Viêm âm đạo gây nhiều khó chịu, nguy cơ biến chứng cho thai phụ trong thai kỳ
Viêm âm đạo khi mang thai xảy ra ở 10-20% thai phụ và có thể xuất hiện bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Trong đó, nấm là tác nhân gây viêm âm đạo phổ biến nhất. Chủng nấm hay gây bệnh nhiều nhất là Candida. Tình trạng này không chỉ gây ngứa, khí hư có mùi hôi và cảm giác khó chịu ở vùng kín, mà còn khiến thai phụ cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của chính mình và thai nhi.
1. Vì sao thai phụ hay bị viêm âm đạo do nấm trong thai kỳ?
Nguyên nhân là do có những thay đổi trong hệ thống miễn dịch xảy ra trong thai kỳ, tăng sản xuất glycogen (để dự trữ năng lượng trong cơ thể) và nồng độ estrogen cao hơn. Điều này làm mất cân bằng pH trong âm đạo, tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển.
2. Triệu chứng nhiễm nấm âm đạo khi mang thai thường gặp là gì?
Biểu hiện của viêm âm đạo do nấm khi mang thai gồm:
- Vùng kín ngứa nhiều.
- Khí hư ra nhiều hơn bình thường.
- Khí hư màu bột trắng hoặc giống như vảy trắng bám trên quần lót.
- Khí hư có mùi hôi rất khó chịu.
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục.
Trong một số trường hợp, viêm âm đạo khi mang thai không có bất cứ biểu hiện nào khiến thai phụ không thể phát hiện và điều trị kịp thời.
3. Viêm âm đạo có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Đa số bệnh lý nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, rất khó để các bác sỹ cho biết liệu thai nhi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào và ở mức độ nào. Viêm âm đạo do nấm trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến thai nhi theo một trong ba cách:
- Gây hại cho người mẹ, khiến cơ thể thai phụ không thể nuôi dưỡng tốt cho thai nhi.
- Gây hại trực tiếp cho thai bằng cách tạo ra những thay đổi dẫn đến bất thường khi sinh.
- Kích thích chuyển dạ sớm gây sẩy thai hoặc sinh non.
Hầu hết trẻ sơ sinh nhiễm nấm trong miệng (còn gọi là bệnh tưa miệng). Mặc dù hiếm gặp, nhưng nhiễm nấm ở trẻ sơ sinh có thể trở nên rất nghiêm trọng, vì hệ thống miễn dịch của chúng chưa phát triển tốt. Trong trường hợp nặng, có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn và hô hấp, đặc biệt ở trẻ sinh non hoặc có thêm nhiễm trùng tiềm ẩn.
4. Thai phụ nên làm gì khi bị viêm âm đạo do nấm?
Khi thai phụ nghi ngờ mình bị viêm âm đạo, việc đầu tiên phải làm là nên đến cơ sở y tế uy tín có bác sỹ chuyên ngành sản phụ khoa để thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây bệnh, tư vấn và điều trị bệnh bằng thuốc không gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Bên cạnh sử dụng thuốc, thai phụ nên áp dụng những biện pháp sau nhằm hạn chế viêm âm đạo trong thai kỳ:
- Không nên cố gắng chịu đựng tình trạng ngứa vùng kín vì nghĩ rằng dùng thuốc điều trị sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
- Hạn chế sử dụng băng vệ sinh hằng ngày liên tục.
- Mặc đồ lót rộng rãi và thoáng khí (ưu tiên chất liệu cotton).
- Hạn chế số lần quan hệ tình dục và thực hiện tốt vệ sinh vùng kín trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, duy trì lối sống khoa học, lành mạnh.
- Ăn các sản phẩm từ sữa chua có nhiều lợi khuẩn.
- Giặt sạch và phơi khô đồ lót dưới ánh nắng mặt trời. Nếu có thể thì hãy ủi quần lót sạch bằng bàn là nóng để tiêu diệt nốt những bào tử nấm còn sót lại ở quần.
5. Thai phụ mắc viêm âm đạo do nấm sẽ được điều trị như thế nào?
Khi mang thai, các bác sỹ sẽ cân nhắc điều trị viêm âm đạo bằng các loại thuốc có tác dụng tại chỗ như kem bôi âm đạo và thuốc đặt âm đạo. Không phải tất cả các loại thuốc ấy đều sử dụng được trong thai kỳ. Vì vậy tốt nhất bạn không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà nên tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ để có được loại thuốc phù hợp,
Nếu không được điều trị, nhiễm nấm âm đạo có thể lây truyền sang trẻ sơ sinh trong khi sinh thường.
6. Nên làm gì để giảm nguy cơ viêm âm đạo do nấm trong thai kỳ?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng của viêm âm đạo khi mang thai chính là phòng ngừa nhiễm nấm. Sau đây là những lời khuyên hữu ích cho bạn để giảm nguy cơ viêm âm đạo do nấm:
- Quan hệ tình dục một vợ một chồng.
- Không dùng chung đồ lót với người khác, quần lót luôn rộng rãi, thông thoáng.
- Băng vệ sinh chỉ dùng những ngày đầu và cuối khi hành kinh, không nên dùng thường xuyên.
- Luôn lau cơ quan sinh dục và hậu môn từ trước ra sau.
- Tắm ngay sau khi bơi. Đồ lót, quần áo ẩm là môi trường tốt cho nấm men phát triển.
- Không thụt rửa âm đạo, tránh dùng các dung dịch vệ sinh nặng mùi và có chất tẩy rửa mạnh.
- Không sử dụng chất xịt thơm vùng kín như nước hoa.
- Hạn chế lượng đường hàng ngày.
- Tập thể dục nhẹ nhàng hoặc yoga để tăng sức đề kháng.
- Nghỉ ngơi nhiều để cơ thể chống lại nhiễm trùng dễ dàng hơn.
ThS.BS. Đinh Thanh Nhân
BS. Mai Đức Tiến
Khoa Phụ Sản – Bệnh viện Đa khoa Gia Đình
Tài liệu tham khảo :
- Soong D, Einarson A. Vaginal yeast infections during pregnancy. Can Fam Physician. 2009;55(3):255-256.
- Bender RA, Çalışkan Ş, Önal B, Aslancan R, Çalışkan E. Treatment methods for vulvovaginal candidiasis in pregnancy. J Mycol Med. 2021 Sep;31(3):101138. doi: 10.1016/j.mycmed.2021.101138. Epub 2021 May 7. PMID: 33971365.
- Hasanreisoglu M, Mahajan S, Ozdemir HB, Ozdal PC, Halim MS, Hassan M, Nguyen QD. Fungal Endogenous Endophthalmitis during Pregnancy as a Complication of In-Vitro Fertilization. Ocul Immunol Inflamm. 2021 Feb 17;29(2):308-311. doi: 10.1080/09273948.2019.1677917. Epub 2019 Oct 30. PMID: 31664877.