Viêm thanh quản cấp

1.Bệnh viêm thanh quản cấp là gì?

Viêm thanh quản là tình trạng niêm mạc của thanh quản bị viêm, phù nề đôi khi có loét và lan xuống các lớp sâu hơn làm viêm cơ, hoại tử sụn, kéo theo sưng dây thanh âm gây ra biến dạng âm thanh khi không khí đi qua kết quả giọng khàn, có thể bị mất giọng. Viêm thanh quản kéo dài dưới 3 tuần thì được gọi là viêm thanh quản cấp tính.

Nguyên nhân đa số do nhiễm virus đường hô hấp, có thể do vi khuẩn, la hét nói nhiều, hít phải hóa chất độc hại như chất tẩy rửa, xăng, trào ngược dạ dày

Hầu hết các trường hợp triệu chứng kéo dài dưới 1 tuần, số ít trường hợp nghiêm trọng và kéo dài hơn.

Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn.

2.Triệu chứng thường gặp

  • Khàn tiếng
  • Giọng nói yếu hoặc mất giọng
  • Cảm giác đau, ngứa họng
  • Ho khan

Đi khám ngay nếu:

  • Thở rít khi hít vào
  • Gặp vấn đề khi nuốt
  • Khó thở
  • Sốt cao

3.Phân độ khó thở thanh quản:

Độ 1: Nhẹ

  • Khàn và rè tiếng khi khóc, nói.
  • Tiếng ho còn trong hay hơi rè.
  • Biểu hiện khó thở vào chưa điển hình, tiếng rít thanh quản nhẹ.
  • Hoặc chưa rõ co kéo cơ hô hấp phụ ít.
  • Tình trạng toàn thân chưa ảnh hưởng.

Độ 2: Trung bình

  • Mất tiếng, nói không rõ từ
  • Tiếng ho ông ổng như chó sủa
  • Triệu chứng khó thở thanh quản điển hình, tiếng rít thanh quản rõ
  • Co kéo cơ hô hấp mạnh
  • Trẻ kích thích, vật vã, hốt hoảng, lo sợ.

Độ 3: Nặng

  • Mất tiếng hoàn toàn, khóc hoặc nói không thành tiếng, phào phào.
  • Không ho thành tiếng hoặc không ho được.
  • Triệu chứng khó thở dữ dội, có biểu hiện của tình trạng thiếu oxy nặng. Trẻ có thể tím tái, rối loạn nhịp thở.
  • Tình trạng toàn thân bị ảnh hưởng rõ thần kinh (hôn mê, lờ đờ hay vật vã), tim mạch, da tái vã mồ hôi …

4.Biến chứng

Có thể nhiễm trùng lan sang các phần khác của đường hô hấp: viêm khí quản phế quản, viêm phổi …

5.Điều trị

Tùy theo mức độ khó thở thanh quản, có sốt hay không sốt, điều trị nguyên nhân. Thời gian điều trị thường dưới 1 tuần, một số trường hợp diễn tiến nặng nguy cơ điều trị kéo dài hơn.

  • Khó thở thanh quản độ 1: có thể điều trị ngoại trú, dùng thuốc uống dexamethason hoặc prednisolon, cần tái khám mỗi ngày.
  • Khó thở thanh quản độ 2: nhập viện, điều trị với thuốc dexamethason tiêm hoặc uống; hoặc khí dung budenoside; hoặc khí dung adrenalin, dùng kháng sinh nếu chưa ngoại trừ nguyên nhân nhiễm khuẩn.
  • Khó thở thanh quản độ 3: nằm cấp cứu, thở oxy để đảm bảo oxy trong máu, khí dung adrenalin, dexamethason tiêm, kháng sinh tĩnh mạch.
  • Nếu bệnh diễn tiến nặng hơn tím tái, lơ mơ, cơn ngừng thở thì chỉ định đặt nội khí quản thở máy.

6.Chăm sóc khi trẻ bị viêm thanh quản cấp

  • Nói càng ít càng tốt, trẻ nhỏ tránh kích thích quấy khóc nhiều.
  • Uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm lỏng, dễ nuốt.
  • Giữ không khí ẩm, có thể dùng chậu nước đặt trong phòng (máy sưởi và điều hòa có thể làm không khí bị khô)
  • Tránh khói, bụi, khói thuốc lá.
  • Theo dõi nhiệt độ, tình trạng trẻ, các dấu hiệu để tái khám ngay như: các triệu chứng tăng lên, sốt cao, khó thở, bỏ ăn, li bì hoặc kích thích …

7.Phòng bệnh

  • Tránh hút thuốc lá thụ động, khói làm khô và kích thích dây thanh âm.
  • Uống nhiều nước.
  • Tránh ăn thức ăn cay, thực phẩm cay có thể gây ra trào ngược dạ dày.
  • Tránh la hét, nói nhiều căng giọng.
  • Chế độ ăn ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây … thực phẩm chứa nhiều vitamin A, E, C giúp chất nhầy dây thanh âm hoạt động tốt.
  • Phòng nhiễm trùng hô hấp: rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc người đang mắc nhiễm trùng hô hấp trên như cảm lạnh, cúm.
  • Tiêm vaccin đầy đủ.