Bệnh viện Đa Khoa Gia Đình (TP. Đà Nẵng) vừa phẫu thuật tách ngón thành công chỉ trong một lần phẫu thuật cho bệnh nhân 19 tháng tuổi bị tật bẩm sinh dính ngón 3,4,5 ở cả hai bàn tay.
Đầu tháng 4/2022, Bé P.L.T.K (SN2020, Quảng Ngãi) được ba mẹ đưa đến BV Gia Đình thăm khám và chia sẻ rằng “bé đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế khác và được các bác sĩ tại đó tư vấn sẽ phẫu thuật 02 lần cho cháu vì mức độ dính nặng (dính nhiều ngón một lúc)”. Lo lắng con còn nhỏ mà phải chịu phẫu thuật nhiều lần nên gia đình đã đưa cháu K. đến Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng để được tư vấn. Sau khi các bác sĩ tiến hành thăm khám, làm các cận lâm sàng cần thiết và hội chẩn thì êkíp bác sĩ quyết định sẽ phẫu thuật cho cháu trong một lần duy nhất.
Ngày 03/04/2022, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công sau 5 tiếng bởi sự phối hợp của Ths.Bs. Nguyễn Đình Hòa (chuyên khoa cơ xương khớp) – Ths.Bs. Phạm Ngọc Quang (phẫu thuật tạo hình) và Bs.CKI. Đoàn Thị Nguyệt Thủy (gây mê hồi sức) cùng các cộng sự. Đây là một phẫu thuật tách dính ngón tay rất phức tạp, dễ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, chưa kể sau mổ có thể có những nguy cơ như: hoại tử vạt da ghép, hoại tử ngón tay sau phẫu thuật, tổn thương thần kinh ngón, có thể khiến ngón tay của trẻ mất cảm giác.
Hai bàn tay bé P.L.T.K trước phẫu thuật
Hai bàn tay bé P.L.T.K sau phẫu thuật
Ths.Bs. Nguyễn Đình Hòa, Đơn vị Cơ xương khớp, Bệnh viện Gia Đình chia sẻ: “Phẫu thuật tách dính ngón tay là một kỹ thuật khó trong phẫu thuật tạo hình, trường hợp dính nhiều ngón hoặc dính nặng cả gân chung, xương chung yêu cầu chuyên môn rất cao của bác sĩ, nếu không sẽ cần tiến hành phẫu thuật nhiều lần, thậm chí là ca phẫu thuật sẽ thất bại. Phẫu thuật tách dính ngón tay vừa giúp đảm bảo chức năng bàn tay, vừa cần đảm bảo tính thẩm mỹ. Ngay cả việc thay băng vết thương cho bệnh nhi cũng cần rất cẩn thận bởi thay băng có thể làm tổn thương những vạt da của vết thương trẻ em – vốn đã rất mỏng manh”.
Bác sĩ Đoàn Thị Nguyệt Thủy – Trưởng khoa gây mê hồi sức cho biết thêm: “Bệnh nhi gây mê với thời gian kéo dài tới 5 tiếng nên cần quy trình chuẩn bị trước mổ thật tốt và theo dõi sát sao trong mổ. Sau phẫu thuật, việc thay băng cho bệnh nhi cũng thực sự khó khăn vì trẻ không bao giờ hợp tác; ekip phẫu thuật – gây mê quyết định thay băng dưới gây mê – kỹ thuật vốn rất an toàn cho trẻ giúp trẻ nhi không đau, không quấy khóc, bác sĩ thay băng cẩn thận, nhẹ nhàng và tất nhiên đem lại kết quả tốt nhất”. Trẻ được mang nẹp và xuất viện sau lần đầu thay băng, tái khám mỗi tuần. Sau lần thay băng thứ 3, Bố mẹ của cháu bé vui mừng chia sẻ:“Mừng quá bác sĩ ơi, tay con nay đẹp rồi bác. Ba mẹ cám ơn các bác sĩ nhiều lắm”.
Dị tật dính ngón tay bẩm sinh (Syndactyly) là dị tật đứng hàng thứ hai trong các dị tật của bàn tay (sau tật thừa ngón tay). Tần suất trẻ dính ngón tay bẩm sinh chiếm khoảng 1/2000 trẻ sơ sinh có nhiều mức độ từ nhẹ tới nặng như chỉ dính da cho đến dính phức tạp cả xương hoặc dính nhiều ngón tay một lúc. Trẻ nên được phẫu thuật trước tuổi đến trường (2 đến 4 tuổi), nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động của cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và tâm lý của cha mẹ.
Phẫu thuật điều trị dị tật bẩm sinh đã, đang và sẽ tiếp tục thắp sáng ước mơ cho nhiều trẻ em được sống như những đứa trẻ bình thường khác, được sống với một cơ thể lành lặn, khoẻ mạnh. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật phức tạp, dễ xảy ra biến chứng nên bố mẹ cần cân nhắc lựa chọn những cơ sở thăm khám và điều trị uy tín để con yêu được chữa trị tốt nhất, đảm bảo khả năng hồi phục và không để lại di chứng về sau.
Thông tin được ghi nhận bởi:
– Báo Doanh Nghiệp
– Báo Đà Nẵng
– Báo Thanh Niên
– Báo Sài Gòn Giải Phóng