Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng kịp thời cứu sống bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết

Đột quỵ do nhồi máu não là một trong những bệnh lý nguy hiểm, gây tử vong hàng đầu thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng cao và có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng đã điều trị thành công ca nhồi máu não thứ cấp giờ thứ nhất cho bệnh nhân trẻ tuổi bằng phương pháp sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đúng thời điểm.

Trước lúc nhập viện khoảng một giờ, bệnh nhân Mai Đại L (33 tuổi, trú tại thành phố Đà Nẵng) đột ngột liệt nửa người bên trái, méo miệng, nói khó. Ngay khi tiếp nhận thăm khám, nhận thấy tình trạng bệnh nhân liệt nửa người trái, cơ lực tay chân đánh giá 0/5 điểm, liệt mặt trung ương trái, rối loạn phát âm. Các bác sỹ thuộc Đơn vị cấp cứu của Bệnh viện Gia Đình nhanh chóng cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cơ bản, kết quả chụp CT não chưa thấy tổn thương trên CT sọ não và chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp giờ đầu.

Ngay lập tức các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn và khởi động quy trình điều trị cho bệnh nhân đột quỵ não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Sau một giờ đồng hồ, các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân như liệt mặt trung ương trái, liệt nửa người trái và cơ lực tay chân trái đều đã được cải thiện rõ rệt.

Trong thời gian điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu – Đột quỵ, bệnh nhân được theo dõi sát, tiếp tục điều trị bằng thuốc và kết hợp tập phục hồi chức năng đồng thời còn được hỗ trợ về mặt tâm lý và chăm sóc toàn diện. Sau vài ngày điều trị, bệnh nhân Mai Đại L đã hồi phục sức khoẻ có thể tự đi lại, nói rõ và tỉnh táo hoàn toàn. Khi xuất viện, bệnh nhân được hướng dẫn, tiếp tục được quản lý ngoại trú và tái khám tại phòng khám của Đơn vị Đột quỵ – Can thiệp mạch máu.

Hiện nay, điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết là biện pháp được khuyến cáo hàng đầu cho bệnh nhân nhồi máu não trong giai đoạn cấp, giúp giảm tỷ lệ tử vong cũng như di chứng. Theo nghiên cứu NINDS, tỉ lệ hồi phục hoàn toàn khi điều trị bằng Alteplase trong 3 giờ đầu là 38%, tức là cứ 3 bệnh nhân được điều trị, sẽ có 1 bệnh nhân khỏi hoàn toàn. Tỉ lệ tử vong cũng giảm đáng kể khi điều trị bằng Alteplase (16% so với 22%). “Thời gian vàng” trong điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết là trước 4,5 giờ từ khi có triệu chứng đầu tiên của đột quỵ và thời gian tiêm thuốc càng sớm, tỷ lệ điều trị thành công càng cao.

Theo số liệu thống kê về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2019, Hội Đột quỵ Thế giới, mỗi năm có hơn 12,2 triệu người mới mắc đột quỵ, gây ra khoảng 6,5 triệu cái chết mỗi năm. Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị đột quỵ cũng ngày càng tăng từ 200/100.000 người/năm (1990) lên đến 250/100.000 người/năm (2010). Bên cạnh sự gia tăng số ca mắc, đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Theo Tổ chức Đột Quỵ Mỹ, hơn 16% bệnh nhân bị đột quỵ ở độ tuổi trong khoảng từ 18 tới 45 tuổi, tăng hơn 40% trong vòng 10 năm qua. Ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ).

Việc gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi rất đáng lo ngại. Nếu không được cấp cứu kịp thời, đột quỵ sẽ để lại những di chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của đột quỵ ở người trẻ tuổi là vô cùng quan trọng. Để nhận biết sớm và được điều trị sớm đột quỵ não chúng ta hãy nhớ: “CHẬM LÀ NÃO CHẾT” và thời gian vàng là 3 – 4.5 giờ đầu sau khi khởi phát, cần phải GỌI NGAY CẤP CỨU đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị càng sớm càng tốt. Không nên để bệnh nhân tự khỏi và tuyệt đối không tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian hoặc ăn uống bất kỳ thứ gì. Những điều này sẽ làm mất thời gian vàng điều trị và có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.

Bên cạnh các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,… thì một số yếu tố liên quan đến lối sống làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ như: hút thuốc lá (bao gồm cả việc hút thuốc lá điện tử, hít phải khói thuốc lá từ người khác), uống nhiều rượu bia, thói quen ăn uống không lành mạnh, ít vận động, tình trạng thừa cân/béo phì…

Để dự phòng bệnh lý đột quỵ não, chúng ta nên có một lối sống lành mạnh, bao gồm:
– Duy trì cân nặng hợp lý, vòng bụng nhỏ.
+ BMI lí tưởng của người Việt Nam là 18,5 – < 23 kg/m2,
+ Vòng bụng < 90cm (đối với nam), vòng bụng <80 cm (đối với nữ)
– Áp dụng chế độ ăn lành mạnh tùy theo các bệnh lý nền đang có.
– Tăng cường vận động, tập thể dục đều đặn, thường xuyên (Ít nhất 30 phút/ngày, hoặc ít nhất 150 phút/tuần).
– Không hút thuốc lá (kể cả thuốc lá điện tử), tránh hít phải khói thuốc lá của người khác.
– Hạn chế rượu bia và các chất kích thích. Số lượng rượu bia có thể tiêu thụ là:
+ Đối với nam: Tối đa 2 đơn vị cồn/ngày.
+ Đối với nữ: Tối đa 1 đơn vị cồn/ngày.

Cách quy đổi một đơn vị cồn

– Khám sức khỏe định kì, tuân thủ điều trị các bệnh lý nền và tái khám theo hướng dẫn của bác sỹ.