Biến chứng mắt trên bệnh nhân đái tháo đường

Bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên toàn cơ thể như về thần kinh, tim mạch, mạch máu, thận, mắt…Nhưng chúng ta  thường chú ý đến các biến chứng dễ nhận thấy như tim mạch, mạch máu, thận… mà không chú ý đến các biến chứng âm thầm nhưng rất nguy hiểm đó là biến chứng về mắt, khiến cho bệnh nhân suy giảm thị lực nhanh chóng, nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời có thể mất thị lực hoàn toàn.

Thị lực bị mất do biến chứng của đái tháo đường đôi khi không thể đảo ngược. Tuy nhiên, phát hiện và điều trị sớm có thể giảm 95% nguy cơ mù lòa.

 Vậy làm thế nào để  giảm thiểu tối đa các biến chứng về mắt cũng như nâng cao nhận thức của người bệnh về biến chứng này rất quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường hiện nay.

1. Biến chứng mắt của bệnh đái tháo đường?

Tăng nhãn áp (glaucoma)

Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị tăng nhãn áp cao hơn người bình thường khoảng 40%. Người bệnh càng lâu năm thì khả năng biến chứng xảy ra càng cao. Nguyên nhân là do thủy dịch trong mắt dẫn lưu kém làm tăng áp lực lên mắt. Áp lực này gây tắc nghẽn các mạch máu nuôi dưỡng võng mạc và các dây thần kinh thị giác khiến tầm nhìn của người bệnh đái tháo đường giảm dần.

Đục thủy tinh thể (cataracts)

Khi bị đục thủy tinh thể, mắt sẽ mờ như có màn sương mù phía trước khiến bạn nhìn không rõ. Với người đái tháo đường, khả năng đục thủy tinh thể khoảng 60%. Trước kia, bệnh đục thủy tinh thể thường gặp ở người cao tuổi, tuy nhiên ngày nay có xu hướng xuất hiện ở cả người trẻ tuổi.

Bệnh võng mạc do đái tháo đường (diabetic retinopathy)

Bệnh võng mạc do đái tháo đường là nguyên nhân gây mất thị lực phổ biến nhất đối với người bệnh đái tháo đường

Biến chứng đáy mắt của bệnh đái tháo đường còn gọi là bệnh võng mạc đái tháo đường, gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc. Võng mạc (còn gọi là đáy mắt) là vùng nhạy cảm với ánh sáng của nhãn cầu, nơi có các tế bào thần kinh nhận hình ảnh để đưa lên não xử lý.

2. Tại sao bệnh võng mạc đái tháo đường lại gây ra mù lòa?

Khi đường máu tăng cao và kéo dài. Tại mắt, sẽ làm tổn thương các mao mạch võng mạc, làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương vào võng mạc gây phù nề. Khi mao mạch bị phá hủy gây tắc và làm thiếu máu võng mạc, khi đó cơ thể phản ứng bằng cách tiết ra các yếu tố kích thích sự phát triển các mạch máu mới (tân mạch) để nuôi dưỡng những vùng võng mạc này. Tuy nhiên những mạch máu này mỏng manh dễ vỡ gây ra các biến chứng xuất huyết dịch kính, xơ hóa gây co kéo bong võng mạc.

Võng mạc là bộ phận cảm thụ ánh sáng, trong đó hoàng điểm là trung tâm của võng mạc, nơi cho thị lực tinh tế nhất. Ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường trên võng mạc làm cho võng mạc bị tổn thương nặng, ảnh hưởng trầm trọng tới chức năng thị giác.

3. Triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường?

Ở giai đoạn đầu bệnh nhân có thể không cảm thấy bất thường. Khi bệnh tiến triển hơn có thể gặp:

  • Cảm giác có đốm đen (ruồi bay), hoặc các sợi màu đen ở trước mắt
  • Nhìn mờ
  • Hình ảnh dao động
  • Thấy những vùng đen hoặc vùng trống trong cảnh vật
  • Mất cảm nhận màu sắc

 4. Ai sẽ có yếu tố nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường?

  • Thời gian bị bệnh ĐTĐ, bệnh càng lâu, càng có nguy cơ bị biến chứng ở đáy mắt.
  • Glucose huyết không ổn định.
  • Tăng huyết áp
  • Tăng cholesterol máu
  • Có thai
  • Hút thuốc lá

5. Biện pháp ngăn ngừa biến chứng mắt của bệnh đái tháo đường

5.1. Tái khám định kỳ

  • Phát hiện sớm các tổn thương ở đáy mắt sẽ giúp xử trí kịp thời và ngăn ngừa tiến triển của biến chứng.
  • Ở giai đoạn sớm, bệnh võng mạc ĐTĐ không có triệu chứng do đó các bác sĩ sẽ tầm soát biến chứng này bằng cách:
  • Chỉ định khám đáy mắt mỗi năm ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 ngay lúc mới chẩn đoán và sau đó mỗi năm bởi bác sĩ chuyên khoa mắt.
  • Đối với bệnh nhân ĐTĐ type 1, chỉ định khám đáy mắt 5 năm sau khi chẩn đoán.
  • Nếu glucose huyết ổn định tốt, huyết áp không cao, không có bất thường mỡ máu, bác sĩ có thể quyết định khám lại đáy mắt sau 2-3 năm.
  • Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường khi mang thai nên khám mắt toàn diện trong ba tháng đầu và theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ và trong một năm sau sinh.

5.2. Điều trị tốt nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Ổn định glucose huyết tốt, HbA1C < 7%, luyện tập ít nhất 150 phút mỗi tuần, ăn uống điều độ, theo đúng chỉ dẫn, uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

– Chế độ ăn lành mạnh, cũng như luyện tập thể dục hợp lý và sử dụng thuốc hạ đường máu đóng một vai trò quan trọng trong điều trị và kiểm soát đường máu.

+ Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh để giúp kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol

+ Cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng và áp dụng chế độ ăn với đĩa thức ăn thông minh

– Trước khi lên chương trình tập luyện thể dục nên khám kiểm tra các biến chứng. Để bác sỹ có liệu trình tập thể phù hợp với tình hình sức khỏe

– Không nên tập các bài tập làm tăng áp lực như chạy bộ nhanh và tập tạ…

– Đối với những người có biến chứng võng mạc thì nên tập các bài tập có cường độ vừa phải, nên chú trọng các bài tập nâng cao sức dẻo dai, sức bền, sức cơ.

5.3. Điều trị tốt huyết áp, giảm muối trong khẩu phần.

5.4. Điều trị tốt rối loạn chuyển hóa lipid.

5.5. Ngưng hút thuốc.

5.6. Khám đáy mắt

– Bước 1: Khám tổng quát về mắt để đánh giá chức năng chung của mắt

– Bước 2: Tra thuốc giãn đồng tử để khám đáy mắt

– Bước 3: Chụp đáy mắt ảnh màu để nhận định các tổn thương giai đoạn sớm

– Bước 4: Nếu đã xuất hiện các tổn thương, chụp mạch máu huỳnh quang và chụp OCT để đánh giá. Hệ thống chụp mạch huỳnh quang kỹ thuật số cho phép phát hiện các tổn thương phù, xuất huyết, thiếu máu, tân mạch bất thường rất chính xác. Chụp OCT cũng là một phương pháp cực kỳ hiện đại để đánh giá tình trạng phù và tổn thương của võng mạc trung tâm.

Kết luận: Thị lực bị mất do bệnh võng mạc tiểu đường đôi khi không thể đảo ngược. Tuy nhiên, phát hiện và điều trị sớm có thể giảm 95% nguy cơ mù lòa. Hãy bảo vệ đôi mắt “ Đừng trì hoàn, kẻo mù lòa”

Tài liệu tham khảo

https://idf.org/our-activities/care-prevention/eye-health.html
https://jieh.vn/bien-chung-tieu-duong-tai-mat-nguy-co-suy-giam-thi-luc-nhanh-chong-n289
https://www.nei.nih.gov/dm_flipchart/slide13_English.htm
https://care.diabetesjournals.org/content/diacare/40/3/412.full.pdf