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể. THA làm tăng gánh nặng cho tim và hệ thống động mạch, thúc đẩy và gây ra xơ vữa động mạch.

Tăng huyết áp thường diễn tiến âm thầm nhưng lại gây ra ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ

Biến chứng tại các cơ quan:
– Tim: Phì đại cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp, bệnh động mạch vành,…
– Thận: Tổn thương cầu thận, mạch máu thận và dẫn tới suy thận.
– Não: Đột quỵ (nhồi máu não hoặc xuất huyết não, tai biến mạch máu não thoáng qua).
– Mắt: Giảm thị lực, bong võng mạc, xuất huyết đáy mắt,…
– Động mạch ngoại biên: Xơ vữa gây hẹp hoặc tắc động mạch hai chi dưới, động mạch cảnh,…

6. Tầm soát biến chứng tăng huyết áp như thế nào?
– Đối với BN chưa có biến chứng: tầm soát 1 năm/ lần.
– Đối với BN đã có biến chứng: tầm soát 3-6 tháng/ lần.

7. Các cận lâm sàng cần thực hiện?
7.1. Xét nghiệm thường quy
– Sinh hóa máu: đường máu khi đói, thành phần lipid máu (cholesterol toàn phần, HDL-C, LDL-C, triglycerid), điện giải máu (đặc biệt là kali), axit uric máu, creatinin máu.
– Huyết học: Hemoglobin và hematocrit.
– Phân tích nước tiểu (albumin niệu và soi vi thể).
– Điện tâm đồ.
– Siêu âm màu tim.
– Siêu âm màu mạch cảnh.
– Định lượng protein niệu (nếu que thử protein dương tính).
– Chỉ số huyết áp mắt cá chân / cánh tay (ABI: Ankle Brachial Index).
– Soi đáy mắt.
– Nghiệm pháp dung nạp glucose.
– Theo dõi huyết áp tự động 24 giờ (Holter huyết áp).
– Đo vận tốc lan truyền sóng mạch.

7.2. Xét nghiệm khi đã có biến chứng hoặc để tìm nguyên nhân
– Định lượng renin, aldosterone, corticosteroides, catecholamines máu/ niệu.
– Chụp động mạch.
– Siêu âm thận và thượng thận.
– Chụp cắt lớp, cộng hưởng từ.

8. Cần làm gì để điều trị và dự phòng tăng huyết áp?
8.1. Nguyên tắc điều trị

Việc điều trị tăng huyết áp cần kiên trì và theo dõi thường xuyên bởi bác sỹ

– THA là bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đủ hàng ngày, điều trị lâu dài.
– Mục tiêu điều trị là đạt “huyết áp mục tiêu” và giảm tối đa “nguy cơ tim mạch”.
– “Huyết áp mục tiêu” cần đạt là < 140/90mmHg, huyết áp mục tiêu có thể thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được.
– Nếu nguy cơ tim mạch từ “cao” đến “rất cao” thì huyết áp mục tiêu cần đạt là < 130/80mmHg.
– Khi điều trị đã đạt huyết áp mục tiêu, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài kèm theo việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh kịp thời.
– Điều trị cần hết sức tích cực ở bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích.
– Không nên hạ huyết áp quá nhanh để tránh biến chứng thiếu máu ở các cơ quan đích, trừ tình huống cấp cứu.

8.2. Kiểm soát huyết áp bằng thuốc
– Năm nhóm thuốc có hiệu quả trong kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa biến cố tim mạch:
+ Ức chế men chuyển.
+ Ức chế thụ thể.
+ Chẹn Beta.
+ Chẹn kênh Canxi.
+ Lợi tiểu.

8.3. Các biện pháp thay đổi lối sống
– Duy trì BMI (< 23 kg/m²), vòng bụng < 90cm ở nam và < 80cm ở nữ.
– Thực hiện chế độ ăn có lợi cho tim như chế độ DASH (Dietary Approches to Stop Hypertension) là chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát huyết áp theo nguyên tắc cơ bản như sau:
+ Tăng cường: các loại rau quả, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc, cá (cá hồi, cá trích trứng, cá thu đao, cá ngừ,…), thịt gia cầm (gà, vịt bỏ da), sữa và các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo.
+ Hạn chế: thực phẩm giàu chất béo bão hòa (chất béo từ mỡ động vật), cholesterol, chất béo chuyển hóa (có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn như bánh quy giòn, bơ thực vật, khoai tây chiên, gà rán,…), đồ ngọt, Natri (muối) và thịt đỏ (bò, heo).
– Hạn chế ăn mặn đối với bệnh nhân THA và tiền THA < 5g muối/ngày.
– Bổ sung Kali ưu tiên thức ăn giàu Kali (trừ trường hợp bệnh thận, tăng Kali máu, hoặc có dùng các thuốc giữ Kali).
– Tập thể dục với chương trình hợp lý, theo sự hướng dẫn của bác sỹ, nên duy trì luyện tập 30 phút/ngày và trung bình 150 phút/tuần.
– Hạn chế chất cồn: không vượt quá 2 đơn vị cồn/ngày đối với nam và 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ.

– Một đơn vị cồn (chứa 14g nồng độ cồn tinh khiết) tương đương:
+ 354 ml bia (5% cồn)/ ngày.
+ Hoặc 150ml rượu vang (12% cồn)/ngày.
+ Hoặc 45ml rượu mạnh (40% cồn)/ngày.
– Không hút thuốc lá và tránh nhiễm độc khói thuốc lá.
– Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ
ngơi hợp lý.
– Tránh bị lạnh đột ngột.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...