Bệnh đông mạch cảnh

BỆNH ĐỘNG MẠCH CẢNH LÀ GÌ?

Động mạch cảnh xuất phát từ động mạch chủ ở trong ngực đi lên hai bên cổ và sau đó chia nhánh đi vào não. Động mạch cảnh làm nhiệm vụ cung cấp máu cho não. Thông thường, động mạch thường trơn láng và không bị hẹp ở bên trong, khi lớn tuổi sẽ hình thành mảng xơ vữa. (Mảng xơ vữa được hình thành từ cholesterol, calcium, và mô xơ). Khi có nhiều mảng xơ vữa hơn ở thành mạch, động mạch trở nên hẹp và cứng. Quá trình này gọi là xơ vữa động mạch. Khi mảng xơ vữa đủ lớn gây hẹp lòng động mạch sẽ làm giảm lưu lượng máu đi lên não, lúc này sẽ có biểu hiện của bệnh động mạch cảnh. Bệnh động mạch cảnh là một vấn đề nghiệm trọng về sức khỏe vì nó có thể gây ra đột quỵ.

Tuổi càng lớn thì tỷ lệ mắc bệnh của động mạch cảnh càng tăng chiếm khoảng 10% người lớn tuổi.

LÀM SAO ĐỂ CHẨN ĐOÁN BỆNH ĐỘNG MẠCH CẢNH

– Khám động mạch cảnh: sờ động mạch cảnh vùng cổ, phát hiện mảng rắn dưới tay. Thông thường, bên bị xơ vữa sẽ có động mạch đập rất yếu. – Siêu âm Doppler hệ động mạch cảnh: đây là phương pháp đơn giản với độ an toàn và chính xác cao, phát hiện nhanh bệnh.

– Chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang: Phương pháp này khắc phục được hầu hết các nhược điểm của siêu âm Doppler, cho chất lượng chẩn đoán cao: Có thể đo chính xác kích thước các động mạch, đánh giá lòng mạch, tình trạng huyết khối, mức độ tổn thương của mảng xơ vữa…

– Chụp cộng hưởng từ: Giúp chẩn đoán khu trú rõ hơn với độ chính xác tương đương chụp mạch.

– Chụp mạch số hóa xóa nền (DSA): Tiêu chuẩn vàng chẩn đoàn và thậm chí can thiệp điều trị bệnh động mạch cảnh

BỆNH CÓ NHỮNG TRIỆU CHỨNG NÀO?

Điều không may là dấu hiệu đầu tiên của bệnh động mạch cảnh có thể là Đột quỵ não. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh động mạch cảnh có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm Đột quỵ – Đó là các cơn thiếu máu não thoáng qua, thường kéo dài vài phút đến 1 giờ và bao gồm:

  • Cảm giác yếu, tê, hay cảm giác kim châm một bên thân thể, chẳng hạn, ở tay hay ở chân.
  • Không kiểm soát được vận động tay hay chân
  • Không nhìn thấy gì ở một mắt (nhiều người mô tả triệu chứng này giống như thấy cửa sổ kéo xuống)
  • Nói không rõ ràng hoặc khó nói

Những dấu hiệu này thường biến mất trong 24 giờ. Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ nặng có thể xảy ra trong tương lai gần ở khoảng 30 – 40% số bệnh nhân. Chính vì vậy, bệnh nhân và gia đình không được bỏ qua triệu chứng này (kể cả đã hồi phục hoàn toàn), cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được chẩn đoán xác định và can thiệp kịp thời, không bỏ lỡ cơ hội cứu sống bệnh nhân và phục hồi nhanh các triệu chứng thần kinh.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Điều trị phẫu thuật: Mục tiêu của phẫu thuật là lấy bỏ mảng xơ vữa nhằm giảm nguy cơ tai biến mạch máu não. Phẫu thuật hẹp động mạch cảnh khi có hẹp nặng (trên 70-80%), nhất là khi có triệu chứng trên lâm sàng.

Điều trị hẹp động mạch cảnh bằng can thiệp nội mạch: Đây là phương pháp không phẫu thuật, đưa dụng cụ qua một lỗ chọc kim ở động mạch đùi (gồm dây dẫn, ống thông gắn bóng, stent) đưa lên vị trí động mạch tổn thương, mở rộng lòng động mạch cảnh bị hẹp, ép mảng vữa xơ vào thành động mạch, tái lập lưu thông dòng máu lên não, giúp giảm đáng kể nguy cơ nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây là can thiệp cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân nhồi máu não đến sớm do tắc động mạch cảnh. Thời gian điều trị và nằm viện ngắn. Bệnh nhân cần uống thuốc lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ can thiệp và kiểm tra định kỳ để đánh giá kết quả lâu dài và can thiệp bổ sung nếu bệnh tái phát.

DỰ PHÒNG BỆNH ĐỘNG MẠCH CẢNH BẰNG CÁCH NÀO?

Có thể dự phòng hay làm chậm tiến triển bệnh động mạch cảnh bằng cách:

  • Bỏ hút thuốc là thay đổi quan trọng nhất bạn có thể làm để ngăn bệnh xảy ra.
  • Luyện tập thể dục thường xuyên
  • Ăn uống đúng cách
  • Duy trì cân nặng lý tưởng
  • Kiểm soát các yếu tố làm gia tăng nguy cơ phát bệnh động mạch cảnh, chẳng hạn như tiểu đường, cao huyết áp, hay tăng cholesterol, cũng giúp dự phòng bệnh này.

ThS.BS.Bùi Ngọc Anh
Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc
Bệnh viện ĐK Gia Đình