Viêm tắc lệ đạo

1. Như thế nào được gọi là viêm tắc lệ đạo?
– Lệ bộ là bộ phận chế tiết nước mắt gồm tuyến lệ và lệ đạo Tuyến lệ chính nằm ở góc trên ngoài của hốc mắt và tuyến lệ phụ nằm rải rác ở kết mạc.
– Lệ đạo là đường dẫn nước mắt. Nước mắt được thu nhận vào lỗ lệ trên và lỗ lệ dưới ở góc trong của mi mắt đi vào lệ quản trên và dưới rồi đi qua ống lệ chung dồn về túi lệ. Từ đây nước mắt tiếp tục đi qua ống lệ mũi rối đổ uống mũi ở ngách mũi dưới.
– Nước mắt được tiết ra thường xuyên trên bề mặt mắt giúp bôi trơn và dinh dưỡng giác mạc mắt. Lượng nước mắt này được dẫn lưu thường xuyên xuống mũi bằng hệ thống lệ đạo gồm các ống dẫn nhỏ chạy từ điểm lệ vùng góc trong mắt xuống mũi. Tắc lệ đạo là khi những đường ống này bị tắc nghẽn làm nước mắt không thoát xuống mũi được và chảy ra ngoài gọi là “chảy nước mắt sống.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tắc lệ đạo là gì?
– Bẩm sinh là nguyên nhân hay gặp ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi.
– Nhiễm trùng hoặc chấn thương là nguyên nhân hay gặp ở trẻ lớn và người lớn

3. Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm tắc lệ đạo là gì?
– Chảy nước mắt sống thường xuyên, bệnh nhân hay lau chùi mắt có thể gây viêm bờ mi hoặc viêm kết mạc.
– Viêm túi lệ mạn tính: Sưng nề, căng phần góc trong mắt, khi massage hoặc day ấn vào có thể làm trào mủ nhầy trong mắt
(từ lỗ ghèn) và xẹp xuống, một thời gian sau lại phồng lên trở lại.
– Thỉnh thoảng có thể gây nhiễm trùng cấp tính khi vi khuẩn phát triển trong nước mắt bị ứ đọng trong lệ đạo, có những triệu chứng sau:
+ Sưng, nóng, đỏ, đau phần giữa mắt và mũi.
+ Chảy mủ từ lỗ ghèn.
+ Có thể gây dò, thoát mủ ra ngoài da.
– Tắc lệ đạo được phân loại theo vị trí và thời gian mắc bệnh như sau:
+ Tắc lệ đạo trước túi lệ: Không có điểm lệ, lệ quản hoặc tắc điểm lệ, lệ quản.
+ Tắc lệ đạo sau túi lệ: Tắc cổ túi lệ hoặc tắc ống lệ mũi bẩm sinh.
+ Tắc lệ đạo bẩm sinh: Xuất hiện từ khi trẻ mới đẻ được 1 – 2 tuần hoặc có thể muộn hơn. Nguyên nhân thường do ứ đọng chất dịch trong lòng lệ đạo, hoặc do tồn tại một màng mỏng che lấp đầu dưới của ống lệ mũi nơi đổ vào ngách mũi.
+ Tắc lệ đạo mắc phải: Phần lớn những trường hợp tắc lệ đạo mắc phải là không rõ nguyên nhân. Có thể gặp tắc ở điểm lệ, lệ quản, ống lệ chung, túi lệ hay ống lệ mũi. Một số ít nguyên nhân có thể tìm thấy như: Chấn thương, phẫu thuật mũi xoang, bệnh lý sở mũi xoang…
3.1 Cách nhận biết khi bị tắc lệ đạo?
Chảy nước mắt là triệu chứng chủ yếu của tắc lệ đạo nhưng ngoài tắc lệ đạo, chảy nước mắt còn có thể do tuyến lệ tăng tiết hoặc bơm nước mắt bị hỏng. Vì vậy trước một bệnh nhân chảy nước mắt ta thường tiến hành các khám nghiệm sau:
– Khám lâm sàng.
+ Phát hiện chảy nước mắt là do mắt bị kích thích từ kết, giác mạc như: viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, viêm mống mắt, Glôcôm cấp, dị vật kết giác mạc…
+ Khám mi mắt phát hiện: Hẹp lỗ lệ, không có lỗ lệ, lỗ lệ lạc chỗ. Dấu hiệu lộn mi, lộn điểm lệ (Lỗ lệ không tiếp xúc với nhãn cầu). Sờ nắn và ấn vào túi lệ để kiểm tra túi lệ có sưng nề không? Có mủ trào qua điểm lệ không?…
+ Quan sát liềm nước mắt: Có trường hợp dấu hiệu chảy nước mắt không rõ ràng nhưng có liềm nước mắt cao. Khi đó nước mắt đọng ở góc trong mắt vùng hồ lệ thành ngấn. Có thể đo độ cao của ngấn nước mắt bằng ánh sáng lọc xanh cobalt của máy sinh hoá hiển vi sau khi nhỏ vào túi cùng kết mạc một giọt Eluorescein 2%.
– Test sạch thuốc nhuộm.
Nhỏ vào hai túi kết mạc mỗi bên một giọt Fluorescein 2%. Sau 5 phút, bình thường không có hoặc còn rất ít thuốc nhuộm. Sự ứ đọng thuốc nhuộm chứng tỏ tình trạng không thích ứng của quá trình dẫn lưu nước mắt.
– Test trào ngược.
Là test đơn giản, dễ làm, có giá trị trong chẩn đoán tắc ống lệ mũi. Kỹ thuật: Nhỏ Fluorescein 2% vào túi cùng kết mạc. Yêu cầu người bệnh chớp mắt 5 lần để kích hoạt bơm nước mắt. Sau đó kiểm tra sự trào ngược của nước mắt đã nhuộm màu Fluorescein qua điểm lệ dưới bằng cách quan sát dưới ánh sáng xanh Cobalt của đèn soi đáy mắt khi xoa nắn ngón tay trỏ vào vùng túi lệ. Thử nghiệm dương tính khi có nước mắt được nhuộm màu trào qua điểm lệ dưới.
– Bơm thăm dò lệ đạo.
Đây là một phương pháp khá chính xác để đánh giá tắc lệ đạo. Bơm dung dịch nước muối sinh lý qua một trong hai lệ quản, có thể xảy ra những tình huống sau:
+ Khó đưa kim vào, không bơm được nước vào: Tắc lệ quản hoàn toàn.
+ Khó đưa kim vào, nước trong trào ngược lệ quản đối diện: Tắc lệ quản chung.
+ Đưa kim vào dễ, chất nhầy trào ngược lệ quản đối diện: Tắc ống lệ mũi kèm túi lệ mãn, hai lệ quản thông.
+ Đưa kim vào dễ, nước trào lại chỗ kèm mủ nhầy hoặc túi lệ căng phồng: Tắc ống lệ mũi hoàn toàn và tắc lệ quản đối diện.
+ Đưa kim vào dễ, nước vừa trào ngược vừa xuống mũi: Hẹp một phần ống lệ mũi, có thể tắc cơ năng trong điều kiện sinh lý.
+ Kim vào dễ dàng, nước xuống mũi dễ dàng, đường lệ thông: Ống lệ mũi thông.

4. Biến chứng gì xảy ra nếu không điều trị viêm tắc lệ đạo?
– Chảy nước mắt sống liên tục
– Viêm mủ túi lệ, abscess túi lệ
– Viêm hốc mắt

5. Điều trị viêm tắc lệ đạo bằng những phương pháp gì?
5.1. Điều trị bảo tồn.
Điều trị bảo tồn tắc lệ đạo là phương pháp điều trị không làm thay đổi cấu trúc giải phẫu và sinh lý bình thường của lệ đạo. Thường áp dụng cho tắc lệ đạo bẩm sinh, còn tắc lệ đạo mắc phải ít có kết quả.
Điều trị bảo tồn gồm có: Nhỏ thuốc kháng sinh, day nắn túi lệ, bơm rửa lệ đạo, thông lệ đạo, đặt ống Silicon, nong ống lệ mũi, điện đông ống lệ mũi.
5.2. Điều trị phẫu thuật
Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị tắc lệ đạo. Tuỳ thuộc vào từng vị trí tắc, từ đơn giản đến phức tạp.
5.2.1 Tắc trước túi lệ:
– Mở rộng điểm lệ.
– Cắt chỗ hẹp lệ quản.
– Nối thông hồ lệ – miệng: Tạo một đường hầm từ hồ lệ xuống miệng.
– Nối thông kết mạc – xoang hàm.
– Nối thông kết mạc – túi lệ.
– Nối thông kết mạc – túi lệ – mũi.
5.2.2 Tắc sau túi lệ:
Chủ yếu là phẫu thuật nối thông túi lệ mũi.
Nguyên lý là tạo một đường dẫn nước mắt mới từ túi lệ sang hốc mũi không qua ống lệ mũi bị tắc. Đây là phương pháp chính điều trị tắc ống lệ mũi mắc phải. Có hai phương pháp phẫu thuật, đó là: Phẫu thuật nối thông túi lệ mũi qua đường mũi và phẫu thuật nối thông túi lệ mũi qua đường rạch da.
+ Phẫu thuật nối thông túi lệ mũi qua đường mũi: Có ưu điểm là thời gian phẫu thuật ngắn, ít sang chấn mô lành xung quanh đường lệ, không để lại sẹo nhưng kết quả thường thấp hơn phẫu thuật nối thông túi lệ mũi qua đường rạch da.
+ Phẫu thuật nối thông túi lệ mũi qua đường rạch da: Hiện nay có hai phẫu thuật chính thường áp dụng là phẫu thuật Taumi và phẫu thuật Dupuy-Dutemps.
5.2.3 Chấn thương đứt lệ quản.
+ Chấn thương đứt lệ quản có thể xảy ra do tác dộng trực tiếp của những tác nhân nhọn hoặc có cạnh sắc: Song đa số thường gặp là tác động gián tiếp do co kéo đột ngột mi theo chiều ngang gây đứt gân góc trong mắt và lệ quản. Có thể chẩn đoán dễ dàng bằng bơm hoặc thông lệ quản.
+ Điều trị:
Phẫu thuật khâu nối lệ quản và đặt ống Silicon trong lòng lệ quản. Có thể tiến hành phẫu thuật ngay sau khi xảy ra chấn thương hoặc mổ trì hoãn trong vòng 48h để chuẩn bị các dụng cụ phẫu thuật cần
thiết vì đây là khoảng thời gian quá trình tăng sinh xơ – tổ chức hạt chưa bắt đầu. Ống Silicon được để lưu từ 3 – 12 tháng tùy theo mức độ nặng nhẹ của tổn thương.

6. Trong và sau mổ viêm tắc lệ đạo có biến chứng gì xảy ra không?
– Chảy máu.
– Nhiễm trùng hốc mắt.
– Tắc lệ đạo tái phát.

7. Chăm sóc và phòng bệnh viêm tắc lệ đạo như thế nào?
– Để phòng bệnh này bệnh nhân cần được khám và điều trị sớm các viêm nhiễm ở mi mắt và kết mạc, các chấn thương ở vùng mi mắt.
– Đối với trẻ nhỏ, khi phát hiện trẻ bị chảy nước mắt, cần đưa đi khám ngay tại các cơ sở chuyên khoa mắt để xác định chính xác nguyên nhân chảy nước mắt, loại trừ các bệnh nguy hiểm khác ở mắt như glocom bẩm sinh, viêm trong mắt.
– Đối với người lớn, khi thấm chùi nước mắt, cần dùng khăn sạch để tránh các biến chứng như viêm bờ mi hoặc tình trạng lật mi. Tốt nhất là đi khám sớm khi thấy có các biểu hiện chảy nước mắt liên tục và thường xuyên để tránh các biến chứng như viêm túi lệ, viêm kết mạc mãn tính… Nếu gặp phải những kích thích nhỏ như ánh sáng, gió, bụi…nước mắt cũng chảy giàn giụa, đó có thể là biểu hiện của tắc lệ đạo.
– Cho bệnh nhân nằm nghỉ tại giường, đầu cao, chườm lạnh lên vết thương
– Vệ sinh bơm rửa lệ đạo, nhỏ thuốc theo chỉ định bác sĩ và tái khám định kỳ. Rút ống silicone sau 6 tháng

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Điều trị cười hở lợi

1. Cười hở lợi là gì? - Cười hở lợi hay cười lộ nướu là tình trạng lộ nướu hàm trên quá mức khi cười,...