Bệnh động mạch chi dưới những điều cần biết

Bệnh động mạch chi dưới xảy ra khi mạch máu ở chân bị hẹp hoặc tắc do mảng xơ vữa khiến dòng máu đi đến chân và bàn chân bị giảm, gây ra cơn đau và các vấn đề ở mạch máu hai chân. Bệnh là một yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, đột q.uỵ não.

1. Bệnh lý động mạch chi dưới là gì?
Bệnh động mạch chi dưới (động mạch hai chân): Xảy ra khi mạch máu ở chân của bạn bị hẹp hoặc tắc do mảng xơ vữa. Dòng máu đi đến chân và bàn chân bị giảm, gây ra đau và các vấn đề về mạch máu chi dưới. Tỷ lệ mắc bệnh động mạch chi dưới mạn tính do vữa xơ động mạch chiếm 3- 7% dân số và người trên 75 tuổi tỷ lệ bệnh chiếm khoảng 20%. Bệnh động mạch chi dưới là một yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, đột quỵ não.

Theo thống kê tại Mỹ, năm 2010 ước tính có khoảng 202 triệu người trên thế giới có bệnh động mạch chi dưới, tăng 25% so với năm 2000. Năm 2015, có khoảng 236-262 triệu người mắc bệnh, tăng 29% so với năm 2010.
Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh tăng nhanh làm tăng nguy cơ tử vong tim mạch song bệnh lại diễn tiến âm thầm không triệu chứng, do đó bệnh nhân nhập viện thường ở giai đoạn muộn, việc điều trị đặt ra nhiều thử thách cho bác sỹ và bệnh nhân phải đối diện với nguy cơ cắt cụt chi.

2. Làm thế nào để tôi biết tôi có nguy cơ bị bệnh động mạch chi dưới?
Nếu có các tình trạng sau đây thì nguy cơ mắc bệnh động mạch chi dưới của bạn sẽ cao hơn:

  • Hút thuốc lá: Đây là yếu tố nguy cơ quan lớn của bệnh động mạch chi dưới, khi số thuốc lá bệnh nhân hút tăng lên 10 điếu/ngày thì nguy bị bệnh tăng lên 1,4 lần.
  • Đái tháo đường: Khoảng 1/3 số bệnh nhân tiểu đường trên 50 tuổi bị bệnh động mạch chi dưới. Thế nhưng hầu hết họ đều không biết mình bị bệnh cho đến khi bệnh tiến triển nặng hơn.
  • Tăng huyết áp: Làm tăng nguy cơ bệnh động mạch chi dưới lên gấp đôi.
  • Tăng mỡ máu: Tăng mỡ máu cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh lên gấp 2 lần.
  • Bị bệnh lý tim mạch kèm theo.
  • Đã từng bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
  • Béo phì, thừa cân.
  • Không tập thể dục.
  • Trên 50 tuổi.
  • Có tiền sử gia đình bị bệnh động mạch chi dưới, bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

3. Các dấu hiệu cảnh báo của bệnh động mạch chi dưới là gì?
Nhiều bệnh nhân bị bệnh động mạch chi dưới nhưng không hề có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào. Một vài người có thể có đau chân nhẹ khi đi bộ đỡ khi nghỉ, còn gọi là đau cách hồi, cảm thấy yếu hoặc có vấn đề khi đi bộ. Nhưng họ thường nghĩ đây là dấu hiệu của tuổi già.
Chính vì vậy hãy nói với bác sỹ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Đau chân xảy ra khi đi bộ, hết đau sau vài phút nghỉ ngơi
  • Mỏi chân hoặc chuột rút ở chân
  • Cảm giác tê, ngứa, lạnh bàn chân hoặc phần thấp ở chân
  • Khi có vết loét hoặc nhiễm trùng bàn chân, cẳng chân lành chậm
  • Khô hoặc nứt nẻ bàn chân
  • Đau bàn chân hoặc ngón chân, đau thậm chí cả khi nghỉ ngơi.

4. Chẩn đoán bệnh động mạch ngoại vi bằng cách nào?
Bác sỹ sẽ quan sát cả bàn chân và kiểm tra mạch, dòng chảy trong các mạch máu ở bàn chân. Cận lâm sàng thường được sử dụng để chẩn đoán là:

  • Đo chỉ số ABI: Sử dụng sóng siêu âm để đo huyết áp ở cổ chân và cánh tay rồi so sánh với nhau. Nếu huyết áp ở cổ chân thấp hơn huyết áp cánh tay thì có thể bạn bị bệnh động mạch chi dưới. Chỉ số ABI cũng đánh giá được lượng máu ở chân giảm. Bác sỹ sẽ cho kiểm tra ABI nếu:
  • Bạn trên 50 tuổi và bị bệnh tiểu đường
  • Ở bất kỳ độ tuổi nào nếu bạn có dấu hiệu cảnh báo bị bệnh mạch máu chi dưới
  • Nếu bạn bị tiểu đường > 10 năm hoặc hút thuốc lá
    Nếu kết quả bình thường thì chỉ số ABI sẽ được kiểm tra mỗi 5 năm/ lần
    Các cận lâm sàng khác có thể được sử dụng để chẩn đoán bao gồm:
  • Chụp mạch máu có thuốc cản quang: Sử dụng thuốc cản quang đưa vào mạch máu và dưới tác dụng của tia X thì có thể quan sát được vị trí mạch máu bị hẹp hay tắc.
  • Siêu âm mạch máu: Sử dụng sóng siêu âm để đánh giá mạch máu.
  • Chụp mạch cộng hưởng từ và chụp cắt lớp mạch máu: Đặc biệt được sử dụng trong trường hợp cần xem mạch máu của bạn có bị tắc hay không.

5. Điều trị bệnh lý động mạch chi dưới như thế nào?

  • Hoạt động thể chất, tập thể dục như đi bộ có thể áp dụng để điều trị hoặc phòng bệnh động mạch chi dưới.
  • Thuốc được sử dụng để làm giảm triệu chứng.
  • Chăm sóc bàn chân có thể giúp phòng bệnh.
    Trong một vài trường hợp, bệnh nhân cần được phẫu thuật để điều trị bệnh động mạch chi dưới:
  • Nong/ Đặt stent động mạch: Một ống thông hẹp với một quả bóng được đưa vào động mạch bị hẹp. Sau đó quả bóng được bơm lên để nong chỗ động mạch bị hẹp. Một giá đỡ (stent) được đặt vào vị trí đó để giữ cho động mạch không bị hẹp.

Hình ảnh nong bóng và đặt stent

Phẫu thuật bắc cầu: Lấy một đoạn mạch máu bình thường để nối bắc cầu qua chỗ bị hẹp hay tắc

Hình ảnh phẫu thuật bắc cầu

6. Tôi có thể chăm sóc bệnh lý động mạch chi dưới và làm giảm nguy cơ bị cơn đau tim hoặc đột quỵ bằng cách nào?

  • Hãy bỏ thuốc lá nếu bạn đang hút thuốc.
  • Mục tiêu đường máu HbA1c <7% Nồng độ đường máu < 7 mmol/l. Chỉ số HbA1c được làm xét nghiệm mỗi 2-3 tháng/ lần.
  • Giữ chỉ số huyết áp < 140/90 mmHg
  • Hỏi tham khảo ý kiến của bác sỹ rằng bạn có nên dùng statin hoặc aspirin
  • Áp dụng chế độ ăn khoa học, hạn chế chất béo có hại cho cơ thể
  • Tập thể dục: tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày và 5 ngày một tuần sẽ mang lại nhiều thay đổi đáng kể cho sức khỏe người bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thạc sỹ Bác sỹ Bùi Ngọc Anh
Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu – Đột quỵ
Bệnh viện Đa khoa Gia Đình