Viêm mũi họng cấp

1. Viêm mũi họng cấp là bệnh gì?
Viêm mũi họng cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở đường hô hấp trên bao gồm mũi và hầu họng, với các triệu chứng thường gặp như: hắt hơi, sổ mũi, ho, đau đầu hoặc đau nhức mỏi toàn thân,… mà dân gian thường hay gọi là bị cảm lạnh.

2. Bệnh thường gặp khi nào?
– Đây là bệnh rất thường gặp trong cộng đồng, phân bố ở mọi lứa tuổi, gặp cả ở nam giới và nữ giới, tuy nhiên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị viêm mũi họng nhất.
– Bệnh thường gặp vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi, có thể lây lan trong cộng đồng từ nước bọt, nước mũi khi nói chuyện, khi ho hay khi hắt hơi.

Bệnh hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là vào mùa đông

3. Triệu chứng của viêm mũi họng cấp là gì?
Bệnh thường xuất hiện các triệu chứng toàn thân, cơ năng và thực thể như sau:
– Triệu chứng toàn thân: Có thể chỉ sốt, nhiệt độ từ 38 – 39 độ C, có lúc cao 40 độ C (thường gặp ở trẻ nhỏ); ớn lạnh; nhức đầu; mệt mỏi; đau nhức mình mẩy; chán ăn; khó tập trung được vào công việc.
– Triệu chứng cơ năng: Lúc đầu là biểu hiện sổ mũi, đau họng, sụt sịt, mũi chảy dịch nhày, nuốt đau, đau nhói lan lên tai, ho kích thích, sau đó là ho khan, ho có đờm kèm theo ngạt mũi, chảy mũi nước (lúc đầu dịch nhầy trong sau chuyển sang màu đục), giọng nói khàn nhẹ, cảm giác đau rát tăng khi nuốt.
– Triệu chứng thực thể: Niêm mạc họng đỏ rực, xuất tiết, trẻ em, hay bệnh nhân trẻ tuổi hai amiđan sưng to, sung huyết, hay có những chấm mủ trắng, bựa trắng phủ trên bề mặt amiđan. Niêm mạc mũi sung huyết, xuất tiết nhầy, có thể có sưng hạch góc hàm, ấn đau nhẹ.
– Tình trạng viêm mũi họng cấp do thời tiết chuyển mùa thường chỉ diễn ra trong vòng 3 – 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt và chăm sóc tốt thì các triệu chứng sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu (đặc biệt là đối tượng trẻ em, người cao tuổi) thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, dễ tiến triển nặng hơn và có thể gây biến chứng như: viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm, trở thành viêm họng mạn tính, thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp.

4. Biến chứng nguy hiểm của viêm mũi họng cấp là gì?
Viêm mũi họng cấp nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
– Biến chứng tại chỗ: Viêm tấy, áp xe quanh amiđan, áp xe thành sau, thành bên họng, biến chứng viêm mũi xoang cấp, viêm tấy hoại thư vùng cổ họng ít gặp, nhưng nếu gặp thì tiên lượng rất nặng.
– Biến chứng gần: Viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp.
– Biến chứng xa: Viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng tim, choáng nhiễm độc liên cầu, hoặc có thể nhiễm trùng máu.

5. Nguyên nhân gây viêm mũi họng cấp là gì?
Viêm mũi họng cấp tính thường gặp lúc giao mùa khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là vào mùa lạnh. Khởi đầu là một viêm nhiễm virus; dưới tác dụng của độc tố sức đề kháng giảm sút, là điều kiện cho bội nhiễm vi trùng; thường là vi trùng nằm vùng có sẵn trong mũi họng như liên cầu, phế cầu đặc biệt là liên cầu bê-ta tan huyết nhóm A; có thể lây lan trong cộng đồng từ nước bọt, nước mũi do khi nói, khi ho hay hắt hơi.

5.1. Viêm mũi họng đỏ cấp đơn thuần hay kết hợp có bựa trắng
– Viêm mũi họng đỏ cấp đơn thuần do virus chiếm khoảng 60 – 80%. Những loại virus gây bệnh gồm:
+ Adénovirus.
+ Virus cúm, sởi.
+ Virus para – influenzae.
+ Virus Coxsakie nhóm A hoặc B trong đó nhóm A gây viêm họng có bóng nước.
+ Herpanginne.
+ Virus Herpes gây viêm họng có bóng nước nhưng gây viêm miệng nhiều hơn ở họng.
+ Virus Zona gây viêm họng có bóng nước Zona.
+ Epstein Barr Virus (E.B.V) gây bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn và gây viêm mũi họng cấp tính.
– Viêm mũi họng cấp do vi khuẩn chiếm 20-40% tổng số viêm mũi họng gồm:
+ Liên cầu bê- ta tan huyết nhóm A, B, C, G. Đây là thủ phạm gây nên hàng loạt biến chứng viêm họng đến viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp.
+ Haemophilus influenzae.
+ Tụ cầu vàng.
+ Moraxella catarrhalis.
+ Các vi khuẩn kị khí

5.2. Viêm mũi họng loét
– Chỉ có khoảng 5% trường hợp viêm mũi họng loét do các bệnh về máu như: bệnh bạch cầu cấp, bệnh mất bạch cầu hạt, viêm họng có giả mạc như viêm họng bạch hầu,…

6. Chẩn đoán và điều trị viêm mũi họng cấp như thế nào?
6.1. Chẩn đoán viêm mũi họng cấp
– Thông thường viêm mũi họng cấp chỉ cần dựa vào triệu chứng toàn thân, cơ năng và đặc biệt khám thực thể vùng mũi họng là đủ.
– Nếu bệnh xu hướng nặng kéo dài dễ gây biến chứng thì phải xét nghiệm vi trùng làm kháng sinh đồ giúp điều trị có hiệu quả hơn.
– Đặc biệt, nếu nghi ngờ bệnh do một số virus, vi khuẩn nguy hiểm lây nhiễm thì bắt buộc phải xét nghiệm để phòng dịch như: bạch hầu, lao, giang mai,…
– Cần xác định rõ đâu là nguyên nhân chính gây nên viêm mũi họng để có phương pháp điều trị phù hợp. Lúc này điều trị bệnh quan trọng chính là nhằm vào nguyên nhân gây bệnh chứ không chỉ triệu chứng về mũi họng.

6.2. Phương pháp điều trị viêm mũi họng cấp
– Dù chưa có xét nghiệm vi trùng, virus, kháng sinh đồ, kháng virus đồ thì bệnh nhân cũng được điều trị kháng sinh, khi có kết quả xét nghiệm (thường sau 3,4 ngày) Bác sỹ sẽ điều chỉnh kháng sinh để phù hợp với kháng sinh đồ:
– Kháng sinh.
– Thuốc hạ sốt giảm đau.
– Giảm viêm.
– Điều trị kháng sinh theo đúng kháng sinh đồ.
– Chế độ ăn uống và sinh tố nâng cao thể trạng.
– Tùy vào từng mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như độ tuổi của người mắc bệnh mà bác sỹ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp. Điều quan trọng là người bệnh cần tuần thủ theo chỉ định của bác sỹ về loại thuốc và liều lượng thuốc sử dụng chứ không tự ý mua thuốc về dùng để tránh những biến chứng nguy hiểm.
– Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bổ sung chế độ dinh dưỡng tốt, nhiều chất, dễ tiêu hóa, giàu năng lượng, đặc biệt cung cấp các loại trái cây, nhiều vitamin C, B1 cũng góp phần giúp cho quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bổ sung thực phẩm giúp tăng sức đề kháng

– Những trường hợp khó thở và thở có tiếng rít đều là nặng. Để tránh lây bệnh sang những người xung quanh trong gia đình hoặc lớp học, bác sỹ yêu cầu người bệnh phải giữ gìn vệ sinh như rửa tay, che miệng khi ho và nếu cần phải ở cách ly.

7. Phòng tránh bệnh viêm mũi họng cấp bằng cách nào?
Để phòng ngừa bị viêm mũi họng cấp cũng như những biến chứng nguy hiểm của bệnh chúng ta cần vệ sinh tai, mũi, họng sạch sẽ. Bên cạnh đó cần:
– Nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng việc bổ sung Vitamin C hàng ngày, sống trong môi trường trong sạch, không ô nhiễm.
– Đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với khói bụi, không đến những nơi ô nhiễm, nếu do tính chất công việc phải tiếp xúc với khói bụi cần có đồ bảo hộ.
– Bỏ rượu bia, thuốc lá, tránh những đồ ăn sống, lên men dễ nhiễm khuẩn.
– Giữ ấm cho cơ thể khi trời lạnh đặc biệt là vùng mũi họng.

Giữ ấm cho cơ thể đặc biệt là vùng mũi, họng vào mùa đông giúp phòng viêm mũi họng cấp

– Vệ sinh chân tay sạch sẽ nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Điều trị tích cực các bệnh mũi xoang, viêm họng, viêm amiđan, V.A bệnh nhân đang mắc mạn tính.
– Khi phát hiện ra những biểu hiện của bệnh cần đi khám và điều trị đúng quy cách tránh biến chứng xảy ra.
– Với đối tượng trẻ em chưa tự ý thức được việc này cha mẹ cần vệ sinh cho con sạch sẽ, giữ ấm cho con, cho con đi tiêm chủng mở rộng để phòng tránh bệnh.
– Viêm mũi họng cấp tuy không nguy hiểm nhưng bệnh nếu như không điều trị tốt sẽ gây ra những biến chứng khó phục hồi. Trang bị cho mình đầy đủ thông tin về viêm mũi họng cấp cũng giúp bảo vệ bạn và người thân phòng tránh bệnh cũng như là các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Là một trong những chuyên khoa trọng yếu của bệnh viện Gia Đình, Khoa Ngoại thực hiện điều trị ngoại khoa cho mọi lứa tuổi, tập chung chẩn đoán, xử lý, phẫu thuật,… tất cả những tổn thương và bệnh lý ảnh hưởng tới cơ thể.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần được hỗ trợ, đừng ngần ngại kết nối với Bác sỹ Family:

Để xem và tải ấn phẩm chất lượng cao, nhấn vào nút “Tải Xuống” phía dưới:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...