TVCN- Xuất huyết não những điều cần biết

1. Xuất huyết não là gì?
– Xuất huyết não – Là tình trạng mạch máu não bị vỡ, máu đột ngột xâm lấn vào não, làm tổn thương não.
– Máu từ tổn thương kích thích các mô não gây ra phù não, máu tập trung thành một khối (tụ máu). Tình trạng này làm tăng áp lực lên các mô xung quanh, cuối cùng giết chết các tế bào não và vỡ mạch não.
– Xuất huyết não là 1 trong 2 dạng của đột quỵ não, chiếm tỷ lệ 20%, tuy nhiên xuất huyết não thường để lại hậu quả nặng nề hơn.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến xuất huyết não?

Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây xuất huyết não

– Tăng huyết áp.
– Bệnh Amyloid mạch máu: Thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, vị trí thường gặp là não thùy, nơi giáp ranh giữa chất trắng và chất xám.
– Dị dạng mạch máu não: Các dị dạng chủ yếu là động tĩnh mạch, túi phình động mạch, u mạch hang hay dị dạng mạch hang.
– U não: 70% u não gây xuất huyết não là ác tính.
– Do thuốc: Các thuốc liên quan đến chất gây nghiện, thuốc chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu và thuốc tiêu sợi huyết.
– Các nguyên nhân khác: Viêm mạch, viêm tắc tĩnh mạch, nghiện rượu, đôi khi không rõ nguyên nhân.

3. Dấu hiệu nhận biết xuất huyết não là gì?
Xuất huyết não khởi phát rất đột ngột và dữ dội, có thể ngay sau lúc gắng sức về tâm lý và thể lực hoặc trong lúc đang làm việc, sinh hoạt bình thường, thậm chí bệnh bộc phát ngay trong giấc ngủ hay khi vừa thức dậy. Một số dấu hiệu nhận biết bệnh như sau:
– Bỗng nhiên nhức đầu dữ dội, bủn rủn chân tay và ngã chúi xuống một bên hoặc bị tê liệt một cánh tay, một bên chân.
– Không nói được, nói không rõ tiếng, mặt méo xệch, miệng cũng méo.
– Cơ thể vã mồ hôi, tiểu tiện không tự chủ, nhịp thở không đều, rối loạn nhịp tim và huyết áp, sốt.
– Rối loạn về nuốt như nuốt khó, nuốt dễ bị sặc, không nhai được.
– Trí nhớ giảm sút nhanh chóng, hay quên hoặc quên hoàn toàn mọi thứ nhanh chóng.

4. Điều trị xuất huyết não như thế nào?
4.1. Nguyên tắc điều trị
– Hạn chế lan rộng tổn thương.
– Bảo đảm tưới máu não.
– Phòng ngừa biến chứng.
– Phục hồi chức năng.
– Phòng ngừa tái phát.

4.2. Điều trị đặc hiệu
– Ngăn chặn sự chảy máu tiếp diễn bằng cách điều chỉnh các rối loạn đông máu và tiểu cầu.
– Kiểm soát sớm huyết áp.
– Can thiệp ngoại khoa khi xuất huyết tiểu não > 3cm đè ép não thất tư hoặc não úng thủy kèm với dấu thần kinh xấu, xuất huyết não thùy (<1cm từ võ não) ở bệnh trẻ (<45 tuổi) có Glassgow 9 – 12 điểm hoặc xuất huyết não thùy lớn có Glasgow giảm tiến triển; bệnh nhân tăng áp lực nội sọ kháng với điều trị nội khoa, mở sọ giảm áp sớm.

4.3. Điều trị hỗ trợ

Bệnh nhân được điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện Gia Đình

– Giữ áp lực tưới máu não (CPP) > 70 hoặc áp lực động mạch trung bình (MAP) > 70 ở bệnh nhân không có tăng áp lực nội sọ. Nếu có tăng áp lực nội sọ cần giữ MAP > 80. Theo dõi huyết áp liên tục.
– Các biện pháp:
+ Tăng thông khí có kiểm soát (mục đích PaCO2 28 -32 mmHg, chỉ sử dụng trong thời gian ngắn).
+ Mannitol truyền đường tĩnh mạch nhanh ngắn hạn (3-5 ngày).
+ Giảm đau, hạ sốt ( nếu có), an thần.
+ Theo dõi các cận lâm sàng như: điện giải đồ, công thức máu, tình trạng đông cầm máu.
+ Nên sử dụng dung dịch đẳng trương để hồi sức với mục đích duy trì tình trạng bình thể tích. Nếu cần thiết, sử dụng thuốc vận mạch để đảm bảo huyết áp trung bình và áp lực tưới máu não mong muốn.
+ Duy trì đường huyết đạt 80 – 120 mg/dl, tránh hạ đường huyết.
– Phục hồi chức năng: Người bệnh cần điều trị phục hồi chức năng bằng phương pháp vật lý trị liệu với các liệu pháp chuyên sâu giúp khắc phục di chứng của đột quỵ não và cải thiện sức khỏe sau chấn thương não.

5. Xuất huyết não có những biến chứng nào?
– Liệt nửa người.
– Chứng rối loạn tâm lý.
– Rối loạn ngôn ngữ.
– Rối loạn nhận thức.
– Rối loạn nuốt.
– Rối loạn hô hấp.
– Không tự chủ đại tiểu tiện.

6. Dự phòng xuất huyết não bằng cách nào?
– Kiểm soát huyết áp: Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu thì hãy tìm hiểu rõ về tác dụng của các loại thuốc này vì nó có thể làm cho tình trạng xuất huyết não nặng hơn.
– Kiểm soát và điều trị tốt các bệnh lý nguy cơ như: Tăng huyết áp, cholesterol cao, bệnh tiểu đường,… Hạn chế uống rượu bia, tránh xa thuốc lá và các chất kích thích.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý, cân bằng ngăn ngừa xuất huyết não

– Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh: Không ăn nhiều đồ ăn mặn, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cần ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, luyện tập thể dục thường xuyên.

Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc với đội ngũ bác sỹ giỏi chuyên môn, khả năng chẩn đoán xử lý nhanh chóng, chuyên nghiệp; điều dưỡng viên giàu kinh nghiệm kết hợp trang thiết bị y khoa hiện đại; tiếp nhận, chăm sóc và điều trị 24/24 cho tất cả các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nặng có nguy cơ đe dọa tới tính mạng; giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...