1. Tầm quan trọng của việc phòng chống té ngã?
Theo WHO (Tổ chức y tế thế giới 2021)
– Té ngã là tai nạn phổ biến nhất ở những người từ 65 tuổi trở lên và là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhập viện liên quan đến chấn thương ở nhóm tuổi này.
– Tỷ lệ té ngã ở những người từ 85 tuổi trở lên chiếm khoảng 40%. Trong đó khoảng 10% trường hợp té ngã dẫn đến chấn thương nghiêm trọng, bao gồm gãy xương hông, chấn thương sọ não, gãy xương khác.
– Té ngã là nguyên nhân đứng hàng thứ hai trong số các ca tử vong do thương tích không chủ ý trên toàn thế giới.
– Mỗi năm ước tính có 684.000 người chết vì té ngã trên toàn cầu, trong đó hơn 80% là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
– Khoảng 10-20% té ngã dẫn đến gãy xương, hầu hết các trường hợp gãy xương xảy ra tại nhà (85%).
2. Đối tượng có nguy cơ té ngã?
– Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến té ngã. Người lớn tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất hoặc chấn thương nghiêm trọng do té ngã và nguy cơ này tăng lên theo độ tuổi. Tại Hoa Kỳ, cứ 10 người trên 65 tuổi thì có 3 đến 4 người bị ngã mỗi năm. Nếu bạn đã từng bị ngã trong quá khứ, nguy cơ bị ngã lần tiếp theo của bạn sẽ cao hơn.
– Môi trường không an toàn, đặc biệt đối với những người có khả năng giữ thăng bằng kém và tầm nhìn hạn chế.
– Các mối nguy hiểm trong nhà hoặc ngoài môi trường xung quanh (nền nhà bừa bộn, ánh sáng yếu,.v.v.).
– Sự lựa chọn loại, kích cỡ hoặc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ (gậy, nạng, khung tập đi,v.v.) không chính xác.
– Những khu vực công cộng được thiết kế chưa phù hợp với người già.
– Các bệnh lý như bệnh lý tim mạch, thần kinh, loãng xương,…
– Khả năng vận động, nhận thức và thị lực kém, đặc biệt là ở những người sống trong một cơ sở, chẳng hạn như viện dưỡng lão hoặc cơ sở chăm sóc bệnh mạn tính.
– Sử dụng một số thuốc hay là đồ uống có chất kích thích.
3. Làm sao để dự phòng té ngã?
– Bác sỹ sẽ đánh giá các nguyên nhân và tình trạng té ngã của bạn. Dựa trên kết quả đánh giá nguy cơ té ngã là cao, trung bình hay thấp, cũng như việc xác định yếu tố nào đang làm cho bạn dễ té ngã, bác sỹ sẽ đưa ra giải pháp phù hợp giúp bạn phòng tránh té ngã lần nữa.
– Kiểm tra tình trạng sức khỏe của bạn. Một số vấn đề sức khỏe có thể khiến bạn có nguy cơ bị ngã. Chúng bao gồm các tình trạng ảnh hưởng đến thị lực, thính giác, sức mạnh cơ bắp hoặc sự cân bằng.
– Duy trì hoạt động, tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ té ngã. Nó cũng có thể giúp bạn không bị thương nếu bị ngã. Tốt nhất là thực hiện một vài hoạt động khác nhau giúp tăng cường sức mạnh và sự cân bằng. Có nhiều loại hình tập thể dục có thể an toàn cho người lớn tuổi, bao gồm: đi bộ, bơi lội và Thái Cực Quyền (một môn võ thuật của Trung Quốc bao gồm các động tác chậm rãi, nhẹ nhàng).
Vận động hợp lý giúp tăng cường sức mạnh và duy trì sự cân bằng của cơ thể
– Sử dụng gậy, khung tập đi và các thiết bị an toàn khác. Nếu bác sỹ khuyên bạn nên sử dụng gậy hoặc khung tập đi, hãy đảm bảo rằng nó có kích thước phù hợp và bạn biết cách sử dụng chúng.
– Kiểm soát bệnh nền như Đái tháo đường, loãng xương.
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung đầy đủ calci, vitamin D,… cho cơ thể.
Đừng quên tham khảo ý kiến bác sỹ về tình trạng sức khỏe để tìm ra những giải pháp phù hợp nhất đối với bạn!
4. Ngôi nhà an toàn – Không té ngã – Không gãy xương
Để giúp phòng tránh té ngã hiệu quả bạn cần can thiệp đa yếu tố bao gồm:
– Đánh giá rủi ro.
– Giáo dục sức khỏe.
– Sắp xếp lại môi trường sống.
Các biện pháp như giáo dục sức khỏe, tạo môi trường an toàn hơn thực sự hiệu quả và chi phí thấp hơn so với việc can thiệp thực hiện những phương pháp khác. Làm thế nào để cho ngôi nhà của bạn an toàn hơn? Để tránh bị ngã khi ở nhà, hãy loại bỏ những thứ có thể khiến bạn vấp ngã hoặc trượt chân.
4.1. Nhà ở
Sử dụng thảm có chống trượt và cung cấp đủ ánh sáng cho ngôi nhà
– Kiểm tra tất cả thảm tại nhà, sử dụng thảm có lớp lót chống trượt và thay thế nó khi bị mòn.
– Sắp xếp đồ đạc gọn gàng: Không để đồ đạc, giày dép lộn xộn trên lối đi.
– Đủ độ sáng: Đảm bảo đủ độ sáng và tầm nhìn.
– Lựa chọn đèn tại nhà: Chọn đèn nhiều nhánh thay cho các loại đèn đơn để tăng ánh sáng và giảm tình trạng chói mắt.
– Thú cưng: Cân nhắc tránh nuôi thú cưng khi nhà có người lớn tuổi.
– Sắp xếp gọn gàng các dây cáp của tivi, máy tính, các hộp trong nhà.
– Cắm dây điện dưới đồ nội thất hoặc xung quanh chân tường.
4.2. Cầu thang
– Tay vịn: Lắp tay vịn ở cả 2 bên của cầu thang.
– Bậc thang: Cần có thanh chống trượt và thanh nhận diện bậc thang cuối cùng.
– Đèn cầu thang: Sử dụng đèn cho các bậc cầu thang và đèn hai chiều.
– Lắp thêm công tắc 2 chiều, bóng đèn tại sảnh hoặc cầu thang phụ.
Lắp tay vịn, đèn cầu thang và thanh nhận diện bậc thang cuối cùng
4.3. Phòng ngủ
– Chuông báo: Lắp chuông báo đối với trường hợp nguy hiểm.
– Đèn nhà vệ sinh: Lắp đèn ở lối đi vệ sinh hoặc bô vệ sinh dưới giường ngủ.
– Luôn sử dụng đèn cạnh giường ngủ của bạn khi thức dậy vào ban đêm.
– Không bao giờ bước đi trong bóng tối, nếu bạn thường xuyên đi tiểu vào ban đêm, giữ đèn tại sảnh/lối đi luôn bật.
4.4. Phòng tắm
– Lắp đặt thanh vịn tại phòng tắm.
– Ghế tắm: Cân nhắc sử dụng ghế ngồi khi tắm.
– Sử dụng thảm chống trượt.
– Lau chùi khi có nước tràn/văng trên sàn nhà ngay lập tức.
– Có giỏ đựng xà bông, xà phòng tắm gọn gàng tránh rơi trên sàn nhà gây trơn trượt.
– Lau chùi khi có nước tràn/văng trên sàn nhà ngay lập tức.
4.5. Nhà bếp
– Tủ bếp: Sử dụng tủ bếp vừa tầm cao và dễ dàng tiếp cận.
– Sạch sẽ: Lau chùi khi có nước hoặc dầu mỡ trên sàn.
– Sắp xếp các vật dụng thường dùng vào ngăn tủ sao cho dễ dàng sử dụng.
– Lau chùi khi có nước tràn/văng trên sàn nhà ngay lập tức.
ThS.BS. Nguyễn Đình Hòa, Trưởng Đơn vị Cơ – Xương – Khớp
Bệnh viện Đa khoa Gia Đình
Để tải ấn phẩm chất lượng cao vui lòng ấn vào nút “Tải Xuống” phía dưới: